2:22 SA
Thứ Tư
24
Tháng Tư
2024

THÔNG DỊCH PHIÊN DỊCH - THUẦN NGỌC

06 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 9671)
blank

Trong Nam, to interpret là thông dịch. còn ngoài Bắc là phản dịch 1 . Chữ phản ở đây giống như chữ phản trong phản ảnh, tiếng Nam, hay phản ánh, tiếng Bắc. Phản dịch không hề hàm ý như trong câu tiếng Pháp Traduire, c'est trahir -- dịch tức là phản, vì chữ phản trong sau này có cùng nghĩa với chữ phản trong phản bội hay phản trắc. Phải dài dòng như thế vì thông dịch hay phản dịch rất phức tạp, khó khăn và rắc rối. Thông dịch hay phản dịch, nghĩa là dịch miệng, nói ra bằng lời ngay, tuy tiếng Anh không mấy phân biệt giữa interpretation và translation 2. Tiếng Việt dùng chữ phiên dịch để chỉ các bài dịch được viết ra hay in ra. 

Trong văn chương Việt Nam, phiên dịch đã có từ lâu lắm 3. Suốt một ngàn năm bị Tàu đô hộ, người Việt Nam học chữ Nho, tức là chữ viết của Tàu từ thời Khổng Tử và các môn đệ của Ngài. Nhưng dần dần người Việt đọc chữ Nho theo âm Việt, thành ra khi Việt Nam đạt đến thời kỳ tự chủ, sứ giả Việt Nam chỉ có thể bút đàm với quan lại người Tàu, nghĩa là viết ra giấy thì hiểu nhau được, còn nói thì khác hẳn âm với nhau. Dần dần người Việt kiện toàn chữ Nôm, là thứ chữ dựa trên chữ Nho, nhưng được đơn giản hóa phần nào để dùng chỉ các âm tiếng Việt, từ đó có sự phiên dịch từ chữ Nho ra chữ Nôm, mà trong văn chương gọi là diễn Nôm. Như Chinh phụ ngâm khúc do ông Đặng Trần Côn viết bằng chữ Nho, bà Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm thành Chinh phụ ngâm khúc diễn Nôm

Bà Đoàn Thị Điểm có thể được xem như tổ ngành phiên dịch vì bản dịch của bà rất sát với bản chính, lột hết ý nghĩa, tình tiết, mà văn rất trôi chảy, khi đọc không hề biết là văn dịch. Bà lại không nệ theo đúng mẫu bản chính, mà vẫn lột được tinh thần cũng như tư tưởng của tác giả. Tám câu đầu bản chính và hai khổ song thất lục bát do bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm (dịch ra) vừa sát nghĩa, vừa tràn đầy thi vị: 

Thiên địa phong trần 
Hồng nhan đa truân 
Du du bỉ thương hề 
Thùy tạo nhân. 

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi 
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên 
Xanh kia thăm thẵm từng trên 
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Cổ bề thanh động Trường thành nguyệt 
Phong vũ ảnh ám Cam Toàn vân 
Cửu trùng án kiếm khử dương tịch 
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân 
Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt 
Khói Cam Toàn mờ mịt thức mây, 
Chín tầng, gươm báu trao tay 
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh. 

. Một người có tài phiên dịch nữa là Nguyễn Du. Trong truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều khảy đàn cho Kim Trọng nghe khi tái hợp sau mười lăm năm lưu lạc, tác giả đã dịch bốn câu trong bài thơ Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn: 


Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, 
Thục đế đan tâm thác đỗ quyên, 
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ, 
Lam điền khí noãn ngọc sinh yên. 

Khúc đâu đầm ấm dương hòa, 
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh ? 
Khúc đâu êm ái xuân tình, 
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên ? 
Trong như châu nhỏ duềnh quyên, 
Ấm như hạt ngọc Lam điền mới đông. 

Một áng văn dịch tuyệt vời nữa là bản dịch bài thất ngôn trường thiên Tỳ Bà Hành từ nguyên tác chữ Nho của Bạch Cư Dị ra chữ Nôm. Ông Phan Huy Vịnh đã khéo léo dùng 22 khổ song thất lục bát để dịch đúng 88 câu của nguyên tác, vừa sát nghĩa, vừa đầy thi vị, lại giữ đúng y nguyên số câu và số chữ. Khổ thứ hai dịch câu năm đến câu tám trong nguyên tác: 

Túy bất thành hoan, thm tương biệt 
Biệt thời mang mang giang tm nguyệt 
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh 
Chủ nhân vong qui, khách bất phát. 
Say những luống ngại khi chia rẽ, 
Nước mênh mông dằm vẻ gương trong. 
Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông, 
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi.

không gò ép, không dư, cũng không thiếu. Nhất là câu thứ bảy, giữa khoảng trời nước mênh mông, mà biến 
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh ! 
thành một câu diễn được cái đột ngột, bất chợt, nhưng không có chút nào ngập ngừng, lạc lõng : 
Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông, 
Dịch giả lại chuyển thành thái độ, lời kể trong nguyên tác mà không làm lạc ý : 
Chủ nhân vong qui, khách bất phát 
nghĩa đen là "Chủ nhân quên về, khách không đi," bằng câu 
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi. 
để cho ta thấy rõ hơn thái độ và tư thế sống động của chủ và khách, chuyển dịch rất êm và không đi ngược lại, hay xa rời nguyên tác. 
Trọn bài dịch đáng khen nhất là câu 
Cùng một lứa bên trời lận đận 
đã vượt hẳn nguyên tác 
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân 
và do đó rất được nhiều người biết đến và khen thưởng. (Nếu có dịp xin đọc nguyên tác và bản dịch trong Việt Nam Văn Học Sử -- Giản ước Tân biên, của ông Phạm Thế Ngũ, quyển hai, trang 331 đến 335.) 

blank

Việc phiên dịch ở Việt Nam sau đó, nghĩa là từ cuối thế kỷ thứ 19 đến giờ đã chia ra hai ngành chánh: một là phiên dịch sách Tàu, hai là phiên dịch sách Pháp. Sau này mới có phiên dịch sách viết bằng các thứ tiếng khác . 
Phiên dịch sách Tàu có hai khuynh hướng. Một là đem các điều mới mẻ, tiến bộ, có tính cách thức tỉnh quốc hồn, có ý duy tân và khuyến khích quốc dân đứng lên đòi độc lập, tự do, theo gương Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu vào cuối nhà Thanh bên Tàu, như Nguyễn Hữu Tiến đã dịch Gương đức dục (1930) và Học thuyết tư tưởng nước Tàu (1931), hai nguyên tác của Lương Khải Siêu 4. Khuynh hướng thứ hai là dịch truyện Tàu ra chữ quốc ngữ để làm giàu thêm cho ngữ vựng Việt ngữ, vì chữ quốc ngữ lúc đó còn phôi thai, cần được phát triển và phổ thông hóa trong nhân dân. 

Trong những người phiên dịch truyện Tàu lúc đầu có Phan Kế Bính dịch Tam quốc chí, Trần Tuấn Khải dịch Thủy Hử, sau đến Trần Phong Sắc, Nguyễn An Cư, Tô Chẩn, Nguyễn Chánh Sắt 5, Trương Minh Chánh dịchPhong Thần, Đông Châu Liệt Quốc (dịch chung), Thất Quốc Chí, Xuân Thu Oanh Liệt, Tây Hán Chí hay Hán Sở tranh hùng, Đông Hán diễn nghĩa, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Tây Du, Chinh Đông, Chinh Tây, Phản Đường, Tàn Đường, cho đến các bộ Bắc Tống diễn nghĩa, Ngũ Hổ bình Liêu, Ngũ Hổ bình Tây và Ngũ Hổ bình Nam, Bao Công kỳ án, Thủy Hử, Tống Nhạc Phi, Tái sinh duyên, Đại Minh Hồng Võ ... và Càn Long du Giang Nam. Sau này Mộng Bình Sơn và vài người khác cũng dịch lại các truyện trên. 
Về văn học, trong thời kỳ này, Tản Đà và Ngô Tất Tố dịch nhiều bài thơ Đường đăng báo. Trần Trọng Kim gom vào tập Đường Thi, nhiều bài thơ dịch rất hay 6. Nhượng Tống dịch Tây Sương Ký ra kịch bản Mái Tây, vừa thi vị, vừa đậm đà. Nhiều người tiếp nhau dịch truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh, trong đó có Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Hiếu Chân ... Tiếp đó nhiều người khác đã dịch và giải nghĩa Tứ Thư , Ngũ Kinh sang tiếng Việt, tiếp nối công trình dịch thuật mà Trương Vĩnh Ký đã đề xuất khi dịch Trung dung (1875), Đại học(1877), và Minh tâm bửu giám (1893) khi trước 7

Ngoài những người phiên dịch sách, thơ và truyện Tàu, còn có nhóm thứ hai chuyên phiên dịch sách, thơ và truyện tiếng Pháp 8. Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là những người đi trước, khai phá nền văn chương quốc ngữ, dùng chữ Pháp, tra cứu chữ La tinh, cùng Hán tự để vun bồi chữ quốc ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh ngay sau đó, đã dịch truyện, kịch và thơ Pháp ra tiếng Việt. Lúc đầu, việc dịch thuật còn mới, cách dùng chữ quốc ngữ vẫn có cái gượng ép và theo sát cách dùng chữ của nguyên tác. Ta thử đọc vài câu thơ Nguyễn Văn Vĩnh dịch một chuyện ngụ ngôn của La Fontaine: 

Ve sầu kêu ve ve. 
Suốt mùa hè, 
Đến kỳ gió bấc thổi; 
Nguồn cơn thật bối rối. 
Một miếng cũng chẳng còn, 
Ruồi bọ không một con, 
Vác miệng chịu khúm núm, 
Sang chị kiến hàng xóm ... 

và so với mấy câu dịch về sau (không nhớ tên tác giả) 

Con ve mùa hạ kêu ran 
Qua dông lạnh lẽo tấm thân cơ hàn 
Đến cùng chị kiến thở than ...

Lúc ban đầu, người dịch có khuynh hướng chuyển âm tên trong tựa sách hoặc dịch thật sát tựa nhưManon Lescault dịch là Mai Nương Lệ Cốt, (1918); Le malade imaginaire (1915) do Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Bệnh tưởng, tuồng Lôi Xích, tức Le Cid, năm 1920, và tuồng Hòa Lạc, tức Horace, năm 1923, (đều do Phạm Quỳnh dịch). Nhưng cũng có những bản dịch thoát ra ngoài khuôn đó, như Tartuffe, (1915) mà Nguyễn văn Vĩnh dịch là Giả đạo đức; La porte étroite, Đỗ Đình Thạch dịch ra là Tiếng đoạn trường (1937), thay vì Khung cửa hẹp như sau này một người khác đã dịch. Trong thời gian từ 1948 đến 1954, cũng có nhiều người tiếp tục dịch hay phóng tác các tác phẩm Anh, Pháp 9. Tiếc là đôi khi người dịch, hoặc chuyển tên nhân vật và địa danh sang Việt Nam như truyện Tượng vua Lê (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà nội) dịch The Happy Prince của Oscar Wilde, hoặc vẫn dùng tên nhân vật và địa danh trong nguyên tác như truyện Con cánh cam vàng dịch truyện The Gold Bug của Edgar A. Poe, hay là truyện Người có bộ óc vàng dịch từL'homme à la cervelle d'or của Alphonse Daudet, đều không hề ghi là truyện dịch, không đề tên nguyên tác và tác giả 10. Âu cũng là một thiếu sót trong thời ấy. 
Từ 1950 đến 1975, việc dịch thuật phát triển nhiều hơn, nhưng vẫn theo hai ngành, một là dịch sách, truyện và thơ Tàu, hai là dịch sách, truyện Âu châu và Hoa kỳ. Sở dĩ phân như thế vì dịch sách hay truyện Tàu thường chỉ chuyên chú về vài tác giả mà thôi, như trong các năm 1958, 1959 đến suốt thập niên 1960, Quỳnh Dao và Kim Dung là hai tác giả Tàu được dịch nhiều nhất, sau này mới có thêm La Lan. Dịch sách truyện Âu và Mỹ châu tương đối rộng hơn, bao gồm nhiều tác giả quốc tế. Rất hiếm người dịch ra Việt văn thơ Anh hay Pháp. 
Việc dịch truyện kiếm hiệp đã mang nhiều chữ mới cho ngữ vựng Việt ngữ. Đành rằng có những chữ như hảo chiêu, nữ hiệp, giang hồ hành hiệp ... đã có sẵn, nhưng trước đó vẫn ít dùng, nay nhờ các bản dịch các pho truyện kiếm hiệp mà được nhắc đến thường hơn 11. Những chữ mới như truyền âm nhập mật, nhất dương chỉ, lăng ba vi bộ... lúc đầu tuy có hơi khó hiểu, nhưng nghe, đọc riết thành quen. Điều đáng tiếc là các nhà chuyên dịch truyện kiếm hiệp thường thiếu ngày giờ, vì phải dịch cho kịp với các ấn bản của báo Hương Cảng gởi qua. Do đó họ ít chú trọng đến văn từ, văn phạm, không trau chuốt, uốn nắn câu văn dịch như ý muốn, và có khi lại phải dịch bừa cả tựa pho truyện 12
Các tiểu thuyết của Quỳnh Dao may mắn hơn, vì thường không dài quá 300 trang, văn viết lại gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, nên người dịch có thời giờ đọc đi, đọc lại tác phẩm, rồi sửa chữa, thay đổi chữ dùng trong câu văn dịch. Nhờ đó mà bản dịch ít có lỗi chính tả, ít thiếu sót hay bỏ khuyết vài đoạn ngắn trong nguyên tác. 

Dịch sách Tàu có công phu hơn là các bản dịch của Nguyễn Hiến Lê 13, vì tác giả, ngoài việc dịch thuật, còn có ý giới thiệu, phổ biến, và chia sẻ cái hay, cái đặc biệt của văn chương, văn học Tàu. Tuyển tập truyện của Lỗ TấnSử ký Tư Mã Thiên ... là những sách dịch rất công phu. Cùng làm việc này, nhưng trong lãnh vực thơ và từ khúc có Trần Trọng San (1993-94), đã cho xuất bản ở hải ngoại hai quyển Thơ Đường, vàĐường, Tống Từ Tuyển, soạn dịch rất công phu. Ngoài ra còn có nhiều người (một phần lớn là các tu sĩ Phật giáo) sau khi đi du học ở Nhật Bản, đã dịch nhiều tác phẩm Nhật bản. 
Dịch sách Âu châu và Mỹ châu có Bàng Bá Lân, dịch Thầy giáo làng đã chuyển đạt được lối văn kể truyện (gần như tự thuật) giản dị, bình dân trong nguyên tác tiếng Anh The thread that runs so true của Jesse Stuart mà vẫn giữ được vẻ duyên dáng, thanh lịch, nói về giáo dục mà không có sự răn đời cứng ngắc. Chỉ tiếc là Bàng Bá Lân dịch sách này từ một bản dịch của nguyên tác sang tiếng Pháp Les cahiers d'un maĩtre d'école nên có chỗ không được như trong nguyên tác 14. Hà Mai Anh đã dịch tác phẩm danh tiếng Grand Coeur của Edmond de Amicis thành tác phẩm Tâm hồn cao thượng rất được phổ thông trong những thập niên 1950, 1960. Trong những năm 1956 đến 1960, Phạm Đình Tân và Phạm Đình Khiêm đề xướng Tinh Việt văn đoàn, có dịch sang tiếng Việt một số tác phẩm Pháp văn có tính cách triết lý của Lecomte de Nouye và của bác sĩ Alexis Carel. Đỗ Khánh Hoan 15 cũng bỏ ra rất nhiều công sức dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm tiếng Anh sang Việt ngữ. Ông dịch rất công phu, chịu khó tra cứu, tìm tòi văn bản nguyên tác, giới thiệu tác giả, dùng chữ rất chọn lọc, dịch thật đúng và thật đầy đủ. Ông cũng có dịch nhiều tác phẫm tiếng Nhật. Ngoài ra, loại sách gián điệp của Ian Fleming, kể lại những chiến tích của điệp viên 007, James Bond, cũng được Hoàng Hải Thủy dịch gẫy gọn và lưu loát. 

Trên phương diện kịch, vào những năm 1973, 1974, Lê Tuấn (bút hiệu Luân Tế) và Duane E. Hauch đã dịch và đưa ra trình diễn các vở kịch Mưa (Rain) của Somerset Maugham, Chuyến xe Dục vọng (A Street Car Named Desire) của Tennessee Williams và Ước vọng dưới tàn du (Desire under the Elms) của Eugene O'Neill. Diễn viên gồm các sinh viên văn khoa và các kịch sĩ danh tiếng như Vũ Đức Duy, Bà Năm Sa đéc và cô Đỗ Anh. 

Trong những năm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được phát triển, Tổng Cục Quân Huấn thuộc Bộ Tổng Tham Mưu và hai Khối Quân Huấn Hải Quân và Không Quân cũng dịch các sách kỹ thuật quân sự từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Riêng Hải Quân, ngoài Ban Dịch thuật thuộc Phòng Trợ Huấn, còn giao sách không thuộc loại kín, hay phổ biến hạn chế cho các cơ quan dịch thuật ngoài. Do đó Hải quân đã có được rất nhiều sách dịch từ tiếng Anh sang, từ các sách hoàn toàn quân sự như Hải pháo 127 ly, 76,2 ly, Không trợ tiếp cận ... hoặc có tính cách kỹ thuật như Phòng tai, Bảo trì dự liệu, hoặc thuộc loại tìm hiểu, khảo cứu nhưQuốc tế công pháp dành cho sĩ quan đi biển và Quyền lực trên biển. Khối Quân Huấn Hải quân cũng đưa ra tiêu chuẩn dịch và duyệt nâng phẩm chất các sách dịch được chuẩn nhận vào tủ sách huấn luyện của Hải quân. 

Sinh hoạt phiên dịch trong văn đàn Việt Nam tương đối dồi dào . Nhưng đã nói về phiên dịch cũng nên nhắc đến một trường hợp đặc biệt trong văn chương Việt Nam. Hồ Biểu Chánh 16 đọc xong tác phẩm tiếng Pháp, sắp xếp lại một cách gọn ghẽ, rồi viết lại thành một truyện hoàn toàn Việt Nam, tuy cốt truyện theo đúng cốt truyện Pháp. Ông khéo léo thay các địa danh, nhân danh Pháp, bằng địa danh, nhân danh Việt Nam, như Paris trong Les Misérables trở thành Gia Định trong truyện Ngọn cỏ gió đùa, còn Rémi trong truyện Sans famille thành thằng Được trong truyện Cay đắng mùi đời. Ông lại xuất sắc trong việc thay luôn sự kiện lịch sử của Pháp như vụ nổi loạn ở Paris bằng một sự kiện thuần túy Việt Nam, vụ Lê văn Khôi nổi loạn chiếm thành Gia định. Ông chuyển dịch rồi phóng tác rất công phu, và nhờ thế mà đọc các truyện của ông, có thể nghĩ là truyện do ông trước tác chứ không phải là truyện dịch, hay mô phỏng. Trường hợp các truyện nói trên của Hồ Biểu Chánh phải chăng cũng giống như trường hợp các truyện Hoa Tiên, dựa theo Đệ bát tài tử Hoa tiên ký, hay truyện Kiều dựa trên truyện Thanh tâm tài nhân, hoặc Lục Vân Tiên, theo truyện Tây Minh ? 
Phiên dịch còn có nghĩa là dịch sách, truyện, thơ từ tiếng Việt ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Trên lãnh vực này, Trương Vĩnh Ký đã đi trước, khi dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp (1875). Ông đã thành công trong việc giới thiệu áng văn chương sáng giá của Việt Nam với người Âu châu. Nguyễn văn Vĩnh cho in bản chú dẫn Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ năm 1925, nhưng đến 1942 bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của ông mới được in (ông mất năm 1936). 
Ngoài ra còn có Nguyễn văn Tố (1936) và Nguyễn Tiến Lãng (1938) giới thiệu truyện Hoa Tiên bằng tiếng Pháp, Hoàng Xuân Nhị dịch Chinh phụ ngâm khúc (1939) ra tiếng Pháp, Dương Đình Khuê (1965) dịchTruyện Kiều vân vân. Đỗ Vạng Lý (1959) dịch sang tiếng Anh các truyện cổ tích như Tấm Cám, Thằng Cuội ... Huỳnh Sanh Thông dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, và cùng với Nguyễn Ngọc Bích, góp phần rất lớn trong việc quảng bá văn, thơ Việt Nam với độc giả Bắc Mỹ. Cũng có nhiều người ngoại quốc dịch thơ văn Việt nam, trong đó có Abel des Michels (1884) và René Crayssac (1927) dịch Truyện Kiều, George Cordier (1929) dịch Cung oán ngâm khúc... Gần đây có Burton Raffel (1968) dịch thơ Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Ngô Chi Lan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Huy Cận... Keith Bosley (1972) dịch vài đoạn Chinh phụ ngâmCung oán ngâm khúcKiều, thơ Hồ Xuân Hương (Đánh đu, Cây quạt), thơ Tản Đà (Vào thu), Nguyễn Vỹ (Sương rơi), Nguyễn Nhược Pháp (Sơn Tinh Thủy Tinh), Thâm Tâm (Tống biệt hành), T.T. Kh. (Hai sắc hoa ti-gôn), Hữu Loan (Màu tím hoa sim), và 18 bài ca dao. John Balaban (1974) dịch khoảng 50 bài ca dao Việt Nam qua tiếng Anh. Gail Graham dịch một số chuyện cổ tích Việt Nam (Giết chó khuyên chồng, Quan Âm Thị Kính, Sự Tích ba vợ chồng Táo quân, Tấm Cám . . .) và Mark Taylor dịch Trương Chi, Mỵ Nương. 
Sau 1975, chúng tôi có dịp đọc ba quyển "Thép đã tôi thế đấy," "Con đưởng đau khổ," và "Truyện cổ tích của Hans Anderson," không được biết tên người dịch và cũng không biết dịch theo ấn bản nào. Đọc trong hoàn cảnh lén lút và đói khát, thiếu thức ăn vật chất lẫn tinh thần, (tù cải tạo không được phép đọc sách) lại thêm không có nguyên tác để đối chiếu, thành ra chúng tôi không thể có ý kiến. Mấy năm gần đây, có nhiều sách dịch được in ấn ở Việt Nam (xin xem phụ bản: một số sách thấy ở thư viện), nhưng không biết là dịch theo nguyên bản nào, thành ra cũng khó đối chiếu. Đành để việc phê bình lại cho những người có được nhiều tài liệu hơn. Chỉ xin ghi ra trong phụ bản một vài tựa sách để độc giả tiện tra cứu. 
Thông dịch, phản dịch và phiên dịch sẽ mãi mãi gắn liền với người Việt Nam, nhất là trong tình trạng hiện nay có gần một triệu người Việt sống ở hải ngoại. Nhờ có sự phiên dịch mà nhiều người trẻ tuổi trong cộng đồng biết thêm được kho tàng văn hóa Việt Nam, nhiều người có tuổi biết thêm được cách suy nghĩ, cách diễn đạt tư tưởng của các sắc dân khác, và suy ra được tính đồng quy của nhân loại. Thiết nghĩ đây cũng là một vấn đề cần cộng đồng Việt Nam hải ngoại để ý đến để khuyến khích con em trau dồi tiếng Việt, học hỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, hay một ngoại ngữ khác, vừa để làm giàu thêm cho kho tàng tiếng Việt, vừa để giới thiệu với bạn bè và người ngoại quốc các sách, truyện, thơ có giá trị trong văn chương Việt Nam. 

Ghi Chú

1. Nguyễn văn Khôn , 1986. Anh-Việt Tân Tự-Điển. Glendale, CA: DaiNamCo. 
Các tự điển in ở Hà nội, Đà nẵng ... về sau này (1994, 1996 ...) đã bỏ chữ phản dịch. 
2. Trong bài này, chúng tôi không đề cập đến ba nhóm người có liên quan ít nhiều đến vấn đề thông dịch. Một là thông ngôn, là những người được đào tạo hoặc ở trường thông ngôn, hoặc ở Nhà Dòng hay trường đạo để làm việc thông dịch cho Pháp trong những năm Việt Nam bị Pháp đô hộ. Hai là các hạ sĩ quan thông dịch viên, có trình độ trung học, và sau một khóa thi, được học thêm Anh ngữ và mang cấp bậc trung sĩ đồng hóa, làm thông dịch cho các đơn vị hành quân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam. Thứ ba là các sĩ quan cộng sản Hà nội mang danh hiệu sĩ quan liên lạc tên lửa, làm thông dịch viên cho các quân nhân Trung Cộng điều khiển các giàn hỏa tiễn ở Bắc Việt -- chúng tôi có được gặp những người này sau 1975. 
3. Trong tiếng Việt, phiên dịch là dịch một văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Trong tiếng Pháp, sự phân biệt kỹ hơn khi nói về dịch thuật cho học sinh, sinh viên. Dịch một bài văn từ tiếng mẹ đẻ sang một ngôn ngữ khác là thème, còn dịch từ một ngôn ngữ khác sang tiếng mẹ đẻ là version. Phiên dịch nói chung là traduction. Trong bài này chúng tôi cũng không đề cập đến việc dịch thuật do các giáo sĩ đã dịch Kinh Thánh, sách giảng ... từ tiếng La-tinh, hay Bồ-đào-nha ra Việt ngữ. 
4. Cũng cần ghi thêm là ông Nguyễn Hữu Tiến đã dịch và giải thích hai quyển Mạnh Tử (1932) và Luận ngữ (1935). Trước đó, ông Nguyễn Trọng Thuật dịch Tả truyện và Đại học (1928-30). 
5. Riêng ông Nguyễn Chánh Sắt, trong các bản dịch như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tống Từ Vân, Ngũ Hổ Bình Liêu ..., lâu lâu ông có thêm vào một, hai câu phê bình dí dỏm, lột trần được cá tính của nhân vật, hay bình phẩm thắm thía mà nhẹ nhàng về cảnh huống trong truyện. Có hai nữ dịch giả là bà Trần thị Sĩ và bà Phạm thị Phượng. Về các ông Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, cùng các dịch giả truyện Tàu xin xem: Các giai thoại Nam Kỳ Lục tỉnh của ông Hứa Hoành (1997). 
6. Sự nghiệp văn học, biên khảo và dịch thuật của ông Trần Trọng Kim rất quan trọng. Từ những năm 1914 trở về sau, ông đã dịch và diễn giải các danh từ triết học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, trước cả ông Phạm Quỳnh, đồng thời ông cũng làm công tác phổ biến tư tưởng Khổng Tử qua bộ sách Nho giáo, đạo thuyết của Thích Ca Mâu Ni qua quyển Phật học, triết lý của Lão Tử qua sách Đạo giáo 
7. Cũng có người dịch các tác phẩm bằng chữ Nho do người Việt viết, như ông Phan Kế Bính dịch Đại nam Nhất Thống Chí, ông Nguyễn Hữu Tiến dịch Vũ trung tùy bút ... 
8. Ngoài sách Pháp, còn có các ông Nguyễn Giang dịch từ tiếng Anh các kịch Midsummer Night's dream (Giấc mộng đêm hè), Hamlet (Hăm Liệt), Macbeth (Mặt biệt) của William Shakespeare, Vũ Ngọc Phan dịch Ivanhoe (Y văn hoa) của văn sĩ Anh Walter Scott, và Anna Karénine (An-na Kha lệ Ninh) của văn sĩ Nga Léon Tolstoi. 
9. Trong khoảng 1948-1950 nhóm các ông Vũ Đình Long (nhóm Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội) có dựa vào vỡ kịch này, và chuyển tác (như ông Hồ Biểu Chánh đã làm với Ngọn cỏ gió đùa ... ) thành một bi kịch thuần túy Việt Nam. Bối cảnh là cuộc chiến giữa ba anh em họ Chế của Chiêm Thành chiến đấu với ba anh em họ Lý của Việt Nam. Kịch được rất nhiều người khen ngợi, cổ xúy -- trong đó có cả ông Phạm Hoàng Hộ, lúc đó đang là sinh viên ở Pháp viết thư khích lệ. 
10. Tượng vua Lê in trong Tiểu thuyết thứ bảy, hai truyện còn lại in thành sách. 
11. Thật ra trước đó có rất ít truyện dịch từ kiếm hiệp Tàu (như Long hình Quái khách, Hỏa thiêu Hồng Liên Tự ...). Các truyện "kiếm hiệp" như Lục Kiếm Đồng, Chu Long Kiếm, Võ Hiệp Kỳ Án là những truyện do ông Phạm Cao Củng viết ra (không phải dịch) và dùng các danh từ trên. 
12. Như pho truyện kiếm hiệp của Kim Dung "Ỷ Thiên Kiếm, Đồ Long Đao," mà dịch giả chỉ đoán mò rồi đặt tựa là Cô Gái Đồ Long trong suốt hai quyển đầu , không ăn nhằm gì đến cốt truyện. 
13. Ông Nguyễn Hiến Lê cũng dịch sách tiếng Anh như loại sách học làm người - hai bộ của Dale Carnegie - Đắc nhân tâm, và Quẳng gánh lo đi . Sau ông còn dịch quyển Kiếp người từ một ấn bản Of Human Bondage của Somerset Maugham (vì có nhiều ấn bản dài hay thu ngắn), và vài tác phẩm khác như Chiếc cầu trên sông Drina. 
14. Dịch giả bản tiếng Pháp là Claude Lévy. Cũng như bản dịch bài thơ If của Rudyard Kipling. André Maurois dịch bài này ra tiếng Pháp, thành ra tuyệt phẩm Si, đọc không biết là thơ dịch, nhưng ông đã phải thay đổi thứ tự các khổ thơ trong nguyên tác. Triều Dương dịch ra bài Nếu, rất hay, nhưng theo sát bài Si, nên khi so sánh, bài dịch ra tiếng Việt không theo thứ tự của nguyên tác If của Kipling. 
15. Ông Đỗ Khánh Hoan nguyên là giáo sư Anh văn, và trong những năm 1972-1973, là trưởng ban Anh văn, trường Đại Học Văn Khoa Sàigon. Bản dịch Đường kỷ niệm, từ nguyên tác Rue d'Archambaut của Gabrielle Roy, nữ văn sĩ Québec, đăng trong Thời Báo, rất được ưa chuộng. 
16. Xin xem "Chân dung Hồ Biểu Chánh" của Nguyễn Khuê, Lửa Thiêng xuất bản năm 1974, Xuân Thu (Los Alamitos, CA. in lại, không đề năm. 

Vài tài liệu tham khảo (ngoài các sách dịch có nêu tựa): 

Dương Quảng Hàm, 1968. Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Westminster, CA: Sống Mới in lại 1979. 
Dương Quảng Hàm, 1968. Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển. Westminster, CA: Sống Mới in lại 1979. 
Marr, David. 1992. Vietnam. Santa Barbara, CA: Clio Press. 
Phạm Thế Ngũ, 1965. Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên. Glendale CA: DaiNamCo in lại. 
Trần Trọng Kim, 1971. Việt Nam Sử Lược. Glendale CA: Đại Nam in lại.

Thuần Ngọc

quehuongngaymai.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 11131)
Vấn đề chính là khi còn sống, chúng ta hãy sống lương thiện, giúp đỡ mọi người, tránh làm việc ác thì như Đức Dalai Lama nói,
03 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9493)
Vậy mà phút chốc đã 37 năm rồi. Mọi chuyện hình như vẫn những tuồng cũ được diễn lại với đào kép mới.
02 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9751)
Có thể nói rằng toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước vô cùng thất vọng, bất bình và phẫn nộ với Bản Hiến Pháp "Bình Mới Rượu Cũ" này
26 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12550)
hình ảnh cũ của một thời miền Nam xây dựng và phát triển
25 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12802)
Phần bà Nhu đã chết kể từ ngày ấy. Nhưng bà chết đến hai lần: chết cho ông Nhu và nền đệ nhất cộng hoà và chết cho chính bà, cho cuộc sống hiện nay.
25 Tháng Mười Một 2013(Xem: 15192)
Người nào đứng về phía nhân dân thì tương lai sẽ mở cửa ra với họ, còn ai chống lại nhân dân là tự sát
23 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10739)
Trí thức ươn hèn không xương sống Mở miệng hô hào Chấn dân khí Chỉ biết sống phần mình Nõ mồm hậu dân sinh
18 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10169)
Một chính phủ độc đảng độc tài toàn trị thì chẳng khác nào một môi trường yếm khí chỉ thuận lợi cho các loài vi khuẩn độc hại sinh sôi nãy nở và bội phát
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11558)
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm, chúng tôi muốn đất nước mình mạnh lên
16 Tháng Mười Một 2013(Xem: 14639)
Là một nghệ sĩ có niềm đam mê to lớn dành cho văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, Nancy Dương đã dùng kỹ thuật số hiện đại để thổi sức sống mới vào các giá trị truyền thống của người Việt.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12455)
Đầu năm 1955 đánh dấu ngày tàn của Grande Monde, khi chính quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh dẹp sòng bạc lớn nhất Đông Nam Á.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10831)
Có hai mặt trong Phạm Xuân Ẩn mà chúng ta không thể hiểu được. Nhìn lui dĩ vãng, tôi thấy y là một con người bị xé làm đôi ở phiá giữa
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10424)
Xã hội công bằng không phải tự nó có được hay do ban bố của giới chức cầm quyền, mà có được từ quá trình đấu tranh nghị viện thông qua các chính sách an sinh xã hội.
11 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10288)
Tiêu biểu: Cuộc nổi dậy Mỹ Yên, Nghệ An: Hàng ngàn giáo dân bao vây, uy hiếp cả chủ tịch xã phải ký giấy cam kết thả người bị chúng bắt
03 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10349)
Việc hàng năm và đặc biệt năm nay có nhiều người, nhiều nơi tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho ông chứng minh điều đó.
03 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10687)
Cho nên muốn thoát khỏi tai ách Tàu đỏ để Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo thì trước tiên phải đánh đuổi bọn thái thú, thổ quan, tay sai Tàu phù ra khỏi khỏi đất nước.
03 Tháng Mười Một 2013(Xem: 9742)
Muốn được như vậy thì điều kiện tiên quyết là phải giải trừ chế độ cọng sản An Nam, xóa bỏ Liên minh 16 chữ vàng. Đó cũng là cách “ Thoát Trung “ duy nhất để cứu dân, cứu nước.
03 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10272)
xin kính dâng lên Người một đóa hoa lòng, nguyện xin Đấng Tối Cao cho linh hồn Người Anh Hùng Dân Tộc được yên nghỉ ngàn thu.
02 Tháng Mười Một 2013(Xem: 16101)
Suốt trong đời binh nghiệp, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân lúc nào cũng nêu gương sáng về kỷ luật, chỉ biết sống cho Quân Đội, chết cho Quân Đội
02 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11485)
“Tây Du Ký” là truyện xuất thế gian, do đó không có dấu ấn cũa Nho giáo. Vì Nho giáo là căn bản cũa đạo nhập thế, thuộc phạm vi hình nhi hạ học mà ngày nay thường gọi là :”Ngoại giáo công truyền” .
02 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11175)
Khi nào trí thức, nhân sĩ, lão thành kách mạng thôi lý luận quanh co, tránh né bổn phận phải làm là: Chấm dứt chế độ toàn trị cọng sản phản nước hại dân mà quí vị góp phần xây dựng lên
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10788)
ĐẠO TRỜI THÌ KHÔNG CHIẾN TRANH NHƯNG CHIẾN THẮNG VẺ VANG, KHÔNG PHÁT NGÔN NHƯNG ỨNG ĐỐI MỘT CÁCH TRÔI CHẢY, KHÔNG BỊ CHIÊU DỤ NHƯNG LẠI TỰ ĐẾN,
29 Tháng Mười 2013(Xem: 9637)
nó cũng đã quá muộn để dập tắt được những sự chỉ trích chua cay về đảng và chính quyền đang được nung nấu tại Việt Nam, cũng như tại Trung Quốc.
29 Tháng Mười 2013(Xem: 10461)
Khách quan và chủ quan, vận nước Việt còn dài, Việt chưa thể mất nước, và rất có thể Trung Hoa sẽ vỡ đổ phân hóa trước khi thực hiện được âm mưu quỷ kế xâm lấn Việt.
23 Tháng Mười 2013(Xem: 11198)
Hai nhà văn có công đầu xây dựng nền văn học quốc ngữ, đặc biệt là báo chí, và có nhiệt tâm cải thiện văn hóa, xã hội của chúng ta trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây hồi đầu thế kỷ XX
23 Tháng Mười 2013(Xem: 10766)
Nhân ngày kỷ niệm Đệ nhất VNCH 26 tháng Mười, viết đôi dòng tưởng nhớ công đức tiền nhân, về một thời Miền Nam tự do, no ấm
20 Tháng Mười 2013(Xem: 10066)
Không có một ai thay đổi tư tưởng về lập trường quốc gia, trừ một số ít đã là lưu manh thiếu lương thiện từ khi còn trong hàng ngủ VNCH
20 Tháng Mười 2013(Xem: 11913)
chúng tôi yêu cầu đảng cộng sản Việt Nam, Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam và nhà nước Việt Nam chấm dứt ngay việc làm ngu xuẩn là đề nghị UNESCO vinh danh tướng Giáp
18 Tháng Mười 2013(Xem: 10460)
Chúng ta biết rằng, ngoài danh và lợi, trên thế gian này, con người thường hay, tranh chấp với nhau, chỉ vì lời nói. Hai người nói chuyện, với nhau một lúc, không nhường nhịn nhau
18 Tháng Mười 2013(Xem: 9808)
Chiều nay lộng gió thu về Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi. Đời người như hạt sương rơi . Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
18 Tháng Mười 2013(Xem: 17400)
Anh có thể nói dối một số người trong một lúc và lừa dối mọi người trong vài lúc. nhưng anh không thể lừ dối tất cả mọi người mãi mãi..
17 Tháng Mười 2013(Xem: 9643)
Ai cũng hiểu rằng vạn vật luôn biến chuyển. Trên đời này, không có gì có thể gọi là vĩnh viễn. Một cách rõ nét hơn thì cơ chế hiện hành cũng phải bắt buộc rơi vào qui luật lô-gic ấy.
17 Tháng Mười 2013(Xem: 10123)
Bài viết dưới đây tóm lược nhửng điều cần biết về việc mua bảo hiểm sức khoẻ qua thị trường này.
16 Tháng Mười 2013(Xem: 14429)
đừng vì tiền tài danh vọng mà dối trá với lòng mình, dối trá với dân tộc mình... Hãy lên tiếng nói lên sự thật và đừng IM LẶNG nữa.
12 Tháng Mười 2013(Xem: 10469)
Giữa lúc Washington tê liệt vì đóng cửa, mạng howstuffwork liệt kê 10 “chủ nợ” lớn nhất trong tổng số 11.560 tỷ USD nợ công của nước Mỹ.
12 Tháng Mười 2013(Xem: 15880)
Vì ác nghiệp ấy cho nên dù có tu hành thanh tịnh, y vẫn thọ quả báo thiếu thốn, xui xẻo trong nhiều đời kiếp, cho đến khi chứng quả.
09 Tháng Mười 2013(Xem: 11896)
Một số sách xuất bản ở miền Nam trước 1975 nay đã được in lại, và càng ngày càng có một nhu cầu muốn tìm hiểu và phục hồi lại nền văn học đã mai một này
09 Tháng Mười 2013(Xem: 11104)
Từ ngày được thành lập cho đến khi bị đổi tên, trong suốt gần năm mươi năm hoạt động, trường Petrus Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục được giao phó, đã đóng tròn vai trò một định chế xã hội đối với quốc gia
08 Tháng Mười 2013(Xem: 13124)
Quý vị có thể chỉ ăn trái cây trong 3 ngày để thanh lọc cơ thể. Chỉ ăn trái cây và uống nước trái cây trong suốt 3 ngày, và quý vị sẽ ngạc nhiên khi bạn bè cho biết quý vị nhìn thật tươi sáng!
02 Tháng Mười 2013(Xem: 11742)
Ngày 1 tháng mười tại Hoa kỳ, Thị trường Bảo hiểm Sức khỏe được thành lập do luật cải tổ y tế Obamcare sẽ bắt đầu hoạt động.
22 Tháng Chín 2013(Xem: 9747)
Nước là nước Việt, bốn ngàn năm văn hiến. Nhà là nhà Việt Nam, dân Nam, con Rồng cháu Tiên ở.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 9816)
Để nối tiếp “Bạch Đằng Giang Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng Giống anh hùng Nam, Bắc, Trung “ Tôi chỉ biết một điều theo tâm niệm
11 Tháng Chín 2013(Xem: 9569)
sức mạnh kỳ diệu của quần chúng và của xã hội dân sự thì mới áp lực được lên tập đoàn cầm quyền buộc họ phải chuyển hoá hay đổi thay chế độ toàn trị.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 10216)
tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.
27 Tháng Tám 2013(Xem: 12343)
Chữ “giàu” hay “nghèo” chỉ diễn tả tình trạng định tính chung chung, ta không biết được giàu hay nghèo ở mức độ nào, vì vậy cần phải định lượng bằng con số để có thể so sánh dễ dàng.
25 Tháng Tám 2013(Xem: 10424)
“Trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” đó là lý do mà người viết không hề có tham vọng hạch tội ác của cộng sản chỉ trong một bài viết như thế này
19 Tháng Tám 2013(Xem: 11835)
Một điều khác làm nên tầm vóc của thành quốc này đó là các công trình kiến trúc tuyệt đẹp thời k ​ỳ ​ Phục hưng. Đây là nơi hội tụ các bậc thầy về hội họa kiến trúc
19 Tháng Tám 2013(Xem: 9963)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear tái khẳng định tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có sự cải thiện nào đáng kể như sự mong đợi của Hoa Kỳ.
12 Tháng Tám 2013(Xem: 13923)
Liên bang đã mở đường dây điện thoại trợ giúp ( helpline) và đã cải biến trang mạng HealthCare.gov đễ giải đáp các câu hỏi cơ bản về các trung tâm giao dịch bảo hiểm sức khỏe
10 Tháng Tám 2013(Xem: 11150)
Cầu chúc cho chúng ta được sống yên bình và thành công trong việc tạo ra những thế hệ tương lai tài giỏi cho nhân loại dù bạn thuộc bất kỳ chủng tộc nào.