MONG NGÀY NẮNG LÊN - PHẦN KẾT
Trước khi rời nhà thầy Nguyễn Xuân Hoàng, dù đã một lần cáo từ tôi cũng bước vội vào phòng chào thầy một lần nữa, được nhìn đôi mắt của Thầy lay động theo cơn đau. Nam Bắc Cali cách ngăn nửa ngày đường qua những cánh đồng, những dãy núi cao, những đoàn xe vẫn nối đuôi liên tục theo hai ngã đi về, một tia nắng chợt hiện lên tận cuối chân trời…
Hình như đã đến lúc càng gặp lại người thân quen trong một thời điểm tuổi già réo gọi. Một người bạn học, người bạn tù của một thời khốn khó. Tôi dự định cùng người bạn Ngô Quyền đến từ một nơi xa sẽ lấy chuyến đi vài ngày qua Texas thăm Thầy Trần Phiên. Thầy Phiên tuy rằng vẫn còn mạnh giỏi, yêu đời nữa là khác, nhưng chúng tôi muốn nhân dịp đến thăm Thầy vì giữa Thầy Phiên và chúng tôi có nhiều kỷ niệm, thầy và trò gặp nhau trong những ngày khốn khó. Nhưng cuối cùng không thực hiện được, khi hay tin người anh, người bạn đầy nghĩa tình cùng nhóm với chúng tôi, sức khỏe không tốt rồi và cũng phải đối diện với “xạ trị”, anh xuống tinh thần quá đổi, nên bạn tôi cần ở cạnh bên anh để ủi an như đã từng đến với nhau trên con đường tre nứa ngút ngàn, Bù Loi một địa danh không dấu chân người đến. Đến thăm anh tôi kể về Thầy Hoàng với niềm hy vọng được bác sĩ tiếp tục xạ trị, cũng như trường hợp Võ Đình đã vượt qua cơn hiểm nguy còn ôm đàn cùng hợp ca “Hành Khúc Người Việt Nam Xa Xứ'', mọi việc đều có sự an bài, chỉ cầu nguyện ơn trên. Chúng tôi tìm lại nụ cười gượng của anh, khi nhìn chúng tôi trút cạn cay nồng.
Tình bạn Ngô Quyển là ở đây…
Ôi năm tháng trong trại tù Phú Lợi
Gặp Bạn hiền ta vẫn rượu nồng say
Cùng uống rượu mà lòng cay hơn rượu
Vùng tương lai mờ mịt cả đêm ngày
Một buổi sáng sớm chủ nhật hình như mọi người San Jose vẫn còn đang say ngủ, tôi cùng đàn anh và đàn em Ngô Quyền anh Lê văn Tới và Nguyễn Trần Diệu Hương gặp gỡ trong quán Phở thuộc thành phố Milpitas êm đềm. Tình cảm đồng môn như chứa sẵn trong tim, chuyện Thầy Cô, chuyện bạn bè, luôn cả kỷ niệm thời ấu thơ. Chắc có lẽ thiếu anh Trương Kiến Xương và anh Phan Kim Phẩm nên anh Lê văn Tới có dịp thao thao bất tuyệt.
Cũng giọng cười, cũng tiếng nói đó anh đã trải lòng và trút bầu tâm sự với chúng tôi. Một học sinh nhà nghèo để được tiếp tục đến trường cũng đánh đổi bằng nước mắt. Những mối tình học trò thời thơ dại với cô em hàng xóm, người em Tân Triều với những cánh thư vượt đại dương, hỏi rằng người phi công có ước mơ gì trong chuyến bay. Để rồi không đến được chỉ vì em không dám dấn thân và phiêu lưu, chung cuộc chỉ một lời cám ơn em, cám ơn với kỷ niệm tình rất đẹp…
“Hai vì sao lạc” Nguyễn Thành Long người bạn cùng khóa 8 và cùng lớp, tươi cười nói với tôi và Nguyễn Thành Út. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và tôi đành bỏ lỡ chuyến xe đò Hoàng chiều nay. Làm sao bỏ được với những chiến hữu Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 18 cùng với tôi có một thời trai trẻ, một thời “Cư An Tư Nguy” với những tháng ngày đỏ lửa để cùng ”Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh theo tiếng gọi lên đường”. Nhìn lại chúng tôi đã qua 60 rồi, còn hiện hữu trên đời đã là một diễm phúc, biết bao bạn bè cùng thời đã bỏ mình trên khắp 4 vùng chiến thuật và còn nữa với những đồng đội những tấm thân không còn lành lặn. Chiến tranh hay chúng tôi đã sinh lầm thế kỷ. Từ ngoài sân sau của ngôi nhà trên đồi cao, không khí lạnh vẫn vây quanh trầm lắng và êm dịu cách lạ thường với tiếng đàn guitar của Út, tiếng hát của người em Lưu Bích.
Bích sinh ra vào Tết Mậu Thân qua Mỹ tiếng mẹ đẻ không rành, nhưng em lại thích hát những bài ca của lính một thoáng phôi pha, cho người nắm xuống và một mai giả từ vũ khí. Những kỷ niệm tưởng đã vùi chôn chợt hiện về, Thạch Hãn, Thuận Đức và trận chiến cuối cùng Xuân Lộc. Út, Kiệt, Đức đã là những nhân chứng sống. Long khui chai bia để nhẹ trên bàn, mời người bạn Cao Xuân Huy về cùng uống, vì nơi đây Cao Xuân Huy đã từng say, từng gục ngã. Tiếng đàn của Út, tiếng hát của Bích như quyện vào sương trắng. Và hình như chúng tôi đã say…
Sống chết của một thời đã qua, bệnh tật chờ đến trong tương lai cho một kiếp người. Hình ảnh của một người Thầy, một người anh và những người bạn không còn cơ may gặp mặt, đã vẫn đục theo giòng suy nghĩ. Nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi, để biết cảm nhận nỗi đau của tha nhân. Dù biết rằng vui mừng có giới hạn nhưng đau khổ vô bờ bến. Ước chi… ước chi… sương đã tan và nắng đã lên ở cuối đường.
Nguyễn Hữu Hạnh

