WESTMINSTER, California (NV) – Với chủ đề “Mùa Hè Mai Nở,” buổi họp mặt các cựu Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức kỷ niệm đúng 50 năm ngày thăng cấp Thiếu Úy của 738 Chuẩn Úy, tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Bảy, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.
Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Khóa 5/72 được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đặt tên là khóa “Kiên Quyết” nhập khóa Tháng Tám, 1972, mãn khóa 30 Tháng Sáu, 1973. Ngày thăng cấp Thiếu Úy 13 Tháng Bảy, 1974, theo Quyết Định số 602/TTM/MD cho 738 Chuẩn Úy.
Cựu SVSQ Nguyễn Hữu Hạnh, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức, trưởng ban tổ chức, nói: “Trong giây phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH và Đồng Minh đã chiến đấu cho lý tưởng tự do cho miền Nam, các đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do, đặc biệt hôm nay, tưởng niệm các cựu SVSQ Khóa 5/72, các chiến hữu Nguyễn Thanh Châu, Đại Đội 54; chiến hữu Khổng Thái Sơn, Đại Đội 53; chiến hữu Bùi Duy Giỏi, Đại Đội 53; kính chúc các hynh trưởng về cõi vĩnh hằng.”
“Năm 1972, chúng tôi được lệnh tổng động viên vào Thủ Đức, sau thời gian huấn luyện, Khóa 5/72 ra trường chiến đấu và lên lon Thiếu Úy, nên có danh xưng là ‘Mùa Hè Mai Nở,’ vào Tháng Bảy, mùa Hè. Có thể nói Khóa 5/72 là tinh hoa của đất nước thời hậu chiến, tất cả đều từ các trường đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Minh Đức, Vạn Hạnh, Hòa Hảo… là chứng nhân của chiều dài lịch sử, là tương lai của đất nước. Tuổi trẻ thời ấy được trui rèn trong khói lửa chiến tranh, đi học, đi lính, ở tù, để rồi gặp lại nhau nơi xứ người hôm nay, chỉ liên lạc được với khoảng 100 email,” ông tiếp.
Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, mười bảy ngàn SVSQ nhập ngũ theo Luật Tổng Động Viên.
“Ngày hôm nay tập hợp lại nơi đây không luyến tiếc về quá khứ vinh quang, cũng không trách buồn về thân phận, mà chỉ là những chứng nhân của đất nước, gặp lại nhau qua tình đồng đội của khóa, với tình chiến hữu, nhưng tiếc là mộng ước không thành. Xin cúi đầu tạ lỗi với đồng bào miền Nam và quê hương tổ quốc, khi cựu SVSQ Khóa 5/72 còn một nửa đoạn đường chiến binh chưa hoàn tất,” ông Hạnh tiếp.
Ông hội trưởng nói: “Có thể Khóa 5/72 có rất nhiều tự hào, khi các nhạc phẩm chiến đấu được các nhạc sĩ thường lấy làm cảm hứng, như bản ‘Trả Lại Em Yêu,’ ‘Cho Người Vào Cuộc Chiến’… bao nhiêu chàng trai đã rũ áo thư sinh để khoác chiến bào lên đường chiến đấu. Như thường lệ hàng năm, các cựu SVSQ Khóa 5/72 có dịp tề tựu, gặp nhau để nhớ lại một thời tuổi trẻ đã rời môi trường đại học để khoác áo chiến y theo tiếng gọi non sông, đáp lời sông núi.”
Cựu SVSQ Nguyễn Bá Hùng với nhạc phẩm “Tombe La Neige” nhạc sĩ Phạm Duy và Hùng Lân chuyển dịch “Tuyết Rơi,” trình diễn với hai vũ công Thu Hà và Helene Bích, mở màn văn nghệ.
Buổi họp mặt cũng là dịp tâm tình chia sẻ giữa những chàng trai SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức năm xưa, những chiến sĩ của các quân binh chủng VNCH trên khắp chiến trường.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại chuyện của một chiến hữu, cựu Thiếu Úy Nguyễn Thanh Nhàn, là con trai một trong gia đình, lẽ ra anh được hoãn dịch vì “lý do gia cảnh,” nhưng anh vẫn gia nhập vào Khóa 5/72, ra trường anh về đơn vị Nhảy Dù tại chiến trường Vùng I vào Tháng Bảy, 1974, đang hồi khốc liệt.
“Có lần mẹ anh là một sư cô từ Sài Gòn ra hỏi thăm con, được Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Nhảy Dù tại Huế cho đi theo xe thiết giáp M113 đưa vào gặp, hai mẹ con ôm nhau khóc giữa chiến trường. Một hình ảnh hết sức xúc động và hào hùng trong thời chiến, nói lên tình thương con của mẹ già, và hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước, khi anh từ giã mẹ già ra đi vì lý tưởng bảo vệ quê hương. Đó cũng là hình ảnh kỷ niệm ngày vừa lên lon Thiếu Úy Nhảy Dù của anh Nhàn thuộc Đại Đội 52, Khóa 5/72, hiện đang ở San Francisco,” ông Hạnh xúc động kể.
Một thân hữu của Khóa 5/72, ông Kim Đinh, cho biết ông thuộc Khóa 2 Chiến Tranh Chính Trị, nhưng cũng phải thụ huấn tại Quân Trường Quang Trung trước, sau đó học tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị hai năm, trước khi ra đơn vị tại Phước Tuy.
“Đầu tiên tôi ở khối Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu, sau về Chi Khu Xuyên Mộc. Thời gian đó chiến sự ngay tại tiểu khu không sôi động lắm, nhưng ở chi khu bao bọc chung quanh là núi rừng, khá mất an ninh, mỗi lần có các đơn vị quân đội di chuyển về tiểu khu, đều phải có lực lượng mở đường trước. Mỗi lần về đây họp mặt, tôi rất xúc động vì tình thân hữu cùng quân trường ngày xưa, cũng là chiến hữu trên mặt trận cùng bảo vệ quê hương,” ông Kim chia sẻ.
Cựu SVSQ Nguyễn Bá Hùng, Khóa 3/72, cho hay Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Luật Tổng Động Viên ra đời, Khóa 3/72 là khóa đầu tiên bị ảnh hưởng của luật này.
“Khi chúng tôi ra trường Thủ Đức thì Hiệp Định Paris vừa ký xong, với sự tài giảm binh bị nên Khóa 3/72 được đi vào ngành nghề rất nhiều, một số qua Không Quân, phi hành hoặc không phi hành, rồi quân chủng Hải Quân, đặc biệt có một số qua ngành Cảnh Sát, được mang lon Thiếu Úy, vì phải có hai chứng chỉ luật trở lên mới được,” ông kể.
“Vào ngành Cảnh Sát, tôi làm trưởng cuộc kiêm phó xã trưởng an ninh, tuy bề ngoài vẫn là quân đội, nhưng bên trong là cảnh sát. Hôm nay về tham dự họp mặt thật cảm động vô cùng vì gặp lại bạn bè cùng khóa quân trường, đôi khi gặp lại người cùng chiến tuyến với mình, hoặc gặp lại bạn thời sinh viên cùng vào cuộc chiến, cũng như những người còn sót lại sau trận chiến,” ông tiếp.
Ông Duyên Lê, thuộc Tổng Tham Mưu, phục vụ tại Vùng I, tại Quân Khu 1 là nhiều nhất, cho hay vào trường Bộ Binh Thủ Đức đa số là sinh viên các trường đại học ít nhất qua năm thứ hai, hoặc có người đã tốt nghiệp, nên khi vào lính đều mang tâm tình và bản chất của người thư sinh trong thời chiến.
Ông kể: “Khóa 5/72 chúng tôi đặc biệt được huấn luyện trong một năm. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris ký kết, chúng tôi đã hai lần đi chiến dịch, mỗi lần hai tháng, đại đội của tôi về Kiến Phong, thuộc vùng ‘thứ dữ,’ xong chiến dịch trở về học tiếp, đến Tháng Sáu, 1973, là ra trường, tính đến nay là đúng 51 năm.”
“Sau khi tốt nghiệp, hầu hết chúng tôi đều ra chiến trường vào đủ các quân binh chủng, trực diện lửa đạn và được đặc cách thăng Thiếu Úy năm 1974. Trong chiến trường ác liệt anh em đã hy sinh rất nhiều, vì Chuẩn Úy vừa ra trường là Trung Đội Trưởng, luôn đi ở tuyến đầu, từ Quảng Trị cho đến Sóc Trăng, Bạc Liêu đều có dấu chân K5/72. Hôm nay còn sống sót và gặp lại nhau trên xứ người là điều rất may mắn, mỗi lần hội ngộ là một lần hạnh ngộ,” ông xúc động chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hiếu Liêm từ San Jose về tham dự họp mặt, cho hay có lần về nước thăm gia đình, ông ghé khu du lịch sinh thái ở miền Tây, khi đi ngang qua Cồn Phụng, tỉnh Tiền Giang, theo xuồng đi vô những con rạch nhỏ, chỉ ngửi được mùi sình lầy, ông thấy lỗ tai dựng đứng lên, vì nhớ lại ngày xưa khi hành quân băng qua những con lạch này là phải chuẩn bị hứng đạn của Việt Cộng. Cảm giác ấy luôn ở trong đầu ông cho tới bây giờ.
Ông Nghĩa Đỗ, ra trường về Địa Phương Quân Long An, thuộc trung đội viễn thám nên thường nhảy toán vào những vùng xôi đậu, đôi khi cũng đụng độ. Ông cho hay đời lính chỉ có ba năm, nhưng ông bị ở tù năm năm, nhớ nhiều nhất thời gian quân trường rất gắn bó nhau, bây giờ khi thời gian đã qua mau, họp mặt nơi đây còn gặp lại bạn cùng khóa rất vui.
Buổi họp mặt Khóa 5/72 tiếp tục sôi động với phần văn nghệ hết mình của những “cây nhà lá vườn,” trong các màn đơn ca, song ca, hợp ca, nhạc cảnh, do ban văn nghệ Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức và các đơn vị bạn đóng góp. [qd]
VĂN LAN