Nếu Tết này, bạn đang vào Facebook bằng điện thoại iPhone hoặc iPad hay laptop Macbook, thì có nghĩa là bạn đang rất gần gũi với hai nhân vật có tầm ảnh hưởng cực lớn của thế giới, không chỉ giới hạn trong thế giới công nghệ. Nói vậy bởi có một sự trùng hợp đầy thú vị là, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, mạng xã hội hùng mạnh trên Internet và CEO của Apple, nhà sản xuất
iPhone, iPad, Macbook, đều vừa được bầu chọn là nhân vật tiêu biểu của cả thế giới trong năm 2010 bởi hai tạp chí hàng đầu.
Nếu như Mark Zukerberg, CEO của Facebook, được Tạp chí Time lựa chọn, thì Steve Jobs, CEO của Apple được Tạp chí Financial Times vinh danh. Hai người đàn ông một già một trẻ, nhưng mỗi người được một tạp chí danh tiếng bình chọn là “Gương mặt của năm 2010″. Lý do họ được chọn, vì ở một góc độ nào đó, họ đã làm thay đổi một phần của thế giới.
Hai thiên tài
Khi Steve Jobs thành lập Apple vào năm 1976, thì 8 năm sau, Mark Zukerberg mới chào đời. Nhưng “hậu sinh khả úy”, đến thời điểm này, kẻ “hậu sinh” đã vượt qua người “tiền bối” trong bảng xếp hạng các tỷ phú. Theo Bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes hồi tháng 9/2010, Mark Zurkerberg đứng thứ 35 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất nước Mỹ, với tài sản trị giá 6,9 tỷ USD, so với Steve Jobs sở hữu 6,1 tỷ USD và xếp thứ 42
Tạp chí Time có vẻ đã không quá lộng ngôn khi hạ bút: “Zuckerberg bằng tuổi Nữ hoàng Elizabeth khi bà là gương mặt của năm 1952. Nhưng không giống Nữ hoàng, Zuckerberg không thừa hưởng một đế chế, mà anh ấy đã tạo ra một đế chế”. Tạp chí này cũng mở ngoặc: “Nhân tiện nói thêm, Nữ hoàng cũng vừa tạo một trang Facebook trong năm nay”.
Còn tờ Financial Times khi bình luận về nhân vật trong năm của mình cũng “cẩn thận” nhấn mạnh, khi Steve Jobs lần đầu tiên xuất hiện trên trang nhất các báo, ông thậm chí còn trẻ hơn tuổi của Mark Zukerberg bây giờ. Thực tế, Steve Jobs là gương mặt quen thuộc trên các tạp chí từ nhiều năm. Ngay mới đầu tháng 12/2010, ông được tạp chí MarketWatch bình chọn là CEO của thập kỷ.
Lật lại lịch sử, Jobs đồng sáng lập Công ty Apple Computer từ năm 1976, khi ông mới 21 tuổi. Sau sản phẩm đầu tiên là máy tính cá nhân Apple I, sang năm 1977, Apple cho ra mắt Apple II và đạt được thành quả vang dội. Năm 1980, chỉ sau 4 năm, “Quả táo” đã không còn là một công ty 2 người khởi sự trong gara nhà Jobs, mà đã trở thành một công ty tầm cỡ quốc tế, được niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán và những người sáng lập ra nó trở thành triệu phú.
Theo đánh giá của Forbes, trong vòng 2 thập kỷ đầu, người sáng lập Apple đã hai lần làm đổi hướng ngành công nghiệp máy tính. Máy tính Apple II ra đời năm 1977 đã mở đầu cho kỷ nguyên máy tính cá nhân. Đến năm 1984, mẫu Macintosh tạo thêm một bước đột phá với giao diện người dùng đồ họa (Graphical User Interface – GUI) và đặc biệt là việc thành công trong ứng dụng sử dụng con chuột máy tính. Tiếp theo, Jobs ấp ủ ý tưởng “xuất bản ngay tại bàn làm việc”, giới thiệu với thế giới máy in laser và là người đi tiên phong thiết lập các mạng máy tính cá nhân. Cùng với đó, ông tham gia đầu tư vào hãng phim hoạt hình Pixar, qua đó thúc đẩy công nghệ và một kiểu mẫu kinh doanh hoàn toàn mới trong sản xuất những bộ phim hoạt hình dựa trên kỹ thuật đồ họa vi tính.
Do một số bất đồng, Steve Jobs đã từng rời khỏi Apple năm 1985 và chỉ trở lại vào năm 1997, khi Apple đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc đoàn tụ này, Steve Jobs đã đưa Apple từ bờ vực phá sản trở lại quỹ đạo phát triển vượt bậc. Apple liên tục cho ra lò những siêu phẩm công nghệ đầy tính sáng tạo và có sức lôi cuốn kỳ lạ như iMac, iPod, laptop Macbook, iPhone, iPad… hoạt động trên nền một loạt công nghệ cũng mang tính cách tân như trình duyệt Safari, siêu thị âm nhạc iTunes, hệ điều hành Mac OS X… Giống như những gì đã làm trong quá khứ, Steve tiếp tục làm nên những cuộc cách mạng. Tầm ảnh hưởng của Steve Jobs có tác động tích cực đến 5 ngành công nghiệp, bao gồm máy tính, phim ảnh Hollywood, âm nhạc, bán lẻ và điện thoại không dây.
Tuy Steve Jobs không phải là người phát minh ra giao diện GUI, con chuột máy tính hay màn hình cảm ứng.., nhưng chỉ đến sau khi Apple đưa những ứng dụng này vào các sản phẩm đột phá, cả thế giới mới có cơ hội nhận thấy chúng tuyệt vời thế nào. Steve Jobs có quan điểm rằng, Apple đang sống trong một hệ sinh thái, trong đó cần sự hỗ trợ của các đối tác và cần hỗ trợ các đối tác. Apple lựa chọn, phát triển những ưu điểm của cả đối tác và đối thủ. Đó cũng chính là cách mà người đàn ông sinh năm 1955 tại California khiến người ta thừa nhận rằng, ông đã làm thay đổi thế giới.
Trong khi đó, Mark Zuckerberg, chàng trai sinh cùng năm 1984 với máy tính Macintosh của Steve Jobs, được Time chọn làm nhân vật của năm với lý do ngắn gọn: “Vì đã kết nối hơn nửa tỷ người và sắp xếp các mối quan hệ xã hội giữa họ, vì đã tạo ra một hệ thống trao đổi thông tin mới và vì đã làm thay đổi cách sống của chúng ta”.
Tháng 2/2004, tại ký túc xá Đại học Harvard, Mark Zuckerberg, khi đó chưa đầy 20 tuổi, đã cùng người bạn cùng phòng lập nên trang mạng xã hội Facebook. Đến năm 2007, khi Microsoft chi ra 240 triệu USD để mua lại 1,6% cổ phần của Facebook, mạng xã hội này đương nhiên được định giá lên tới 15 tỷ USD và Mark Zuckerberg trở thành vị tỷ phú trẻ nhất thế giới.
Hiện nay, Facebook là mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn nhất, được ví như một vương quốc trên mạng và Mark Zuckerberg, dĩ nhiên, là Quốc vương của vương quốc ấy. Với 600 triệu thành viên là “thần dân”, vương quốc của Zuckerberg có “dân số” đứng hàng thứ ba trong số các nước trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và gấp đôi dân số Mỹ.
Ý tưởng tạo nên một cuộc cách mạng trong giao tiếp đời thường của chàng sinh viên Harvard đã trở hành hiện thực.
Câu chuyện về Facebook và Mark Zuckerberg đã được viết thành sách. Từ đó, các nhà làm phim Hollywood tiếp tục chuyển thể thành phim The Social Network (Mạng xã hội). Bộ phim được công chiếu từ năm 2010 và đang tiếp tục thống trị các rạp chiếu phim tại Mỹ, với doanh số dự kiến đạt tới 200 triệu USD. The Social Network đã được hơn 30 tạp chí lớn tại Mỹ tặng danh hiệu Bộ phim xuất sắc của năm, giành được nhiều giải thưởng điện ảnh. Mới nhất, tại Quả cầu vàng lẫn thứ 68 diễn ra vào trùng tuần tháng 1/2011, The Social Network giành chiến thắng vang dội với 4giải thưởng quan trọng nhất là Phim tâm lý/ chính kịch hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất và Nhạc phim hay nhất. Bộ phim cũng còn được coi là ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar năm nay.
Thành công đang tiếp tục đến với Facebook. Ngay trong những ngày đầu năm 2011, tờ New York Times loan tin, Tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ và Tập đoàn Digital Sky Technologies của Nga chi thêm 500 triệu USD để mua lại khoảng 1% cổ phần Facebook. Với thương vụ này, giá trị vốn hóa của Facebook lên đến 50 tỷ USD. Tương lai đang tiếp tục rộng mở cho Facebook.
Hai kẻ “khác người”
Có nhiều sự khác người ở hai người đàn ông này. Họ bắt đầu kế hoạch của mình bằng một việc hơi khác người khi quyết định không tiếp tục sự nghiệp học hành, mà bỏ dở để đi làm điều mình muốn. Điều họ muốn mới là cái khác người lớn hơn, vì họ muốn làm thay đổi thế giới. Nhưng cũng còn có nhiều người có ý định thay đổi thế giới giống họ. Vậy thì, họ tiếp tục khác với nhiều người trong số đó, vì họ đã làm được.
Với khẩu hiệu “Think different!” (Nghĩ khác), Steve Jobs bằng niềm đam mê và quyết tâm của mình đưa Apple trở thành một người khổng lồ theo cách rất riêng. Sự thật là, có rất nhiều hãng khác đã đi theo ý tưởng trong các sản phẩm của Apple và đó chính là cách mà Steve Jobs đưa đến những trào lưu mới cả trong công nghệ, giải trí và tiêu dùng. Nhưng bản thân những sản phẩm của Apple cho đến tận bây giờ vẫn không phải thứ mà ai muốn cũng mua được. Chúng không dành cho thị trường đại chúng, mà là những sản phẩm công nghệ khiến cho ai sở hữu cũng nở mày nở mặt, giống như sở hữu những thứ đồ hiệu đẳng cấp.
Hơn thế, khách hàng của Apple dường như không chỉ là khách hàng đơn thuần, mà họ có vẻ giống như những tín đồ của một thứ tôn giáo Apple, mà giáo chủ chính là Steve Jobs.
Khẩu hiệu của Facebook thì giản dị và không có gì gây sốc: “Facebook helps you connect and share with the people in your life” (Facebook giúp bạn kết nối và chia sẻ với mọi người trong cuộc đời bạn). Chỉ vậy thôi, nhưng những gì mà Mark Zuckerberg đã làm để “giúp bạn kết nối và chia sẻ” là cả một điều vĩ đại.
Bây giờ, riêng việc hai người đàn ông này là tỷ phú đã khiến họ khác biệt so với tuyệt đại đa số nhân loại. Nhưng với tư cách là những tỷ phú đầy quyền lực, họ lại có những cái khác so với ngay cả các tỷ phú.
Cả hai đều thích mặc quần jeans, áo thun. Steve Jobs chung thân với áo cổ lọ, quần jeans Levi’s và giày thể thao. Ngay cả tại những dịp ra mắt sản phẩm mới được cả thế giới trông đợi, Steve Jobs vẫn giữ nguyên phong cách ấy. Jobs đã được đặt biệt danh “CEO cổ lọ” và nghe đồn tủ quần áo của vị tỷ phú này có hơn 100 chiếc quần Levi’s.
Mark Zuckerberg còn có một kiểu khác người đặc biệt hơn. Tháng 12/2010, trong khi nhiều người chưa hết bất ngờ khi biết vị tỷ phú này vẫn đang sống trong một căn nhà đi thuê nhỏ bé, thì vị tỷ phú trẻ này đã kịp ký cam kết sẽ dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện.
Sưu tầm