Hãy nói thật với dân mọi điều liên quan đến vận mệnh dân tộc
Gần đây, qua phát ngôn của vị thủ tướng và một vài quan chức khác của chính phủ, dư luận rộng rãi mới biết được những sự thật “động trời” về biển đảo. Dù trước đó thực ra người ta đã biết nhiều điều, nhưng những thông báo chính thức vẫn là “động trời”, bởi nó khẳng định một sự cố công che giấu kéo dài mấy chục năm trời – sự che giấu vô cùng tai hại cho vận mệnh dân tộc.
Mặc dù Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm gọn từ 19 tháng 1 năm 1974, nhưng hệ thống tuyên truyền của “nhà nước đảng” vẫn nói về Hoàng Sa như một huyện đảo vẫn đang nằm trong hệ thống các quận huyện thuộc quyền quản lý của nhà nước ta. Hàng năm, người ta vẫn tổ chức những hoạt động nhằm gây ấn tượng rằng Hoàng Sa vẫn còn, chiến sỹ Hoàng Sa vẫn đang ngày đêm bảo vệ quần đảo này cho Tổ Quốc. (Nhưng những ai để ý thì thấy có những chuyến đi thăm và mang quà cho bộ đội Trường Sa mà không bao giờ có việc đó đối với “bộ đội Hoàng Sa”.) Để cho giống y như thật, người ta còn cử ra cả chủ tịch và các ban bệ của huyện Hoàng Sa. (Bây giờ thì người ta có thể bao biện rằng đó là để thể hiện quyết tâm lấy lại Hoàng Sa, nhưng người ngoài nhìn vào sẽ thấy việc đó thật thảm hại.)
Mãi đến cuối tháng 11 năm 2011, thủ tướng chính phủ mới chính thức thông báo trước quốc hội rằng Hoàng Sa đã bị TQ dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974!
Vì sao người ta phải bưng bít một sự thật tày trời như vậy? Không có câu trả lời nào khác, ngoài khẳng định rằng “họ” đã làm như vậy để khỏi lộ ra bộ mặt của giới cầm quyền Đại Hán. Nếu dân chúng thấy rõ bộ mặt gớm ghiếc đó thì sẽ khó biện hộ cho việc “thắt chặt” tình “hữu nghị” giữa hai nước, hay đúng hơn là giữa hai “nhà nước đảng”.
Sự thật động trời thứ hai là sự tồn tại của một bức “công thư” hay “công hàm”, mà thường được gọi tắt là “công hàm Phạm Văn Đồng”, thừa nhận tuyên bố lãnh hải của chính phủ TQ. Do tình thế bức bách, người ta buộc phải nói đến nó, sau bao nhiêu năm coi những kẻ nói về “công hàm Phạm Văn Đồng” như những kẻ chống phá nhà nước, là “các thế lực thù địch”. Cũng do bức bách, cuối cùng thì chính phủ cũng phải cho người tuyên bố chính thức rằng “công thư Phạm Văn Đồng” không có giá trị pháp lý liên quan đến Hoàng Sa.
Phải thừa nhận đây là một quyết định dũng cảm, nếu hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay vẫn còn có những thế lực mạnh không muốn có những tuyên bố đó. Một điều khác cũng cần thừa nhận là, mặc dù “công hàm” không đả động đến Hoàng Sa, nhưng nó cũng đã gây khó cho cuộc đấu tranh của VN để bảo vệ chủ quyền lãnh hải, tạo thêm cớ cho kẻ xâm lược chiếm đóng quần đảo này.
Ngoài hai sự thật “động trời” nói trên, vẫn còn những sự thật “động trời” khác cần được công bố để toàn dân biết. Xin nêu vài ví dụ.
Một là nội dung và các văn kiện của cái gọi là “hội nghị Thành Đô” diễn ra giữa đoàn lãnh đạo cao cấp của VN do ông TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu, có sự tham gia của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, và đoàn lãnh đạo cao cấp của TQ do TBT-CTN Giang Trạch Dân dẫn đầu, tại thủ phủ Tứ Xuyên tháng 9 năm 1990 – một hội nghị làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ Việt-Trung vốn có từ thời TBT Lê Duẩn. Công khai được việc này sẽ cho dân thấy điều gì đã làm cho lãnh đạo VN trong bao năm vừa “khó ăn khó nói” với dân, vừa “khó ăn khó nói” với người Tàu.
Hai là: Những ai là người trong bao năm chủ trương đàn áp biểu tình chống sự gây hấn của TQ? Những ai đã ra lệnh dập tắt biểu tình hôm chủ nhật 18-5 vừa qua? Và những ai không muốn có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối việc TQ xâm phạm lãnh hải VN, bức hại ngư dân và các lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển VN? Những ai muốn trì hoãn việc tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện TQ gây hấn?
Ba là: Ai là những người đến giờ vẫn cố tình cản trở việc soạn thảo luật biểu tình?
Những sự thật này cuối cùng thì cũng sẽ được biết đến và được ghi vào lịch sử. Nhưng càng giữ chúng trong màn đen của sự bưng bít thì càng gây khó khăn cho tiến trình phát triển của đất nước, càng đắc tội với hiện tại và các thế hệ tương lai.
Chúng tôi, những người dân bình thường, đang ngày đêm mong chờ có ai đó đứng ra trả lời những câu hỏi trên, như đã nêu ra sự thật về Hoàng Sa.
NGUYỄN TRẦN SÂM
(daohieu.wordpress)