Giải Độc về Chiến Tranh Việt Nam
Đỗ Văn Phúc tường trình đặc biệt từ Richmond, Virginia
Đây là thành phố Richmond, thủ phủ của Tiểu bang Virgina nằm ở miền Đông bắc Hoa Kỳ, nơi ngày 10 tháng 8, 2017 đã diễn ra buổi tọa đàm về Chiến tranh Việt Nam do Đài truyền hình WCVE và dài truyền thanh WHTJ thuộc hệ thống đài chính PBS tổ chức.
Chúng tôi từ Austin, mang sứ mạng đem tiếng nói trung thực của một người lính Việt Nam Công Hoà đóng góp vào công tác giải toả những thắc mắc mà người dân Hoa Kỳ còn mơ hồ về một sự thật sau hơn 42 năm bị các truyền thông khuynh tả Mỹ bóp méo, xuyên tạc.
Sau hơn 10 năm vừa chuẩn bị, vừa thực hiện, ông Ken Burns và bà Lynn Novick sẽ trình chiếu trên hệ thống PBS một bộ phim 10 tập, dài 18 tiếng về Chiến Tranh Việt Nam, với nhiều tài liệu mà theo nhà làm phim cho hay là các khám phá mới từ những nguồn tin khác nhau; trong đó có cả những phần phỏng vấn khoảng 100 người chứng mà đa số là cựu chiến binh của các bên tham chiến. Bộ phim này sẽ được chiếu bắt đầu từ giữa tháng 9 trên đài PBS và các đài chi nhánh ở địa phương. Xin nhắc lại là hai vị làm phim đều thuộc khuynh hướng phản chiến.
Đài truyền hình WCVE tại Richmond đã phối hợp cùng Phân Khoa Báo Chí thuộc trường Đại học Richmond tổ chức một buổi toạ đàm gọi là “Vietnam, Virginia Remember” tại thính phòng của Trung Tâm Paul and Phyllis Galanti Education Center trong quần thể Virginia War Memorial lúc 6:30 chiều ngày 10 tháng 8, 2017. Buổi toạ đàm có 4 nhân vật có liên quan đến chiến tranh Việt Nam, mở cho một số cử toạ giới hạn, đuợc thu hình, thu thanh để phát trên đài truyền hình WCVE và đài phát thanh WHTJ. Chương trình có 30 phút dành cho 4 tham luận viên và 30 phút sau dành cho cử tọa đặt câu hỏi. Mục đích của chương trình là nhằm giáo dục quần chúng về chiến tranh Việt Nam do những đóng góp của những người từng có kinh nghiệm về cuộc chiến ớ các góc độ khác nhau.
Người tổ chức là bà Katherine Mitchell, Phó Chủ Tịch của Community Engagement của đài WCVE. Người điều hợp buổi toạ đàm là Giáo Sư William Hodierne, một phóng viên từng có mặt ở chiến trường trên 2 năm và đang là Khoa Trưởng Khoa Báo Chí thuộc Đại học Richmond. Bốn vị được mời vào buổi toạ đàm là cựu Đại úy William Haneke, tốt nghiệp trường Võ bị West Point năm 1966, phục vụ tại Việt Nam và đã bị cụt mất hai chân trong một trận chiến ác liệt; bà Mary Tonia Golden, một nữ y tá Lục quân, phục vụ tại các bệnh viện quân đội Mỹ ở ở Việt Nam trong 1 năm; cựu Đại úy Đỗ Văn Phúc, một sĩ quan Bộ binh VNCH; cuối cùng là ông Paul Fleisher, một người thuộc nhóm phản chiến.
Chương trình đã được sự đóng góp tích cực của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Central VA do ông Châu Chương Thành làm Chủ tịch. Bản thân ông Thành cũng là một cựu sinh viên sĩ quan từ trường võ bị nổi tiếng Virginia Military Institute (VMI), là nơi đã đào tạo Chuẩn Tướng Châu LậpThế, một trong hai Tướng Lãnh đầu tiên người Mỹ gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ.
Trong 30 phút của phần đầu, Giáo sư Hodierne lần lượt đặt các câu hỏi để các tham dự viên trình bày quan điểm và kinh nghiệm của mình trong chiến tranh. Ông Phúc, ngoài việc trình bày sự khủng bố của Việt Cộng là lý do ông tình nguyện vào quân đội, kinh nghiệm chiến đấu, còn có dịp nói lên thực trạng trong nhà tù Cộng Sản mà thế giới nghe qua với mỹ danh trại Cải tạo. Bà Golden cũng nói thêm về tình cảm mà dân chúng Việt Nam đã dành cho bà khi bà trở lại Việt Nam gần đây. Ông Haneke thì nói về kinh nghiệm chiến đấu của mình và những người lính Địa Phương Quân mà ông là cố vấn đã chiến đấu can trường, gian khổ ra sao. Về phía ông Paul Fleisher, là người cổ động phản chiến thì cho rằng ông ta chống lại việc Hoa Kỳ tham chiến là vì ông không muốn một nước lớn này đem áp đặt chủ nghĩa của mình lên một nước nhỏ xa cách nửa vòng trái đất.
Khi bắt đầu phần 30 phút dành cho cử tọa, ông Nguyễn Văn Tần, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, đã chất vấn ông Fleisher tại sao ông yêu thương nuớc Việt Nam Cộng Sản đến độ mang chiếc cà vạt có in cờ đỏ sao vàng. Fleisher cho biết ông đuợc người ta tặng cà vạt và không biết nó biểu tượng nền đỏ sao vàng đó là cờ của Việt Cộng (ông ta nói “I have no idea!”). Lời giài thích này đã bị ông Châu Chương Thành bẻ ngay rằng ông Fleisher đã tự mâu thuẫn với chính mình, và việc ông mang cà vạt màu cờ VC là sự xúc phạm đối với những người chống Cộng cũng như đó là sự phản bội đối với anh linh 58 ngàn quân nhân Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Ông Thành mỉa mai ông Fleisher tự nhận mình là một nhà giáo dục, nhưng lại nói ông ta không biết về lá cờ VC. Sau lời phân tích cứng cáp của ông Thành, ông Fleisher đã tự tháo chiếc cà vạt trước mặt cử tọa! Cũng trong dịp này, ông Thành nói lên chính nghĩa của phiá Việt Nam Cộng Hoà. Chúng tôi cũng đã có vài lời giải thích cho ông Fleisher rằng dân chúng Hoa Kỳ được an toàn, sống cuộc đời hạnh là nhờ sự hy sinh của các chiến sĩ chặn đánh kẻ thù từ bên ngoài biên giới không để cho chúng có cơ hội đến gần. Một cựu chiến binh Mỹ, ông David Preston cũng đồng ý và lên tiếng yêu cầu phải ủng hộ những người lính khi họ chiến đấu cho chúng ta được an toàn, và tận hưởng tự do.
Một trong những câu hỏi của cử toạ là tâm trạng các gia đình chiến sĩ ra sao trong khi có người thân ra chiến trường. Trong câu hỏi cuối cùng dành cho ông Phúc: Nói trong 1, 2 chữ thôi, về nhận thức chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ; ông Phúc đã dùng chữ Misunderstanding, misinformation, và misrepresentation. Đó là do các hành pháp Mỹ không hiểu biết về dân tộc, văn hoá Việt Nam, không có chiến lược lâu dài, nhất quán; rồi sự bóp méo thông tin và đầu dộc dư luận Mỹ mà thủ phạm là truyền thông Hoa Kỳ mà đã làm hỏng cuộc chiến Việt Nam.
Quan Chau, Một cháu thanh niên Mỹ gốc Việt 18 tuổi, mới rời Trung Học cũng hỏi ông phản chiến Fleisher câu hỏi hóc búa rằng ông có những thân nhân nào phục vụ trong quân đội không, và ông cảm nhận thế nào? Ông ta lúng túng trả lời vòng vo để né tránh.
Sau hơn một giờ sôi nổi hào hứng với nhiều cảm xúc trong cử toạ khi hiểu biết thêm từ những nhân chứng, tiếp theo buổi tọa đàm là phần tiếp xúc riêng tại phòng bên ngoài để những vị nào còn muốn hỏi thêm các tham luận viên. Chúng tôi nhận được nhiều lời khen ngợi và cảm ơn nồng nhiệt.
Đặc biệt, chúng tôi gặp gỡ trò chuyện cùng ông Paul Galanti, là người phi công Hoa Kỳ từng bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội và bị giam giữ ở Hoả Lò trong gần 6 năm. Tên ông và bà vợ đã được dùng đặt cho toà nhà chính của Trung Tâm Giáo Dục tại Virginia War Memorial, nơi đang diễn ra cuộc toạ đàm. Bà vợ ông, Phyllis có công lớn nhất trong việc vận động chính phủ Hoa Kỳ để đòi Bắc Việt thả các tù binh Hoa Kỳ.
Chúng tôi quan niệm rằng hể có dịp nào đem đuợc tiếng nói của người Việt Quốc Gia đến quần chúng Hoa Kỳ, chúng tôi phải tích cực tham gia vì không thể để sân chơi độc quyền cho những người khuynh tả, phản chiến. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã có mặt nhiều nơi bất luận các cuộc hội thảo, sinh hoạt do từ phía nào tổ chức.
Lần này, ở Richmond, có thể nói chúng ta đã thành công trong việc tranh thủ dư luận. Chương trình buổi toạ đàm sẽ được chiếu ngay kèm theo cuốn phim của Ken Burns sẽ là một đòn phản công nếu như trong cuốn phim 10 tập của ông ta còn những hiểu lầm sai trái về cuộc chiến tranh.
Hình từ trái sang phải,trên xuống dưới :
Tấm bích chương có ảnh các tham dự viên chụp vào thời điểm Chiến Tranh Việt Nam
Cử toạ trong thính phòng VMI
Cựu Đại Úy William Haneke, ông Châu Chương Thành và ông Đỗ Văn Phúc.
Bà Katherine Mitchell, Giáo Sư Robert Hodierne và ông Phúc.
Ông Phúc và Ông Nguyễn Văn Tần và Đỗ Văn Phúc