Bs Trần-Nguơn-Phiêu sinh năm 1927 tại Gia-định. Lúc trẻ, thường sinh-sống ở hai
nơi, quê nội Cao-lãnh (Sa-đéc) và quê ngoại Biên-hoà. Năm 1945, Hoàng-đế Bảo-Đại
tuyên-bố đất-nước độc-lập chưa được nửa năm thì hai sự-việc lớn xảy ra cho nước
ta trong vòng một vài tháng: trong nam, tháng ba, Phong-trào Thanh-niên tiền-phong
vô-cùng sôi-động lôi-cuốn quần-chúng thanh-niên thanh-nữ sau tham-dự
vào cuộc Nam-kỳ Kháng-chiến. Chàng thanh-niên họ Trần đã tham-gia như
các thanh-niên yêu nước cùng thời. Ngoài bắc, tháng 9, lập nền Cộng-hòa. Chẳng
bao lâu, Thanh-niên tiền-phong phân-tán: một nhóm theo VM, nhóm không theo bị
tàn-sát. Chàng Trần tưởng là Pháp giết hại nhưng được chỉ cho biết là chính Việt-minh,
nhóm Tự-vệ-cuộc cuả Dương-Bạch-Mai, đã làm việc này. Cuộc nội-chiến quốc-cộng
đã xảy ra từ lâu, trước các vụ đánh nhau thực-sự vào giữa năm 1946, lâu trước
năm 1954 và 1975!
Chàng trai họ Trần đã trở lại với sách-vở học-đường, theo học ngành y tại trường
Hải-quân Bordeaux, về nước phục-vụ rồi trở thành Y-sỹ-trưởng Hải-quân. Các đồng-nghiệp
bên Hải-quân đền biết dấu-ấn của anh Phiêu để lại trong ngành. Riêng tôi bên
dân y, vì có một thời chịu một phần trách-nhiệm trong việc yểm-trợ y-tế
nông-thôn, đã thấy tận mắt, dấu-ấn anh để lại trong ngành y-tế. Khi tôi thăm-viếng
hệ-thống y-tế nông-thôn ven biển, đã được thấy những cơ-sở tuy đơn-sơ nhưng rất
hữu-hiệu mà quân-y hải-quân đã thiết-lập hay đã yểm-trợ cho các cơ-sở cơ-hữu của
bộ y-tế: đó chính là những công-tác quân-y dân-sự-vụ của bên hải-quân trong
sáng-kiến và dưới sự chỉ-dẫn điều-hành của Bs Phiêu.
Các năm 65-70, Bs Phiêu tham-chính làm tổng-trưởng xã-hội. Bên ngoài chính-phủ,
những năm 1970 ở Việt-Nam, Bs Phiêu đã lãnh-đạo Y-sỹ-đoàn. Sau này, ở Hoa-kỳ,
anh cũng lại ở trong vai-trò lãnh-đạo với trách-nhiệm chủ-tịch Hội-đồng Quản-trị
Hội Y-sỹ Việt-Nam tại Hoa-kỳ.
Bs Phiêu cũng viết sách, viết báo và hoạt-động chung với Việt-Nam Center ở
Lubbock, muốn ghi lại, để lại cho người đời và các thế-hệ sau, những gì anh hiểu
và biết về nước ta, về dân ta và về cuộc tranh-đấu không ngừng trong 2/3 thế-kỷ
qua, từ ngày Hoàng-đế Bảo-Đại tuyên-bố độc-lập tháng 3 năm 1945 cho tới ngày
hôm nay, 11 tháng 6 năm 2011. Cuộc tranh-đấu cho tự-do, cho nhân-quyền, cho sự
sống-còn của quê-hương xứ-sỏ vẫn còn tiếp-tục.
Hôm nay ở tuổi 85, Bs Phiêu có thể hãnh-diện mà nhận sự vinh-danh của các hội-đoàn
và thân-hữu vì anh đã hiến cả một đời tận-tụy để phục-vu dân ta, phục-vụ y-khoa
và phục-vụ quê-hương xứ-sở.
Bên cạnh con người tận-tụy đó, còn có một bóng hồng luôn-luôn chia-sẻ lý-tưởng
và giúp-đỡ chồng con trong mọi hoàn-cảnh. Một thí-dụ nhỏ mà tiêu-biểu: tháng 4
năm 75, khi anh Phiêu được phương-tiện di-tản, chị Phiêu không nỡ bỏ sinh-viên
trước ngày thi cuối năm mà chị cũng không muốn chồng gặp nạn như những thủ-lãnh
Nam-kỳ Kháng-chiến ngày trước. Chị đã bắt chước một nhân-vật tiểu-thuyết thúc-dục
anh ra đi mà nói: “
Anh phải sống”. Chị đã trả giá tấm lòng hy-sinh cho
sinh-viên và quyết-tâm bảo-vệ người chồng bằng sáu năm mười hai ngày sống cùng
đồng-bào miền Nam trong nỗi đau-khổ chung của dân bại-trận bị đoàn quân chiếm-đóng
kìm-kẹp.
Sau này, khi được đoàn-tụ cùng gia-đình, chị lại giúp anh làm việc ông-cò, dò từng
chữ, kiểm từng câu để tìm nhặt những hạt sạn còn có thể sót trong bản thảo bài
anh viết. Vợ này chồng ấy, thưa quý-vị, họ
tát bể Đông cũng cạn