Melbourne: ANZAC DAY 2019
ANZAC DAY là một ngày lễ quan trọng được tổ chức hàng năm vào ngày 25/04 đánh dấu ngày mà quân đội Úc và Tân Tây Lan mở cuộc đổ bộ lên bán đảo Gallipoli (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915. Ngày nay ANZAC DAY đã trở thành ngày chiến sĩ trận vong, một ngày lễ truyền thống để tưởng niệm, vinh danh những người đã phục vụ, hy sinh mạng sống hay một phần thân thể của mình trong các cuộc chiến tranh mà quân đội Úc tham gia.
Vào ngày này, cộng đồng Người Việt Victoria tham gia lễ tưởng niệm tại 2 địa điểm – Hội CQN QLVNCH/VIC tham dự cuộc diễn hành ở tại trung tâm Melbourne, còn CĐNVTD/VIC thì tổ chức lễ tưởng niệm trước tượng đài Chiến Sĩ Úc-Việt tại Hội Quán RSL Dandenong.
Tại Hội Quán RSL Dandenong, năm nay, đây là lần thứ nhì, buổi lễ được các bạn trẻ, thành viên thuộc Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đứng ra tổ chức – Làm MC (Angela Nguyễn & Hiếu Huỳnh), hát Quốc Ca Úc (Quốc Ca Việt do Hội Phụ Nữ phụ trách), một phút mặc niệm (Vinnie & Helen), đọc diễn văn chào mừng quan khách (Jenny Đào), tế lễ (John Bùi bên cạnh ông Nguyễn Thế Phong), … đã nói lên sự dấn thân với tinh thần phục vụ và niềm hãnh diện tiếp bước cha ông của giới trẻ.
Hai MC trẻ, Angela Nguyễn & Hiếu Huỳnh, ngỏ lời chào mừng quan khách, đặc biệt là sự hiện diện của các vị Cựu Chiến Binh Úc-Việt, đồng minh cùng gia đình, và nói sơ qua về mục đích của buổi lễ – Hôm nay là buổi lễ tưởng niệm dành cho những người đã hy sinh để cho chúng ta có một cuộc sống an bình, tự do. Hôm nay là ngày tưởng niệm và vinh danh 521 chiến binh Úc cùng tất cả quân dân cán chính VNCH đã hy sinh để bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam.
Quan khách được mời lên phát biểu có cô Jenny Đào (Đại diện BCH CĐNVTD/VIC), ông John Wells (Chủ Tịch Hội Quán RSL Dandenong), ông Maurie Benson (Đại diện Hội Cựu Chiến Binh Úc, Victoria), ông Hà Thúc Diễn (Đại diện Hội CQN QLVNCH/VIC), và Anne Lê (Đại diện cho Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc và giới trẻ).
Cô Jenny Đào nói về ý nghĩa của buổi lễ (Anh & Việt) – “Chúng ta họp mặt ở đây nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những anh hùng, hào kiệt đã hy sinh cuộc sống của mình trong công cuộc phục vụ, bảo vệ đất nước. Hôm nay đánh dấu ngày đổ bộ vào vùng Gallipoli cùng với hàng trăm ngàn đồng hương. Chúng ta đến đây để tưởng niệm một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của quốc gia chúng ta đang sinh sống … Theo nhà sử học Charles Bean chữ ANZAC được diễn giải cho sự dũng cảm, mạo hiểm, tháo vác, trung thành, tình đồng đội và sức chịu đựng để không bao giờ thất bại. Những đức tính nguyên thủy của các chiến sĩ ANZAC, những người đã đổ bộ vào Gallipoli ngày 25/04/1915 cũng có thể nhìn thấy qua sự phục vụ của những người đến sau họ trong chiến tranh thế giới thứ 2, ở bên Hàn Quốc, Mã Lai, Việt Nam, trong các cuộc xung đột gần đây như Afganistan và Iraq, và trong các hoạt động gìn giữ hòa bình trên quần đảo Solomon và Đông Timor. Hôm nay cũng là ngày mà chúng ta nhớ đến những người dũng cảm chiến đấu trong những trận chiến không phải của chính họ. Những người đã giúp đỡ người khác trong công cuộc tìm kiếm tự do. Chúng ta tưởng nhớ đến 521 chiến sĩ Úc đã chiến đấu vì tự do của Miền Nam nước Việt Nam.”
Ông John Wells tỏ ra rất vinh dự chia sẻ – Quý vị tề tựu về đây không phải là cùng chúng tôi mà là một phần của chúng ta (You are all here today not with us but as part of us) … Hôm nay là một ngày rất quan trọng, nhưng không phải là một ngày để chúng ta chỉ nhớ về quá khứ mà là còn để chúng ta hướng đến tương lai, mang tất cả những gì học được về tinh thần phục vụ, sự hy sinh, lòng trung thành, dũng cảm, trách nhiệm, tình đồng đội,… đến cho các thế hệ mai sau, cho con cháu chúng ta. Ông xin nghiêng mình trước sự phục vụ và đóng đóp của cộng đồng người Việt, nhưng theo ông đúng ra đây là một cộng đồng người Úc (gốc Việt).
Ông Maurie Benson chia sẻ tâm tư của một vị cựu chiến binh – Hàng năm vào ngày nay chúng ta tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong các cuộc chiến – những người không bao giờ trở lại và những người bị thương tật, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống … Tính về dân số, nước Úc là một quốc gia tương đối nhỏ bé nhưng đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh kể từ năm 1860 và đã có trên 100 000 chiến sĩ hy sinh trên các chiến trường … Chiến tranh không phải là điều chúng ta mong muốn, ca tụng nhưng chúng ta không bao giờ quên những người đã hy sinh … Ông cảm nhận được những sự mất mát to lớn của người Việt trên một đất nước tan hoang vì chiến tranh. Là một người chiến binh đã từng chiến đấu tại Việt Nam, ông thông hiểu nổi thống khổ và sự hy sinh, liều lĩnh khi phải trốn chạy khỏi quê hương của người dân Miền Nam Việt Nam. Khi người Việt tỵ nạn bắt đầu đặt chân đến Úc, với bản tính cần cù, từ đấy đã có những câu chuyện thành công thật đáng kinh ngạc – hãy cứ thử nhìn vào sự thành công của thế hệ thứ hai (của người Việt tỵ nạn) và điển hình nhất là Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc.
Ông Hà Thúc Diễn bày tỏ cảm nghĩ – “Hôm nay là Ngày Anzac chúng ta quy tụ về đây trước tượng dài Chiến Sĩ Úc Việt để thành kính tri ân và thành tâm tưởng niệm đến các chiến sĩ QLVNCH và các chiến sĩ Hoàng Gia Úc và các lực lượng đồng minh đã anh dũng hy sinh … trên các chiến trường khốc liệt ở Miền Nam Việt Nam để bảo vệ quê hương, xứ sở của chúng ta … Có những bà mẹ người Úc Đại Lợi đầu tháng tiễn con ra phi trường để tham chiến ở Việt Nam thì cuối tháng chính những bà mẹ đó đã ra phi trường để nhận xác con về … Chỉ còn 5 ngày nửa là Ngày Quốc Hận tức là ngày 30 tháng Tư Đen, chúng ta cũng tưởng nhớ đến 58 000 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh ở tại chiến trường Việt Nam và đồng thời chúng ta cũng tưởng nhớ đến các anh em TPB VNCH, các cô nhi quả phụ đang sống đau khổ dưới chế độ độc tài CSVN … Chúng tôi tin tưởng rằng dù có 1000 năm đô hộ giặc Tàu với ý chí chống xâm lăng của nhân dân Việt Nam thì đất nước Việt Nam cũng sẽ là của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh điều đó.”
Thay mặt cho giới trẻ, Anne Lê, lưu loát cả hai ngôn ngữ Anh & Việt, đã có một bài phát biểu thật sâu sắc để vinh danh và tưởng niệm những người đã hy sinh cho đất nước Việt Nam. Anne Lê đã nói lên một điều ít ai nghĩ tới – Họ hy sinh mạng sống ngay cả cho những người họ không hề biết chỉ vì họ đã sống hết lòng cho tha nhân (Those who risked their lives for those they did not even know just because they cared enough to do something about it). Anne Lê chia sẻ – Ông tôi cũng từng là một chiến sĩ. Tôi nhớ ông luôn bỏ tất cả cho ngày ANZAC và giá nào cũng tham dự diễn hành. Ông rất kính trọng những người đã hy sinh, phục vụ cho một đất nước mà giờ đây ông gọi là nhà. Một đất nước đã cứu giúp gia đình ông có được một cuộc sống an toàn thoát khỏi chế độ hà khắc. Một đất nước đã cho ông quá nhiều và đòi hỏi quá ít. Chúng ta rất hãnh diện được gọi đất nước này là nhà (quê hương thứ hai).
Anne Lê ghi nhận lợi ích của Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc – “Nhờ học hỏi về hai nguồn gốc của mình. Tôi đã có cơ hội hiểu được tầm vóc của chiến tranh Việt Nam và sức mạnh của cộng đồng Việt Nam”, và bày tỏ tấm lòng của một người con, người cháu – “Là người Úc gốc Việt thế hệ thứ hai. Tôi xin ghi nhận lòng can đảm và sự chịu đựng của các cựu quân nhân Việt Nam đã trải qua. Những hy sinh quí vị đã phải gánh chịu để mang lại tự do. Quí vị đã chiến đấu với hết cả tấm lòng mà ngay cả các thế hệ trẻ cũng đều cảm nhận được sự hy sinh và chịu đựng ấy. Chúng con hãnh diện là con của cha mẹ tỵ nạn. Chúng con hãnh diện là cháu của người cựu chiến binh. Thay mặt những người Úc gốc Việt thế hệ thứ hai, chúng con xin cảm ơn quý cha, quý bác.”
Trong một bầu không khí thật trang nghiệm, ông Nguyễn Thế Phong cùng với người bạn trẻ John Bùi đã thành kính làm lễ tưởng niệm theo nghi thức truyền thống Việt Nam với một bài văn tế mà phần Anh ngữ đã được John Bùi kính dâng cho hương hồn các tử sĩ bằng một giọng đọc đầy cảm xúc. Tiếp theo là phần đặt vòng hoa tưởng niệm của quan khách và đồng bào.
Trong suốt buổi lễ, đội thiếu sinh quân Úc đứng nghiêm dàn chào, làm lính canh danh dự dưới các cột cờ và ở các góc của tượng đài. Hình ảnh giới trẻ của hai cộng đồng Úc-Việt cùng sát cánh bên nhau (side by side) tưởng niệm sự hy sinh của thế hệ cha ông, đã cho chúng ta thấy sự gắn bó và tinh thần huynh đệ chi binh giữa hai quân đội Úc Việt, của thế hệ đi trước, nay đã được thế hệ trẻ nối tiếp gìn giữ như là một truyền thống quý báu của Ngày ANZAC.
Sau đó, các toán cựu chiến binh, thiếu sinh quân, các cộng đồng sắc tộc, hội đoàn, đoàn thể, … tập trung đi theo đội hình, diễn hành qua một đoạn đường ngắn để đến tượng đài Pillars of Freedom của thành phố Dandenong. Lá Cờ Vàng lại có dịp tung bay cùng với những tà áo dài duyên dáng và những người lính hiên ngang trong bộ đồ trận oai hùng năm xưa, cùng đi bên nhau như hình ảnh của người anh tiền tuyến và em gái hậu phương năm nao.
Tại tượng đài Pillars of Freedom, buổi lễ chính thức được long trọng cử hành theo tinh thần và truyền thống ANZAC DAY với sự tham dự đông đảo của cư dân đia phương. Sau phần cầu nguyện, phát biểu của các quan khách là nghi thức vòng hoa tưởng niệm của các hội đoàn, đoàn thể, Hội Đồng Thành Phố Dandenong và các trường học được diễn ra trong tiếng kèn “truy điệu” (The Last Post).
Lest we forget!
Melbourne
25/04/2019
Một số hình ảnh của buổi lễ ANZAC DAY tại RSL Dandenong –https://photos.app.goo.gl/
Video clip cuộc diễn hành ANZAC DAY tại Melbourne
(Đoàn CQN QLVNCH/VIC xuất hiện vào lúc 1:20:50)
Nguồn: http://www.lyhuong.net/au/