T H Ư Ơ N G N H Ớ N G U Y Ệ T T H U
Tôi nhớ lần
đầu gặp lại Phạm thị Thanh Thu, trong câu chuyện hàn huyên nhắc nhớ về những
người bạn cùng học lớp Đệ Tứ Ngô Quyền thuở xa xưa, chúng tôi có nhắc đến tên
Trần thị Nguyệt Thu, tôi nhớ ngay cô bạn thân thời thơ ấu, tôi hỏi vội:” Nguyệt
Thu giờ ở đâu? Mình với Nguyệt Thu là bạn láng giềng nữa đó” Tiếng Thanh Thu
nghe buồn man mác:” Nguyệt Thu mất rồi, mất từ sau biến cố 75, nghe nói là bị
bệnh sao đó!”…Tôi thật bàng hoàng, vừa nghe tin bạn chưa kịp vui mừng thì mất
mát đó làm tôi sững sờ, tôi muốn hỏi thăm thêm nhiều nữa nhưng Thanh Thu chỉ
biết có vậy.
Cùng học với
nhau 3 năm trung học đệ nhị cấp trường Ngô Quyền Biên Hòa rồi về Saigon cùng
học Đại Học Văn Khoa. Tốt nghiệp Thanh Thu công tác ở sở giáo dục Đồng Nai còn
Nguyệt Thu về làm ở phòng triển lảm trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa, hai bạn
có điều kiện gặp nhau thường xuyên nhưng thời ấy bạn bè thân nhau cũng chỉ đến
thế.Nguyệt Thu mất đi lúc chúng tôi tuổi đời đều còn quá trẻ, vận nước lại đổi
thay, cuộc sống đời thường biết bao khó khăn vất vả đã khiến bạn bè không còn
nhớ…Mãi cho đến hôm nay, cánh chim xa xứ như tôi biền biệt hơn nửa đời người
mới tìm về lại quê xưa, hỏi thăm từng bạn cũ, thương thay người còn kẻ mất.
Xúc động biết bao khi gặp lại những người bạn cùng thời áo trắng bây giờ tất cả
đã bạc trắng mái đầu. Tôi lần giở những trang ảnh cũ trong tập album mà tôi lưu
giữ như báu vật. Trong đó là những khuôn mặt thân thương của bạn tôi từ hơn 40
năm trước : Nguyệt Thu là cô bé 15 tuổi, mặc áo đầm trắng, cổ đeo xâu chuổi,
tay ôm con mèo trông thật dể thương, mỗi lần họp mặt bạn bè lớp đệ Tứ tôi
đều đưa hình Nguyệt Thu cho các bạn xem hy vọng có bạn nào biết thêm gì về
Nguyệt Thu.
Ngày ấy nhà
tôi ở trong con hẻm nhỏ còn nhà Nguyệt Thu ở ngay mặt tiền đường Trịnh Hoài Đức,
những ngày Chủ Nhật tôi thường sang nhà bạn, ngôi nhà mà trong ký ức tôi giống
như một khu vườn cổ tích. Tôi nhớ ngoài cỗng đi vào qua một khoảng sân vườn sâu
hun hút, hai bên lối đi trồng hoa cỏ rất đẹp, có một cây mận trắng cành thấp lè
tè, trẻ con như tôi chỉ cần với tay là hái được những chùm trái chín ngọt ngon,
thích lắm. Nhưng thích nhất vẫn là những bức tượng thạch cao lớn nhỏ đặt rải
rác trong vườn, hồi đó tôi nào có biết gì về nghệ thuật điêu khắc nhưng nhìn
những tượng hình người và thú vật thấp thoáng sau các khóm cây tôi thấy chúng
sống động làm sao, những bức tượng thường không nguyên vẹn, chúng sứt mẻ đôi
chút nhưng dưới mắt nhìn tuổi thơ thì thật hoàn mỹ. Ba của Nguyệt Thu làm Giám
Xưởng trong trường Mỹ Nghệ nên ông hay nhặt những bức tượng khiếm khuyết bị
loại bỏ đem về đặt trong vườn nhà. Nào Thỏ, nào Voi, nào thần Apolo, thần
Venus, nào Bạch Tuyết và cả 7 chú lùn…
Mẹ của Nguyệt Thu thường giữ tôi ở lại ăn cơm trưa với cả nhà, cơm bà nấu rất ngon hôm nào cũng có bánh ngọt hay trái cây ăn tráng miệng, Nguyệt Thu có 1 người chị và 1 người anh, chị Hai nghiêm trang nên tôi ít dám chuyện trò, anh Ba của Nguyệt Thu là bạn học với anh trai tôi nên tôi cũng thân với anh hơn. Hồi đó Nguyệt Thu hay rũ tôi sang nhà chị Loan là chị họ của Nguyệt Thu, chị Loan có mấy chị em gái đều là nữ sinh Ngô Quyền. Chị Loan với Nguyệt Thu cùng là chị em cô cậu với diễn viên Thẩm Thúy Hằng, thỉnh thoảng tôi có gặp Thẩm Thúy Hằng ở nhà chị Loan, lúc ấy Thẩm Thúy Hằng khoảng trên 20 tuổi, đẹp tuyệt vời. Nhà chị Loan có vườn cây ăn trái rất rộng, chị cho chúng tôi tha hồ hái vừa ăn vừa mang về.
Khi tôi trúng
tuyển vào lớp đệ Thất trường Ngô Quyền thì Nguyệt Thu học trường Tư Thục Minh
Tân. Đến năm 68 tôi chuyển lên Bảo Lộc học NLS thì Nguyệt Thu lại vào trường
Ngô Quyền học 3 năm đệ nhị cấp với các bạn lớp đệ Tứ của tôi.
Con đường Trịnh Hoài Đức mở rộng, nhà Nguyệt Thu bị giải tỏa, gia đình chuyển lên ở trong khu tập thể của trường Mỹ Nghệ, tôi bặt tin bạn từ đó.
Rồi một sự tình cờ hy hữu, trong buổi họp mặt nhóm thân hữu Ngô Quyền, tôi làm quen với các bạn Tứ 2, Chu Thúy Loan nhận ra tôi, tôi thật cảm động, tôi cũng nhớ Loan, Tâm, những gương mặt thân quen…tôi tìm đến nhà thăm Loan lại phát hiện Loan là chị dâu của Nguyệt Thu. Thật quả đất tròn và xứ Biên Hòa của tôi nhỏ bé, tôi rất vui khi anh Quang chồng của Loan là anh của Nguyệt Thu vẫn nhớ tôi, anh nói sau khi tốt nghiệp anh về dạy ở trường Mỹ Nghệ và là Thầy của thằng em trai út của tôi.Lúc Loan về làm vợ anh thì Nguyệt Thu đã mất, anh kể cho tôi nghe nguyên nhân cái chết của bạn tôi: Khoảng tháng 6 năm 75, chị Hai của Nguyệt Thu bị bệnh, bác sĩ chỉ định tiếp nước biển cho chị, tiếp được nửa chai thì chị không chịu tiếp nữa, gia đình thấy bỏ nửa chai nước biển phí quá, thời đó thuốc men đắt và hiếm nên sẵn Nguyệt Thu ốm yếu bèn nhờ cô y tá trong xóm tiếp nửa chai nước biển còn lại cho Nguyệt Thu. Định mệnh thật khắc nghiệt, bạn tôi ra đi vì bị sốc nước biển.Tôi bồi hồi xúc động…tôi ngõ ý muốn đi viếng mộ bạn.
Thúy Loan sốt sắn nhận lời đưa tôi đi, bây giờ chỉ có người chị dâu tốt bụng nầy thường xuyên chăm sóc mộ phần cho bạn tôi, cám ơn Thúy Loan nhiều nha.
Chùa Đại Giác ở Cù Lao Hiệp Hòa- Biên Hòa là ngôi cổ tự nổi tiếng được sắc phong từ thời Nguyễn, bây giờ được xếp hạng di tích văn hóa Tỉnh Đồng Nai. Cách đây 2 năm cô bạn thân của tôi ở Seattle có gởi tiền về nhờ tôi chuyển cúng chùa góp phần công đức xây lại hàng rào cho chùa, lần đó tôi đến cúng chùa vô tình không biết ở nghĩa trang sau chùa có mộ bạn mình. Ngôi mộ nhỏ ẩn mình sau tòa tháp cổ, Nguyệt Thu nằm đó, thân xác bạn chắc hẳn đã hòa vào lòng đất quê hương, và linh hồn bạn cũng đã siêu thăng miền tịnh độ không còn vương vấn bụi trần… tôi buột miệng hỏi Loan: không biết khi ra đi Nguyệt Thu có người bạn trai nào đưa tiển không? Thật bất ngờ Loan kể tôi nghe ngày xưa Nguyệt Thu có người bạn học Nông Lâm Súc Bảo Lộc tên Đoàn Ngọc Quế quê ở Long An. Không biết tình cờ đọc bài viết nầy anh Quế có còn nhớ không?
Riêng tôi, cảm nhận sự vô thường trong nhân thế, cảm nhận cuộc đời sắc sắc không không. Thắp 3 nén hương cho ấm mộ bạn mình cũng ấm thêm tình bằng hữu. Mượn mấy câu thơ của Tôn Nử Hỷ Khương kết thúc bài viết nầy tặng bạn bè tôi:
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,
Tình người muôn thuở vẫn còn vương.
Chắt chiu một chút tình thương ấy,
Gởi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Tháng Giêng năm Nhâm Thìn 2012
Bùi Thi Lợi
Em nghe chi làm o truong Ky thuât vây ch'ung mình là ban dông nghiêp, chi Truong ngoc Huong , cô vo thi Nhan, thày Thông cô Tâm thu k'y , cô Tam y t'a ca'c thày Chuong, thày Lôc , ch c'o biêt tin tuc cua cô Phuong cô dieu nu công hay khg nhiêu qu'a em khg nho tên hêt v.......v.....
Thân