9:20 CH
Thứ Ba
23
Tháng Tư
2024

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU - NGUYỄN THÁI HẢI

28 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 8072)

Đất lành chim đậu

 

Nơi đầu tiên gia đình tôi đến ở trên đất Biên Hòa là một căn nhà thuê trong khu dân cư cạnh nghĩa địa “Đất Thánh Tây” thuộc vùng Dốc Sỏi nổi tiếng “giang hồ” một thời với hoạt động gần như công khai của các tay anh chị, gái ăn sương, trẻ con trộm cắp...

Cha tôi kể lại rằng vào một ngày cuối năm 1955, khi ông vừa bước xuống ga xe lửa Biên Hòa, còn chưa biết sẽ hỏi thăm ai để tìm một căn nhà thuê trên địa phương hoàn toàn xa lạ này thì có một bà già bước đến gần ông. Chỉ nhìn vào cách ăn mặc, gương mặt và điếu thuốc rê trên môi bà già, cha tôi đã biết bà là người Nam bộ rặt. Bà tò mò nhìn cha tôi rồi bước tới gần hơn, ghé tai ông nói nhỏ:

- Chú ở nơi khác mới tới phải không? Chú phải coi chừng tụi nhỏ móc túi ở đây đó!

Cha tôi gật đầu khẽ đáp:

- Cảm ơn bà. Nhưng tôi chẳng có gì quý giá để mất đâu.

- Ủa! Chú người Bắc kỳ hả? Chú tới Biên Hòa làm chi vậy?

Cha tôi kể mục đích đi tìm nhà thuê. Bà già vui vẻ nói:

- Vậy là chú gặp hên rồi. Nhà tôi đang có một phòng trống. Chú ra ngồi chỗ đợi mua vé chờ tôi đi công chuyện chút xíu rồi tôi quay lại, dẫn chú về coi nhà. Nếu thấy ưng thì chú mướn, giá rẻ thôi. Còn không ưng thì tôi giới thiệu chỗ khác cho... Xóm tôi ở cách ga chừng non cây số thôi, thiếu gì nhà cho mướn.

 

***

 

Năm 1955, từ Đà Nẵng, tôi bị bệnh thương hàn nặng, cha tôi quyết định đưa cả gia đình vào tận Sài Gòn để chữa trị cho đứa con trai duy nhất của mình. Gia đình tôi gồm năm người. Ngoài cha mẹ tôi, có tôi là con trai, một cô em gái và một bà chị nuôi. Chúng tôi xin trọ bên chái nhà một người quen của cha tôi trong “Thành pháo thủ”, đường Lê Văn Duyệt hồi ấy. Khi bác sĩ “chê” và tôi đã lịm đi nhiều tiếng đồng hồ, cha tôi không muốn làm phiền người chủ nhà tốt bụng, đã nuốt nước mắt và gom tiền bạc đi đặt sẵn một cái hòm con để có mà dùng ngay khi trái tim nhỏ bé của tôi ngừng đập. Nhưng có lẽ thấy không đáng gì một sinh mạng bé bỏng như tôi nên tử thần đã tha cho mạng sống của tôi ngày ấy. Rất sớm ngày hôm sau, sau này cha tôi nhớ lại là vào khoảng 2, 3 giờ sáng gì đó, đột nhiên tôi đã mở bừng mắt ra, nhìn ông và cố lấy hơi để hỏi: “Đây là đâu?”. Cha tôi kể lại là lúc đó, cả cha mẹ tôi đều bật khóc thành tiếng. Gia đình người chủ nhà trọ tốt bụng cũng cùng chia sớt niềm vui, cả nhà đang ngủ đều gọi nhau thức dậy cùng gia đình tôi xúm quanh “thằng bé được tử thần tha mạng”, chờ trời sáng. Chưa hẳn bình mình, cha tôi đã gọi tắc xi chở tôi tới phòng mạch của người bác sĩ đang chữa trị cho con mình. Ngồi dựa trên nệm xe, tôi nhìn ra đường phố Sài Gòn buổi sớm đã tấp nập xe cộ lại qua, ồn ào bao tiếng động với ánh mắt ngỡ ngàng. Tôi nói với cha tôi: “Khi nào con khỏi bệnh, cậu nhớ cho con đi chơi Sài Gòn...”. Lúc ấy, đứa bé năm tuổi là tôi chưa thể hiểu được vì sao khi nghe tôi nói như thế, cha tôi lại bật khóc thành tiếng khiến người tài xế tắc xi ngạc nhiên đạp thắng dừng lại gấp, rồi anh ta quay đầu xuống hỏi cha tôi: “Chú bị sao vậy?”...

Gặp lại tôi trong vòng tay bồng ẵm của cha tôi vào giường khám, ông bác sĩ đã không giấu được vẻ ngạc nhiên. Lần ấy, ông khám cho tôi rất kỹ rồi nói với cha tôi: “Mừng ông đấy! Thằng nhỏ đã thoát qua cái đoạn thập tử nhất sinh rồi. Tôi sẽ cố hết sức điều trị cho nó”.

Ở Sài Gòn chừng hơn tháng, tạm yên tâm về sức khỏe của tôi, cha tôi mới tính chuyện lâu dài. Cảm thấy sức mình khó có thể bon chen làm ăn ở đất Sài Gòn đông đúc và náo nhiệt, cha tôi hỏi ý kiến nhiều người quen biết rồi ông chọn đưa gia đình về Biên Hòa vì vốn liếng chỉ đủ để tìm công ăn việc làm, sinh sống ở một tỉnh lẻ như Biên Hòa ngày ấy. Tôi cũng chỉ mới qua cơn nguy cấp chứ vẫn chưa khỏi hẳn bệnh, nơi lập nghiệp của gia đình phải gần Sài Gòn để tiện việc đi lại thuốc thang.

Mấy tháng đầu sống trong căn phòng trọ ở cạnh khu nghĩa địa “Đất Thánh Tây” của bà già mà cha tôi tình cờ gặp ở ga xe lửa Biên Hòa, cha mẹ tôi chỉ tập trung vào việc chăm lo cho tôi dưỡng bệnh, chưa nghĩ gì đến chuyện làm ăn. Mỗi tuần, tôi vẫn được cha tôi bao xe lên Sài Gòn một lần để được khám tổng quát rồi lấy toa mua thuốc về uống. Cha tôi đặc biệt tuân thủ lời dặn của bác sĩ, cho tôi uống thuốc rất đúng loại, đúng giờ, đúng cách. Riêng chuyện ăn cơm của tôi mới thật công phu. Tôi phải tập ăn đến nửa năm, dạ dày mới có thể chấp nhận được cơm. Đầu tiên, tôi được cho ăn cháo loãng. Ít ngày sau, chuyển qua ăn cháo đặc hơn, cha tôi phải theo dõi thân nhiệt của con, nếu tăng cao thì lập tức cho ăn trở lại cháo loãng. Ăn được cháo đặc rồi, tôi lại phải tập ăn cháo đặc hơn cũng tương tự như thế, rồi đến tập ăn cơm nhão và cuối cùng mới ăn cơm được như những đứa trẻ bình thường khác.

Những người lớn giải thích cho tôi biết rằng Đất Thánh là nơi chôn cất của người có đạo Công giáo về với cõi Chúa. Còn Đất Thánh Tây là tên gọi của khu nghĩa địa có chôn cất một số người lính Tây, nằm ven Thành Kèn. Ở gần khu nghĩa địa dù chỉ có mấy tháng, nhưng cho đến tận ngày nay trong tôi vẫn còn lưu giữ mồn một tiếng dế rích, tiếng ếch nhái gọi nhau trong đêm. Đó là những âm thanh nông thôn đầu tiên trong đời tôi được nghe, được đắm chìm vào, như một lời ru thiên nhiên giúp tôi có những giấc ngủ không mộng mị. Và hình ảnh bà chủ nhà, một bà già người miền Nam tóc búi tó, miệng móm mém lúc nào cũng thấy nhai trầu, thân hình thì ốm yếu. Mỗi khi qua thăm tôi, bà sờ tay vào trán tôi thăm nhiệt, rồi gật gật đầu nói: “Thằng nhỏ này, mày ráng mà sống cho khỏe, mai mốt lớn lên lo làm ăn nuôi ba má trả ơn dưỡng dục nghen con! Tao thấy ba má mày cực vì mày quá sức!”. Cùng với hình ảnh của bà già hiền hậu yếu đuối được mọi người gọi là “Má Hai” ấy là hình ảnh của mấy người đàn ông và thanh niên lực lưỡng, mặt mày bậm trợn, trên cánh tay, bả vai hoặc sau lưng, trước ngực có xâm chàm đủ loại hình ảnh con cọp, con rồng, chim ó, dao găm, súng lục, cô gái, trái tim có mũi tên xuyên ngang... và các chữ đại loại như: “Hận đời đen bạc”, “Trái tim nhỏ máu”, “Thù tình phải trả”... Có điều, khi tạt qua thăm tôi, những con người dữ dằn ấy cũng nói năng hiền khô như “Má Hai”. Có anh gọi tôi là
”thằng nhỏ”, có anh gọi “chu nhóc”… nghe đều rất thân mật. Có lần, một anh có gương mặt bầu bĩnh, trên cằm có nốt tuồi lớn bằng hạt đậu và sợi râu dài loăn xoăn, đôi mắt ốc nhồi vừa đen vừa sáng, cổ đeo sợi dây chuyền vàng thật lớn, không biết ở đâu đến thăm “Má Hai” rồi tạt qua thăm tôi. Tôi nghe “Má Hai” gọi anh là “thằng Út”. Anh cho tôi hộp sữa, ngồi nhìn tôi hồi lâu rồi không hiểu sao nước mắt anh lăn dài trên gương mặt bầu bĩnh. Anh chẳng thèm quệt nước mắt, cứ để thế mà nói với tôi: “Mai mốt phải lo học hành tử tế, đừng có đi giang hồ như tụi tao, cực nhục lắm nghe chưa nhóc con!”.

Ở đây, tôi còn được biết thế nào là “ma trơi” khi đêm về, những đốm sáng nhỏ như lửa cháy xuất hiện, chập chờn phía những ngôi mả. Chính một anh “bậm trợn” nói với tôi: “Ma quỷ khỉ gì! Khí lân tinh ở xương người chết bốc lên thành lửa đó mà!”. Tôi nghe vậy thì biết vậy... Vì đối với tôi ngày ấy, những anh “bậm trợn” còn đáng sợ hơn “ma quỷ” nhiều lần. Tôi nghĩ thế vì trước nhà "Má Hai" có một căn nhà vách gỗ, mái lá khá rộng cất biệt lập sau một hàng rào bằng dâm bụt, trong nhà có mấy chị tuổi đôi mươi ở, khách ra vào toàn là đàn ông lạ và thỉnh thoảng tôi lại nghe hai anh "bậm trợn" ở bên ấy la hét, đánh đập một chị nào đó. Một lần duy nhất, trong khi tôi đang nằm lim dim ngủ thì bên ấy có chuyện. Tôi nghe có tiếng ly tách bị ném vỡ rồi tiếng chân người rượt đuổi nhau. Một chị chạy tạt vào phòng tôi, vẻ mặt hốt hoảng, một tay bịt chặt vết thương trên đầu đang rỉ máu. Một anh "bậm trợn" đuổi theo, chỉ tay vào mặt chị kia quát hỏi: "Mày có về không thì biểu? Hay mày muốn tối nay tao quăng xác mày ra nghĩa địa?". Sau đó, vừa nắm một cánh tay chị kia lôi về, anh "bậm trợn" vừa quay lại "cười hiền" và nói với tôi:

- Nè thằng nhóc, hổng có chuyện gì đâu. Tụi anh giỡn chơi một chút đó mà! Ngủ đi cho khỏe nghen nhóc!

 

***

 

Gia đình tôi còn dọn nhà một lần ra gần Ngã ba Thành Kèn. Căn nhà mà cha mẹ tôi mua nằm đối diện với Sở Y tế bây giờ, hồi ấy còn là một bãi đất trống, rộng, phía trong có mấy cây cổ thụ mà bọn trẻ con chúng tôi đồn với nhau là trong bọng cây nào cũng có ma mặc áo trắng, để tóc xõa và chân đi không chấm đất! Phía đối diện nhà tôi cũng còn một bức tường Thành Kèn xây bằng đá ong, một loại đá đặc biệt ở vùng này vốn là đất sét dưới sâu bị oxy hóa khi được đưa lên mặt đất tạo thành những cái lỗ như tổ ong. Cha mẹ tôi bày ra một quầy tạp hóa phía trước nhà để mưu sinh. Nhưng xem ra việc buôn bán ế ẩm lắm. Tôi kết bạn với mấy đứa trẻ trong xóm, qua lại nhà nhau chơi những trò chơi nhẹ nhàng như đánh ô quan, bịt mắt bắt dê, lò cò… mà tôi thường bị thua cả bọn.

Sức khỏe của tôi có vẻ khá hơn. Tôi được gửi đi học chữ ở "trường học" trong chùa Hưng Bình Tự cách nhà non cây số. Sáng sớm tất cả học trò phải ra sân tập thể dục, ngay buổi thứ nhì tôi đã trốn vì với sức khỏe kém cỏi của mình tôi không thể nào theo kịp các bạn, xem ra đều lớn tuổi hơn tôi. Hôm trước, sau những cố gắng hết mình, tôi đã không thở nổi mà còn bị một chú tiểu cho là "giả bộ". Tôi bị phạt quỳ trước hiên chánh điện thờ Phật, hai lòng bàn tay ngửa lên trời, giữ hai hòn gạch thẻ. Được chừng hai phút, hai cánh tay tôi bắt đầu run lên. Trái tim tôi cũng đập những nhịp nhanh hơn, dồn dập hơn. Cuối cùng, tôi phải bỏ cả hai hòn gạch xuống nền gạch bông chánh điện rồi chống tay loạng choạng đứng dậy. Chú tiểu đang quét sân gần đó trông thấy, kêu lên: "Nè, thằng nhỏ kia!", rồi bắt tôi phải quỳ trở lại. Tôi không còn biết sợ hãi là gì, một tay tôi với lấy cặp táp, mắt tôi như trợn lên và miệng thì hét to:

- Không thèm học ở đây nữa!

Rồi tôi bỏ chạy ra phía cổng, thất thểu leo dốc Ngã ba Thành Kèn về nhà. Vì chuyện này mà cha tôi phải đến nhà chùa xin lỗi, đồng thời cũng giải thích cho các nhà sư hiểu về tình trạng sức khỏe của tôi vốn không phù hợp với việc nặng. Hôm sau, ông bảo tôi cứ đi học vì nhà chùa đã đồng ý miễn cho tôi khỏi tập thể dục sáng. Nhưng tôi nhất định ở nhà. Dỗ dành thế nào tôi cũng không bước ra khỏi cửa, cha mẹ tôi đành chịu thua. Sau này, tôi nghe mẹ tôi kể là hồi gia đình tôi còn ở Đà Nẵng, tôi cũng từng được gửi "thọ giáo" một bà giáo già. Không hiểu tôi lười tập viết sao đó mà bà giáo dọa sẽ “lấy kìm bẻ răng”. Thế là tôi nhất quyết không đi học với bà giáo nữa. Mẹ tôi hay mắng con - mà tôi không hiểu là bà mắng yêu hay mắng thật: "Thằng này lớn lên bướng bỉnh lắm đây. Mà như thế thì chỉ khổ thân thôi con ạ".

Ở khu Ngã ba Thành Kèn không lâu, cha mẹ tôi tìm thuê được một thửa đất ruộng bên quốc lộ 1, cách trung tâm tỉnh chừng ba cây số với ý định lập nghiệp lâu dài tại đây. Trong khi gia đình vẫn ở Ngã ba Thành Kèn, một mình cha tôi đến đây mua chục xe đất đổ nền, rồi thuê thợ cất ba gian nhà ngói, vách gỗ ghép, nền láng xi măng. Xong xuôi, gia đình tôi mới dọn đến ở. Có lần, cha tôi kể cho tôi nghe chuyện ở quê ông. Chuyện rằng ngày trước khi ông nội tôi được cho ra ở riêng thì đất thổ cư của gia đình đã hết, ông phải nhận một phần đất ruộng. Vì thế, để có thể cất nhà, ông đã phải đào ao lấy đất vượt mặt ruộng làm nền. Cha tôi nói, bây giờ đến đời ông cũng phải vượt mặt ruộng làm nhà y hệt thế. Ông mong sao đến lượt tôi sự việc ấy không phải lập lại. Thực tế đã diễn ra đúng như điều mong ước của cha tôi. Chính trên mảnh đất này từ giữa năm 1956 cho đến nay, gần năm mươi năm qua đi, tôi đã lớn lên, đi học và làm việc.

Hồi ấy quốc lộ 1 ngang nhà tôi là con đường chính để đi từ Sài Gòn thẳng ra miền Trung hay đến Dầu Giây rẽ trái lên Đà Lạt. Để lấy bóng mát sân trước, cha tôi trồng một giàn dưa tây. Vào mỗi đợt dưa tây ra hoa, những cái đài hoa nở lớn như hình bông sen úp ngược, bên trong có mấy tua nhụy đực bao quanh bầu nhị cái. Cha tôi thụ phấn nhân tạo cho cả giàn dưa, trái dưa tây phát triển và lớn lên đợt nào cũng có vài chục, nhìn rất thích mắt. Dưa tây chín lấy phần thịt và cả ruột lẫn hột dằm đường cát trắng và nước đá ăn vừa ngọt, vừa chua, là một món giải khát hấp dẫn. Du khách đi Đà Lạt về, ngang nhà tôi, thấy giàn dưa tây lúc lỉu trái, nhiều xe hiếu kỳ dừng lại, hỏi mua dăm ba trái về làm quà. Lúc đầu thì chỉ là tình cờ, sau đó, cha tôi chăm chút giàn dưa tây hơn, xem đấy như một phần thu nhập cho gia đình. Quốc lộ 1 khi ấy còn hẹp, chỉ vừa hai chiếc xe ngược chiều và thêm chỗ cho một chiếc thứ ba lách tránh, vì vậy khi có xe chở du khách từ Đà Lạt về dừng lại mua dưa tây nhà tôi, đoạn đường này chật chội hẳn đi. Nhưng tôi lại rất thích cái hình ảnh xe đậu nối đuôi nhau hai ba chiếc, khách thì người vào mua dưa, người đi lại bên đường, rồi tiếng còi xe của những chiếc xe chạy đường trường inh ỏi. Cả một đoạn đường ngoại ô thành phố trở thành một xóm nông thôn.

Về chuyện học hành của tôi, do vẫn phải dưỡng bệnh, không ngày nào không phải uống thuốc, lại sợ tái diễn việc bà giáo già ở Đà Nẵng hay việc tập thể dục sáng ở Hưng Bình Tự, cha tôi quyết định không cho tôi đến trường học nữa. Hồi ấy trẻ con ở miền Nam không bắt buộc phải đi học từ lớp đầu cấp mà có thể ghi tên vào một trường tư, học bất cứ lớp nào vừa sức mình của bậc tiểu học. Cha tôi mua một bộ bài có 24 chữ cái về dạy tôi đánh vần rồi ghép chữ. Ông cũng dạy tôi làm bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Tôi được học chữ, học bốn phép toán như thế, như một trò chơi. Khi tôi lên tám tuổi, phía trước nhà tôi có một "cô giáo" tuổi chỉ khoảng mười sáu, mười bảy, không biết ở đâu dọn đến thuê nhà để ở, vừa đi học trung học trên tỉnh, vừa mở lớp dạy học trò tiểu học. Cha tôi cho tôi qua bên kia đường đi học ở cái lớp đủ thứ lớp ấy!

Cô Thư - tên "cô giáo" là Thư - đã được cha tôi cho biết về tình trạng sức khỏe và nhất là cái tính "bướng" của tôi, nên đã dạy tôi học với những lời lẽ hết sức ngọt ngào và có lẽ còn có cả sự nín nhịn. Đi học cô Thư, tôi không học theo một lớp nào nhất định. Về trình độ đọc chữ, tôi đã đọc thông được cả chữ trong sách, chữ trên báo. Nhưng viết chữ thì tôi phải ngồi chung với bọn lớp Năm (Lớp Một bây giờ). Làm toán thì bốn phép tính cộng trừ nhân chia và bảng cửu chương với tôi là "đồ bỏ", bởi vì tôi đã biết giải những bài toán đố! Tôi còn làm tính nhẩm rất nhanh. Vì thế cô Thư cho tôi học toán chung với bọn lớp Nhì (lớp Bốn bây giờ).

Ngày ấy phía nhà tôi còn là một khu ruộng lúa của một tư nhân. Còn phía bên kia đường, nơi cô Thư thuê nhà ở và dạy học, là đất trồng cao su được nhà cầm quyền phá bỏ để làm nhà ở cho một nhóm dân di cư. Khu ruộng lúa khá rộng và tính từ một phía đầu ruộng thì căn nhà của gia đình tôi nằm vào quãng thứ năm, thứ sáu, cuối cùng. Nghĩa là phía sau và phía trái nhà tôi vẫn là ruộng lúa. Đêm đêm, tôi nằm ngủ trong nhà còn nghe tiếng ếch nhái, tiếng dế rả rích, thỉnh thoảng cả nhà lại phải một phen hoảng hồn khi phát hiện một con rắn nước từ ngoài ruộng bò vào sân sau hoặc vui mừng bắt được một chú rùa con đi lạc, một con cào cào to bằng ngón tay hoặc con bướm cánh nâu chấm đen to bằng cái quạt giấy ở đâu bay lạc đến... Rắn, cha tôi đập đầu cho chết hẳn rồi giao cho mẹ tôi làm món chả rắn, ăn rất ngon. Nhưng rùa thì ông không cho làm thịt mà thả đi vì theo ông, rùa là con vật thiêng, biết “quy y” đạo Phật!

Ở bên kia đường, mấy cây cao su còn lại đến mùa, trái nổ rơi xuống đất những cái hột nhỏ bằng đầu ngón tay có màu nâu nền và những đường vằn trắng cứ như ai đó vẽ vào! Bọn trẻ con chúng tôi rất thích nhặt hột cao su để chơi. Chúng tôi khoét hai cái lỗ trên và dưới chiều đứng hột rồi lòn vào một cái que, phía trên là cái chong chóng giấy; lại khoét thêm một cái lỗ ngang hông để lấy ra một đầu dây cột sẵn vào cái que thân chong chóng trong hột. Dĩ nhiên là trước đó, phần ruột hột đã được moi bỏ đi rồi. Một tay cầm hột cao su, tay kia cầm đầu dây, chúng tôi kéo mạnh cho chong chóng quay rồi buông tay, sợi dây được tự động kéo vào để tiếp tục một vòng quay sau. Món đồ chơi tự tạo ấy xem có vẻ dễ làm nhưng không phải đứa nào cũng “sản xuất” được, nhưng chơi nó cũng mau chán. Một thằng bạn tôi không nhặt hột cao su để làm đồ chơi như thế mà nó rất siêng nhặt cất để dành, được một hai ký lô thì đem bán cho người ta "nấu xà bông" - Nó giải thích. Với cái hột cao su ấy, chúng tôi còn dùng để "chữa bệnh". Ấy là khi bị con côn trùng nào đó đốt, chích sưng, ngứa trên tay chân, chúng tôi lấy hột cao su chà mạnh vào ống quần, tay áo một lúc rồi áp mạnh vào chỗ đau. Chỉ vài lần là sức nóng của hột cao su làm giảm hẳn cơn đau ngứa! Ở bên đường khi ấy cũng có một cây bông gòn mà khi trái gòn già, vỏ trái nứt ra, bông gòn trong trái theo gió bay đi khắp nơi trong xóm. Có người xin hái trái gòn về lấy bông nhồi được cả mấy cái gối! Trong vùng cũng có nhiều cây bông gòn khác mà sau này người ta chặt hạ dần, đến nay chỉ còn sót lại vài ba cây, trong đó có một cây ở phía bên kia suối Mương Sao, quốc lộ 15.

Đi học "trường cô Thư", tôi không mặc quần ngắn như đám con trai mà phải mặc bộ pygiama màu trắng. Nước da trắng xanh bệnh hoạn của tôi cũng rất hợp với bộ quần áo này và vì thế, tôi bị tách ra khỏi đám con trai. Có điều tôi cũng rất ghét đám con gái vì trong số ấy có một con bé tên là Cầu mà mỗi khi xem bài tập viết của tôi cô Thư thường nói: "Em phải cố gắng tập viết đẹp như bé Cầu". Tôi thầm nghĩ: "Việc gì tôi phải cố gắng bằng con bé Cầu ấy chứ?". Giờ ra chơi, tôi không ra sân mà cứ ngồi trong lớp, khi thì giải trí bằng cách tự đặt cho mình một bài toán nhân, chia gì đó rồi ngồi làm; khi thì đánh ca rô một mình, tay phải đánh với tay trái; đôi khi tôi cũng "lén"... tập viết! (Và nghĩ là mình tập viết không phải vì để... bằng con bé Cầu!).

Đi học như thế được chừng ba tháng thì tôi bắt đầu... chán vì phải "ngồi" mấy lớp khác nhau. Có lẽ cô Thư cũng nhận ra điều ấy nên một hôm, cô đã qua bên này đường thưa chuyện với cha tôi rằng để có lợi cho việc học của tôi, cô sẽ giới thiệu tôi vào học trường tư thục Khiết Tâm trên tỉnh lỵ Biên Hòa để tôi được đi học chính thức. Cha tôi còn ngần ngừ vì sợ tôi phải đi xa thì tôi đã hăng hái xin đi. Cha tôi đâu biết đứa trẻ sáu tuổi là tôi ngày ấy trong lòng háo hức biết bao với một lớp học và những đứa bạn mới trên tỉnh!

Nguyn Thái Hải

( Nhớ Biên Hòa)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Giêng 2018(Xem: 6508)
Một xã hội đa văn hóa, đa dạng trong một thể chế tự do, dân chủ, luật pháp công minh với một chính phủ can đảm, sáng suốt và bao dung
08 Tháng Mười 2017(Xem: 9805)
Tại California hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 7 tại city Industry. Western Insurance là một trong những nhà tài trợ cho chương trình này
09 Tháng Bảy 2017(Xem: 7842)
hội ái hữu Biên Hòa xin đuợc phép chuyển đến quý đồng hương và thân hữu nếu có sự quan tâm
10 Tháng Ba 2017(Xem: 7687)
Trần gian chỉ là cõi mộng / Sinh tử tử sinh / Có chăng chỉ một chữ Tình / Tình chiến hữu, tình bạn bè.
07 Tháng Ba 2017(Xem: 8897)
chân thành cảm tạ lòng nhiệt tình của tất cả anh em BCH đã bỏ thời gian, công sức cùng nhau hợp tác làm vang danh Trường mẹ trong tinh thần "Cư An Tư Nguy" bất diệt.
03 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7355)
thời tiết se lạnh, nhưng vẫn không ngăn được những bước chân, những tấm lòng đang hướng về người đã khuất.
02 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 13379)
Đêm đó chúng tôi cười giởn rất tự nhiên và vui đến nổi không để ý các quan khách đã ra về từ bao giờ.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 7651)
Xin thành kính tri ân và bày tỏ lòng hãnh diện vô bờ bến của thế hệ chúng tôi."
26 Tháng Tư 2016(Xem: 7572)
Còn “tam trụ” là thầy Hiệp, thầy Hùng và thầy Phương hầu như là thường xuyên có mặt trong những lần họp mặt ở Bắc California.
06 Tháng Ba 2016(Xem: 8249)
Đặc biệt địa điểm nầy cũng được ban tổ chức chuẩn bị cho tiệc tiền hội ngộ. Vui hơn bao giờ hết và uống rượu không say bao giờ
13 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8249)
Do Thích Nữ Như Thủy ( cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa ) thuyết giảng
02 Tháng Tư 2015(Xem: 7984)
Kính mời quý đồng hương và thân hữu cùng đến tham dự
09 Tháng Ba 2015(Xem: 10797)
Hãy vui lên, và đến với nhau, những người bạn cùng lớp, cùng khóa, cùng trường trung học Ngô Quyền BH, thân mến của tôi ơi.
08 Tháng Ba 2015(Xem: 16965)
“Rồi Mai Đây” và “Tôi Muốn”. Như một lời cám ơn các anh Ngô Quyền, các em Khiết Tâm trong đêm Reunion và 45 Năm Tình Bạn.
04 Tháng Ba 2015(Xem: 9067)
Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW đang chuẩn bị cho dự án, công tác và sinh hoạt để đánh dấu 40 năm định cư của Người Việt Tỵ Nạn
03 Tháng Ba 2015(Xem: 8757)
như còn lưu luyến phản ảnh tình đồng hương qua buổi sinh hoạt có ý nghĩa trong một buổi chiều Chúa Nhật đầu Xuân Ất Mùi.
26 Tháng Hai 2015(Xem: 8934)
Đây là một điểm son cho một mái trường nhỏ bé, nhưng đã có những trái tim kiên định lập trường quốc gia
23 Tháng Hai 2015(Xem: 7883)
Hình ảnh Lễ Thượng Kỳ Đầu năm Ất Mùi 2015 tại Trung tâm Thương mãi Eden, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ
07 Tháng Hai 2015(Xem: 7773)
nước Úc đã cưu mang chúng ta và nhờ đó mà các thế hệ con cháu của chúng ta về sau cũng được hưởng một cuộc sống an bình trên một đất nước tự do.
11 Tháng Giêng 2015(Xem: 8384)
Với họ, đây không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê và nỗi khắc khoải khi không có thế hệ kế thừa.
05 Tháng Giêng 2015(Xem: 15804)
Nhìn lại, mái tóc đã pha muối tiêu. Tình cảm vẫn như ngày xưa. Xin cám ơn cuộc đời.Một ngày vui qua mau.
29 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6987)
24 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6935)
Trước thềmThánh lễ, Lưu Lãng Khách xin chúc quý huynh đệ cùng thân quyến hạnh phúc an lành, vui hưởng một Giangsinh ấm áp trong rực rỡ hồng ân
21 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 14972)
Lòng bồi hồi xúc động nhớ những ngày vui hồn nhiên của một cô gái nhà quê lên tỉnh học
19 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7387)
Ngày chủ nhật 16/11 mưa lạnh buổi sáng sớm nhưng trời quang mây tạnh buổi trưa chiều, cũng như lòng người Melbourne, nắng ấm từ đây.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 8339)
Tuồi đã về chiều, dù sống nơi đâu trong hoàn cảnh nào, đồng hương Biên Hòa luôn đến với nhau cùng thời ấu thơ và những ngày chung học
10 Tháng Mười 2014(Xem: 7788)
Lễ Kỷ niệm 63 năm thành lập Liên trường Võ khoa Thủ Đức với hơn sau trăm quan khách Quân-Cán-Chính & Hậu Duệ và Đồng Hương Việt Nam Cộng Hòa tham dự
28 Tháng Chín 2014(Xem: 8434)
Như vậy, tính đến hôm nay, vào năm 2014, số người Việt định cư tại Úc khoảng chừng 233,460 người.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 8129)
Cám ơn người bạn dễ thương. Biết đường tui sẽ thường thường tới ...bưng.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 9620)
Hai anh chị Phương Loan và các cháu tận tình với khách mời từng đợt đến và về. Thức ăn tráng miệng thì cũng đủ cả
30 Tháng Tám 2014(Xem: 7579)
Đến hẹn lại lên, hôm nay bạn bè lại gặp gỡ nhau nơi tư gia bạn Nguyệt Ánh. Mỗi lần gặp gỡ nhau, quân số lại tăng lên
23 Tháng Tám 2014(Xem: 8724)
Họ là ai! Sống đời dũng cảm Áo trận giày saut đi trên mây gió..
17 Tháng Tám 2014(Xem: 15144)
bia thì quá tuyệt vời. Còn cá nhân tôi thì vui vì việc làm thành công và kết quả tốt.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 15650)
hơn bao giờ hết ban chấp hành hội ái hữu Biên Hòa California cũng mong đón nhận những tấm lòng… để chúng tôi vững lòng tiếp bước “đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm”
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 7996)
Ngày Quân Lực 19/06 là cái mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn quân đội thống nhất lãnh đạo
28 Tháng Sáu 2014(Xem: 7366)
Ngày nay dù lưu lạc nơi xứ người nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi thời gian đã khoác lên vai những bộ quân phục
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 7813)
Đã có trên dưới 500 đồng hương đến với đêm văn nghệ gây quỹ "Bước Chân Việt Nam"
02 Tháng Sáu 2014(Xem: 16395)
Thầy ơi, bởi vì trái đất tròn. Thương sao trái đất vẫn tròn.
19 Tháng Năm 2014(Xem: 7157)
chúng ta phải lật đổ lũ Việt Cộng bán nước, dân tộc và đất nước ta mới được thái bình.
11 Tháng Tư 2014(Xem: 7990)
Với tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây" chúng ta cùng tụ hội về đây để kính nhớ đến công đức của các ngàì
06 Tháng Tư 2014(Xem: 8014)
với vóc dáng ấy tôi liên tưỏng đến các đàn chị và những người gái bạn Ngô Quyền, một thời son sắc nay đang song hành với thời gian, trong đó có chị Hoàng Sĩ Cư.
31 Tháng Ba 2014(Xem: 7567)
Qua thời gian biết bao bạn bè chung lớp chung trường chưa biết được tin, cũng như chưa một lần tận mặt, kỷ niệm xa rồi vẫn là nỗi nhớ không quên.
31 Tháng Ba 2014(Xem: 7575)
Tôi cũng nhớ về kỷ niệm thời học trò, bè bạn. Dũng cục xương cũng được tôi nhắc đến trong một bài viết về trường xưa, lớp cũ.
31 Tháng Ba 2014(Xem: 7514)
Một duyên may gặp gỡ đàn em, đàn anh, đàn chị Ngô Quyền, để cùng có một ước mơ “Mỗi năm chỉ có một ngày”
12 Tháng Ba 2014(Xem: 7369)
Một ngày vui trong tình thân ái. Còn hiện hữu thì hãy cứ vui khi sức khỏe còn cho phép.
08 Tháng Ba 2014(Xem: 7632)
nhưng mãi đến hôm nay tôi mớí cảm nhận được sự ấm áp nầy, khi đưa tay cho chị Chu Diệu Thi nắm lấy
05 Tháng Ba 2014(Xem: 7980)
Làm sao nhận ra để sống tốt với tha nhân và biết đem niềm vui đến mọi người. Cái khổ cái đau không ai tránh khỏi…