Những chuyện thật tôi biết về Chuẩn-Tướng Trương Quang Ân.
Phạm Văn Lương
Có điều thật lạ lùng, mỗi lần nghe nhắc tới Chuẩn-Tướng Trương quang Ân, tôi vẫn ngán ông, như ông còn trước mặt tôi. Vị tướng, không to con lắm, nhưng quân phục lúc nào cũng thẳng nếp, mũ sắt, dây ba chạc, bi đông nước, một cuộn băng cấp cứu trên thắt lưng TAB. Chuẩn-Tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh sư đoàn 23, kiêm Khu 23 Chiến thuật. Ông là sĩ quan dù, nhưng khi sang bộ binh, ông mặc quân phục bộ binh. Tết Mậu Thân, liên đoàn 2, gồm 3 tiểu đoàn 11, 22, và 23 , được biệt phái cho khu 23 chiến thuật. Chính vì thế, tôi, lúc đó làm ban 3 tiểu đoàn 11 Biệt động quân hành quân tại Dalat, Di Linh, Lâm Đồng và Phan Thiết, tất nhiên cả Kon Tum, Ban Mê Thuột và Pleiku.
Tôi gặp chuẩn tướng Ân 3 lần:
1/ Lần thứ nhất: Hành quân chung với một tiểu đoàn sư đoàn 23. Đơn vị đang hành quân, nghe lệnh Tướng Ân xuống gặp Tiểu đoàn trưởng. Tôi theo Thiếu tá Huân, cùng tới chỗ máy bay trực thăng đáp, gặp thêm hai Tiểu đoàn trưởng Sư đoàn 23. Tướng Ân xuống đất, máy bay cất lên liền vì sợ pháo kích. Tướng Ân nghe thuyết trình, rồi nhìn mấy sĩ quan có mặt. Chợt, ông thấy một thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng bộ binh, mặc một chiếc áo giáp, ông tới gần hỏi : Quân đội Việt Nam Cộng Hòa phát áo giáp cho các đơn vị năm nào, thiếu tá ? Thật tội nghiệp, viên Thiếu tá ú ớ, không trả lời được, bước ra phía sau, cởi áo giáp, rồi mới dám bước gần chỗ Chuẩn tướng. Chuẩn tướng không nói gì thêm, ban thêm lệnh cho các Tiểu đoàn trưởng, và đi. Tôi không nghe gì thêm về chuyện này, nhưng tôi bắt đầu ngán khi nghe ông ghé đơn vị.
2/ Lần thứ hai: Trong một cuộc phục kích của việt cộng, chiếm hai cây súng pháo binh tại Di Linh. Đơn vị tôi, đáng lẽ bị trận này, nhưng may mắn, xe quân vận tới đón trễ, chi khu Di Linh xin đơn vị địa phương quân tháp tùng pháo binh, đơn vị này bị việt cộng phục kích chỉ cách thị trấn Di Linh mấy cây số. Tiểu đòan tôi được lệnh lên lục soát khu bị phục kích. Tướng Ân nhẩy xuống và họp ngay lề đường, trong một chiếc lều nhỏ của trung đội dựng tạm để Tướng Ân ban lệnh. Đơn vị tôi, Tiểu đoàn 11 sẽ là chủ lực truy kích, và được thả bằng trực thăng vào sâu trong rừng, lục soát ra. Tôi và Thiếu tá Huân đi họp . Sau khi ban lệnh xong, Tướng Ân hỏi “có ai có ý kiến gì không ?". Đơn tôi im lặng, bỗng có một Thiếu tá giơ tay ‘ xưng danh, xin có ý kiên' . Chuẩn tướng Ân, hỏi “ Cấp bậc gì, Thiếu tá hả “Chuẩn Tướng nói “ Thiếu tá, thì chỉ nghe rõ lệnh và thi hành, không có ý kiến “. Lại một lần nữa, tôi ngán Tướng Ân, thật tình ông Tướng thật khó.
3/ Lần thứ ba: Lần này, chính tôi, mặt đối mặt với Chuẩn tướng, khi tiểu đoàn 11 , tôi làm ban ba bị hai tiểu đoàn việt-cộng tấn công tại phía tây thành phố Đà lat, lúc đó khoảng tháng 5/1968, Tiểu đoàn mới được trang bị AR15, và đụng việt cộng lần đầu với loại súng này. Tiểu đoàn tuy không tan hàng nhưng bị thiệt hại,Tiểu đoàn trưởng Hồ Khác Đàm, khóa 16, bị thương, cố vấn bị thương, vì nỗ lực chính của việt cộng nhằm phá tuyến vỡ phòng của tiểu đoàn, nhưng không phá nổi phòng tuyến của Đại đội 2 và Đại đội 3, do Trung úy Bé khóa 17 Thủ Đức, và Trung úy Quí, khóa Đặc biệt, để tràn ngập Tiểu đoàn. Sáng hôm sau, Chuẩn Tướng Ân xuống thị sát mặt trận. Tiểu đoàn trưởng đã tản thương, không có tiểu đoàn phó (sốt rét). Tôi ban 3, được lệnh của Trung Tá Dõng ra đón Tướng Ân và thuyết trình hành quân. Thú thật, tôi đã ngán Chuẩn Tướng Ân sau hai lần gặp mặt, lần này, lại chính tôi phải thuyết trình, mà trận chiến thì không thắng, nếu không muốn nói là thua. Nhưng làm gì được. Tôi biết tướng Ân, liền mang một súng AR15, đội mũ sắt ( không dám đội beret ). Trước đó, tôi dặn Thiếu úy Huấn, truyền tin và trung úy Thông ban hai, hai anh lo lại tuyến phòng thủ, lính gác cẩn thận, lỡ Tướng đó coi tuyến phòng thủ , mà hở thì chết luôn. Sau khi ông Tướng xuống, tôi và Thiếu úy Huấn sẽ đón ông, Trung úy Thông chờ đưa ông đi coi tuyến. máy bay Chuẩn Tướng xuống và cất cánh bay lên liền, Chuẩn Tướng Ân, một Trung Tá và một Thiếu tá ở lại. Tôi bước cách ông khoảng sáu bước, đứng nghiêm , chào tay và trình diện “ Trung úy Phạm Văn Lương, số quân 64/400 588, trình diện Thiếu tướng ( không gọi Chuẩn tướng )". Ông chào lại tôi, và nói, Trung úy thuyết trình trận đánh cho tôi nghe. Nhưng vừa nói tới đây, Chuẩn tướng hỏi “ Tiểu đoàn Trung Úy có mang 81 ly không, tôi trả lời bừa “ Thưa Có “, Tiểu đoàn trung úy có mang 57 ly không, tôi không dám nói láo thêm, bèn trả lời “ Thưa không “. Tôi cầm tấm bản đồ , vẽ sẵn tuyến phòng thủ, và hướng tấn công của Việt cộng , Chuẩn tướng nói “ Trung úy đưa tôi đi thăm chỗ nào nặng nhất. Tôi bước về hướng Đại đội 2, phải nói quang cảnh tiêu điều, mấy cây thông ngổn ngang cành xác xơ. Chuẩn tướng dứng lại, nói với tôi “ Trung úy chuẩn bị, nhận tiếp tế, máy bay L 19 sẽ thả phóng đồ hành quân xuống, cứ theo phóng đồ mà làm. Tôi đáp “ Tuân lệnh”, không dám ý kiến gì. Chuẩn tướng lên trực thăng, khoảng 2 giờ sau, một chiếc L 19 rà xuống, thả một phóng đồ hành quân, và gởi theo tiếp tế, Đại úy Phước làm Ban 5 Liên đoàn tạm thời chỉ huy tiểu đoàn truy kích.
Mấy ngày sau hành quân xong, tôi lái xe lên phòng hành chánh Tiểu khu, đón cô bạn đi vòng vòng, trời xui đất khiến, chạm mặt với Chuẩn tướng, ông nhìn tôi, không nói câu nào. Chiều về, Trung tá Dõng, Liên đoàn trưởng, gọi máy cho tôi “Lương, mày muốn chết hả, hết chỗ đi chơi, tới chỗ Thiếu tướng để ông gặp mặt", tôi giật mình, "thật ai muốn gặp", tôi nói lại với Trung tá Dõng . Trung tá Dõng kể lại , ông Tướng hỏi tao “ Tiểu đoàn 11 ở đâu rồi, tao nói mới hành quân về, ông hỏi tao “thằng Ban 3 tiểu đoàn làm gì, lính nó để đâu, tôi gặp nó đi với mấy cô bạn, nói với nó , tôi mà gặp mặt nó một lần nữa, là nó chết, hành quân về phải huấn luyện lính chứ, nó làm Ban 3 mà". Tôi hết hồn, lần đó là lần cuối cùng, sau này tôi nghe tin Chuẩn tướng Trương Quang Ân bị rớt trực thăng .
Tôi thật buồn, và không biết tại sao, tôi vẫn ngán ông cho tới giờ này.
Phạm Văn Lương
quehuongngaymai.com
Chuẩn Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN
Chuẩn Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN
Nguồn tin vừa được loan đi đã làm sửng sốt toàn thể chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là các chiến sĩ thuộc Khu 23 Chiến Thuật. Đó là tin Chuẩn Tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật tử nạn phi cơ cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật sáng ngày chủ nhật 8-9-1968 vừa qua trên đường tới thăm viếng và tưởng thưởng các chiến sĩ đang hành quân tại Đức Lập.
Nguồn tin trên quả đã gây xúc động trong toàn thể chiến sĩ chúng ta, vì không nhiều thì ít, chúng ta cũng đã được biết về vị Tướng Lãnh vốn nổi tiếng về khả năng và kỷ luật gương mẫu. Chuẩn Tướng Trương Quang Ân siêng năng tận tụy lúc nào cũng một lòng lo tròn nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, Chuẩn Tướng làm việc không có ngày nghỉ; mặc dầu công việc rất bề bộn, cũng đã dành ngày chủ nhật để cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật đáp máy bay đến vùng Đức Lập với mục đích theo dõi cuộc hành quân đang diễn tiến và để tưởng thưởng tại chỗ các chiến sĩ xuất sắc.
Bất cứ trận chiến nào tại Khu 23 Chiến Thuật cũng đều có sự hiện diện của Tướng Trương Quang Ân vào lúc sôi động nhất. Đơn vị nào thuộc Khu 23 Chiến Thuật, hành quân cũng được chính Chuẩn Tướng đích thân tới tưởng thưởng và uỷ lạo.
Chúng ta hẳn không quên Tướng Trương Quang Ân là một quân nhân hiện dịch, chọn binh nghiệp làm lẽ sống, tốt nghiệp Thủ khoa Khóa 7 Đà Lạt, về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, lập những công trạng hiển hách đầu tiên trong đời binh nghiệp với trận đánh lừng lẫy tại bản Hu siu (Lào). Năm 1957, làm Trưởng Phòng Hành Quân của Lữ Đoàn Nhảy Dù, kế đó là các chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn, rồi Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù. Sau một thời gian làm Tỉnh Trưởng Gia Định, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 25 Bộ Binh và cuối cùng, năm 1967 làm Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật.
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ cuối cùng là Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật từ năm 1967, đặc biệt từ Tết Mậu Thân, đã anh dũng đánh tan tất cả nỗ lực tấn công của Cộng quân nhằm chiếm đóng thị trấn của miền Cao nguyên này. Cũng trong suốt thời gian Chuẩn Tướng Trương Quang Ân làm Tư Lệnh, các chiến sĩ Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã tiếp tục tạo lập chiến thắng dồn dập, nêu cao danh dự đơn vị cũng như danh dự của toàn thể Quân Đội. Tướng Trương Quang Ân được vinh thăng cấp bậc cuối cùng hiện tại vào ngày Quân Lực 19-6-1968 vừa qua, cũng đã được tưởng thưởng 30 huy chương đủ loại kể cả Bảo Quốc Huân Chương.
Suốt trong đời binh nghiệp, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân lúc nào cũng nêu gương sáng về kỷ luật, chỉ biết sống cho Quân Đội, chết cho Quân Đội. Chuẩn Tướng cũng là một sĩ quan dũng cảm có tài chỉ huy, thương yêu thuộc cấp và đặc biệt là một trong những chiến sĩ Dù giỏi nhất về môn nhảy tự động chính xác.
Trong tai nạn đau buồn nầy, phu nhân của Chuẩn Tướng cũng tử nạn cùng chồng. Phu nhân nhũ danh là Dương Thị Kim Thanh, nữ Chuẩn uý phục vụ tại Tổng Y Viện Công Hòa và là một trong 7 Nữ Phụ tá đầu tiên trong Quân Lực tốt nghiệp bằng Nhảy Dù. Cả gia đình đều phục vụ Quân Đội. Cả Chuẩn Tướng và Phu Nhân trong suốt đời binh nghiệp đã nêu gương phục vụ cho tất cả thuộc cấp.
Người chiến sĩ dũng cảm và tận tuỵ, con chim đầu đàn của Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Khu 23 Chiến Thuật không còn nữa, nhưng tinh thần kỷ luật tuyệt đối và thiện chí phục vụ cao độ của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân sẽ còn là tấm gương sáng mãi mãi cho tất cả chiến sĩ chúng ta. Gắn liền cuộc đời vào binh nghiệp, tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, phục vụ Quân Đội không mỏi mệt, lúc nào cũng nghĩ tới đồng đội và thương yêu thuộc cấp. Đó là tính chất của một chiến sĩ lý tưởng và là những yếu tố cao quý tạo thành cuộc đời của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân vậy.
http://thoichinhchien.
Gửi ý kiến của bạn