Tấm vé số ở VN và 'sự vô cảm'
Theo báo cáo hoạt động ba tháng đầu năm 2013 của 21 tỉnh, thành Nam Bộ, các công ty xổ số nộp ngân sách trên 5.100 tỷ đồng cùng với tăng trưởng rất khả quan.
Có công ty đã được giải
thưởng Nhân Ái Việt Nam, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ tặng bằng khen và Chủ tịch
nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Nhưng đó là bề nổi, còn mặt trái thì sao?
Doanh số phát hành hầu
hết các công ty xổ số kiến thiết chính là nhờ lực lượng lao động trẻ em, người
già và những người tàn tật thông qua các đại lý đi bán lẻ khắp nơi, từ thôn quê
đến thành phố, từ quán ăn quán nước đến bến phà bến xe… không kể ngày hay đêm.
Tỷ lệ tiêu thụ vé số gặt hái nhiều thành công đa số chính là nhờ khơi dậy tấm lòng thương cảm của người Việt, thậm chí nhiều người muốn mua sự bình yên hơn là thật sự mong chờ vận may.
Ngoài ra cũng có một số người mua vé số để mong hy vọng đổi đời nhưng không nhiều.
Dễ dàng nhìn thấy một người khỏe mạnh đẩy một người tàn tật trên chiếc xe lăn tay cầm xấp vé số mời mọc miệt mài.
Nhiều em bé đầu đội trời, chân đạp đất đi khắp phố phường, ghé mọi nơi có thể với nắm vé số trên tay.
Người phụ nữ bồng đứa
con còn đang đỏ hỏn, tay cầm nón che nắng cho con, tay chào mời mua vé số.
Người mù, người già, tay cầm chiếc gậy tay kia cầm xấp vé số thều thào mời gọi.
Ngồi trong quán ăn, quán nước, công viên, bến phà… không dưới vài lần khách được mời mua vé số, dù tìm lời thật ý tứ để từ chối nhưng với những lời nỉ non quá dài, quá dai, quá thảm của họ thì kết quả khách cũng không nỡ chối từ.
Thậm chí một số người còn tự tạo cho mình hoặc trẻ em dẫn dắt theo, những thương tích, băng bó để gợi lòng thương hại mọi người không ngoài mục đích tăng “huê hồng” từ số lượng tiêu thụ vé số.
Trách nhiệm
Trên mạng cộng đồng, báo chí Việt nam không ít lần đề cập đến bao nỗi khổ từ hệ lụy bán vé số.
Trẻ em bị ép buộc, đánh
đập, người già, người mù lang thang, người lợi dụng trẻ tàn tật, bé gái bị hiếp
dâm, bị cướp vé số cũng chỉ dừng ở mức độ chia sẻ chứ không đề cập đến nguyên
nhân và trách nhiệm từ đâu.
Trách nhiệm đầu tiên, cao nhất chính là từ các công ty phát hành vé số kiến thiết trên cả nước, sản phẩm của họ được tiêu thụ đến người tiêu dùng dưới nhiều hình thức.
Họ quá hiểu luật pháp về quy định sử dụng lao động, họ biết rõ đối tượng nào đang là nguồn lao động chủ yếu phục vụ cho doanh thu.
Họ chạy theo lợi nhuận,
thành tích, chối phủi trách nhiệm pháp luật với cộng đồng, lách luật một cách
rất hồn nhiên. Cho dù cuộc chơi này chính họ là người chọn quyền quy định, ràng
buộc và áp đặt.
Các cơ quan hành pháp
đã và đang vô tình hay cố ý làm ngơ vi phạm của các công ty xổ số kiến thiết
trước sáu mươi điều “ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, Luật lao động?
Chưa kể các điều ước quốc tế về Luật Nhân quyền.
Thực tế với hoàn cảnh đa số người nghèo ở Việt nam, trẻ em bị cha mẹ buộc hành nghề bán vé số lại có ý nghĩa thiết thực đến cuộc sống hàng ngày và kinh tế gia đình hơn là dành thời gian đi học dài hơi.
Người già, trẻ tàn tật tham gia bán vé số cũng ít nhiều giảm gánh nặng cho gia đình hoặc để tồn tại, không kể các trường hợp chăn dắt.
Đã đến lúc phải chọn
tôn ti trật tự, thượng tôn pháp luật hay thành tích, lợi nhuận nộp ngân sách,
hay lợi ích cá nhân dựa vào gia cảnh của người nghèo, trẻ em bất hạnh, người
khuyết tật, người già neo đơn.
Chính phủ cần phải quan
tâm cụ thể hơn nữa về quỹ phúc lợi, cơ sở hạ tầng dành cho người già, trẻ em,
người khuyết tật. Có biện pháp cứng rắn về các tổ chức, cá nhân lợi dụng, sử
dụng lao động trực tiếp các đối tượng trên.
Phải chấm dứt việc lạm dụng lòng đồng cảm của cộng đồng vô tình góp phần làm tăng thêm sự vô cảm đối với xã hội. Đừng biến sự vô cảm thành tội ác.
Nên chăng phải in câu “Người tiêu thụ vé số
kiến thiết từ trẻ em, người già, người tàn tật là tiếp tay với vi phạm pháp
luật” trên từng tờ vé số kiến thiết giống như quy định cảnh báo về sức khỏe in
ở bao thuốc lá.
Hồng Hạnh