10:26 CH
Thứ Sáu
26
Tháng Tư
2024

Còn một chỗ để trở về - Thích Nguyên Hạnh

14 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 18116)

Còn một chỗ để trở về

Tôi bỏ mẹ mà đi tu từ khi mới vừa học xong mẫu giáo. Ngày đó tôi không còn hình dung ra thế nào. Chỉ còn chút ám ảnh mơ hồ là giọt nước mắt lấp lánh trên khuôn mặt nặng buồn của mẹ; là tiếng mẹ tôi – mà sau này nghĩ lại, tôi mới nghe được hết cái nghẹn ngào tủi hờn trong đó – “Thôi, đi đi. Đi ở với người ta cho sướng. Ở với mẹ khổ quá mà!”

 Còn lấy chút ám ảnh mơ hồ này là vì, những gì đó đã đọng lại trong trái tim thơ dại của tôi, đã hiện lên và vang động trong những đêm đầu tiên, tôi nằm một thân một mình như đứa trẻ mồ côi dưới mái Ngôi Chùa nhỏ ở một quận lỵ trên miền cao nguyên lạnh lẽo, xa vời, cách biệt. Đứa bé là tôi đó đã khóc với nỗi cô độc đầu đời của mình, lặng lẽ trong nhiều đêm lạnh với giọt nước mắt mẹ, với khuôn mặt mẹ buồn, với tiếng nói như xa như gần của mẹ trong cái buổi sáng mẹ tôi đưa tôi đi tu.


 Rồi cũng thôi, tôi không khóc nữa để còn cắp sách đến trường, để sớm chiều còn lo học kinh kệ. Nhưng những đêm đầu tiên đó cũng đã đủ cho tôi giữ chặt trong lòng để khi nào nghĩ đến cũng mường tượng ra, dù mơ hồ, cái hình ảnh xa vời của ngày tôi bỏ mẹ mà đi tu. Cuộc chiến tranh 1947-1954 trên quê nghèo xơ xác từ bao đời đã làm cho cửa nhà cha mẹ tôi tan nát mấy bận. Cơm không đủ ăn, phải sắn khoai đắp đổi qua ngày.


 Một chiều đông, sau cơn lụt tháng mười gạo thóc để dành cho những ngày rét mướt bị hư hao, cả nhà ngồi quanh cái mâm … không cơm, mẹ phán “từ rày, mỗi bữa mỗi đứa chỉ được một chén cơm lưng thôi.” Đứa bé là tôi không hiểu nỗi cơ hàn vây bủa đang đè nặng trong lòng mẹ thế nào, đã ấm ức và gan lì chấp nhận, tự hẹn sẽ không bao giờ ăn chén cơm thứ hai nào nữa. Để rồi, mặc cho mẹ buồn, mẹ giận, mẹ năn nỉ, đứa bé là tôi cũng nhất định sống với cái “khẩu quyết” một bữa một chén dễ chừng đến cả mấy tháng về sau, ngay cả khi cơm gạo đã có đủ cho cả nhà tạm no bụng. Mùa đông nơi quê tôi lạnh rét đến như cắt da cắt thịt.


 Hình ảnh mẹ trong những đêm đông mưa gió mới thật là não lòng. Dưới mái nhà tranh rách nát vì bom đạn chưa được sửa chữa, lờ mờ bóng mẹ ngồi co ro nơi một góc nhà ướt đẫm, lặng nhìn mấy anh chị em chúng tôi cuốn tròn trong những manh chiếu rách hay tấm vải bố tả tơi nơi một góc nhà còn khô ráo. Có lẽ, đây là hình ảnh gây ấn tượng sâu nhất nơi tôi; đến nỗi trong suốt gần nửa thế kỷ trôi qua, hễ cứ nhìn thấy mưa gió ở đâu trên mặt đất này là lòng tôi cũng chùng xuống với cái hình ảnh đã trở thành kinh nghiệm đầu đời gắn liền với thịt da mình “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn…” để cho nỗi thương thân mình thì ít mà nỗi thương thân mẹ thì nhiều. Thân mẹ tôi đó. Cả một đời còm cõi dưới sức nặng của cuộc sống đầy những tai trời, ách nước, họa người. tôi không có nhiều năm tháng sống với mẹ để có thể hiểu được sức chịu đựng của mẹ như thế nào.


 Lại đi tu ở những miền xa hun hút, không thư từ liên lạc, không một kẻ đồng hương lai vãng trong suốt nhiều năm trời. Chỉ còn chừng đó kỷ niệm về mẹ của cái thời tôi mới lên 5, lên 6 trong cảnh nghèo da diết với đói, với lạnh và với mẹ. Nhưng chính vì chỉ có chừng đó mà kỷ niệm thành mạnh, thành sâu, thành đáng trân trọng hơn cả món quà hiếm hoi nào của đời sống này cho tôi. Mãi đến năm 1963, khi đã bắt đầu lớn, từ Nha Trang về ở Phật Học Viện Báo Quốc, Huế, tôi mới có cơ hội về thăm mẹ. Nhưng cũng chỉ hai, ba lần của năm này. Rồi thôi.


 Mẹ rồi lại xa biền biệt khi tôi như một tu sĩ “du phương” năm này chốn này, năm sau đã chốn khác. Rồi Tết Mậu Thân 1968. Rồi Đại Lộ Kinh Hoàng 1972. Mẹ bị vây hãm trong vòng lửa đạn mấy lần. Chị tôi kể, lần đó, chiến tranh sắp tràn về làng, chết chóc rình rập ở khắp mọi nơi, ai ai cũng kinh hoàng lo chạy loạn, con cháu đem võng lên để võng mẹ cùng đi. Nhưng năn nỉ, lạy lục bao nhiêu mẹ cũng từ chối, chỉ sợ mình làm vướng tay, vuớng chân của con cháu mà thôi. Mấy chị tình nguyện ở lại với mẹ, mẹ cũng không cho mà bảo “đã lấy chồng thì phải theo gia đình chồng cho trọn đạo.


 Ở lại với mệ có bề gì thì lấy ai lo cho các cháu. Để mệ một mình niệm Phật mà yên thân mẹ hơn. Thôi, đi đi. Đừng có ở đó mà mệ lo mệ chết bây chừ.” Thế đành là phải gạt lệ bỏ mẹ ở lại với không một ai giữa xóm làng hoe vắng. Rồi chiến tranh đến. Rồi chiến tranh đi. Hơn một ngày sau, con cháu cùng với dân làng lục tục trở về. Chạy vội đến ngôi nhà của mẹ, con cháu thảng thốt chỉ thấy một nền nhà trống không, không cột, không kèo, không một vết tích gì của ngôi nhà còn lại bên cạnh một hố sâu dưới gốc cây ổi chỉ còn tan tác những cành và lá. Mẹ làm sao mà sống sót được nữa với cảnh hoang tàn này! Con cháu vừa khóc lóc vật vã vừa lo đi tìm xác mẹ về chôn cất.


 Bỗng đâu, một đứa cháu kêu lên: "Mệ đây. Mệ đây. Mệ còn sống." Mọi người vội chạy lại. Nơi đó là cái ao bao quanh vườn nhà đã khô nước. Mẹ ngồi dưới đó, miệng mấp máy như đang niệm Phật với xâu chuỗi cầm ở trên tay. Vực mẹ đứng dậy rồi bồng mẹ lên. không một vết thương nào trên thân thể mẹ. Mẹ chỉ mệt mà nói không ra lời. Để mẹ nghỉ ngơi, uống nước, ăn cháo. Rồi con cháu bao quanh nghe mẹ kể: "Mấy đứa bây đi hết rồi, mệ mặc áo dài, ngồi trước bàn thờ niệm Phật cả ngày. Mệ chẳng biết họ bắn nhau ở đâu. Chỉ nghe một tiếng nổ kinh hoàng rồi mệ ngất đi. Đến khi tỉnh dậy thì thấy nằm ở đó mới hay là mệ còn sống. Phật cứu mệ. Mệ chỉ biết vậy chứ chẳng còn biết gì khác." Chị tôi nói, trong khi ai cũng sợ đến hãi hùng thì mẹ tỉnh táo chi lạ.


 Nghe mẹ kể và thấy cảnh trước mắt, ai cũng cho là Phép Lạ Phật Cứu. Tôi, tôi cũng cho là phép lạ. Đã nghe quý Thầy kể, đã đọc trong kinh sách nhiều những phép lạ; nhưng thú thật, con người lý trí và chỉ biết sống theo những suy nghĩ và hiểu biết của một Tu sĩ nơi tôi có biết thì chỉ biết vậy, không bài bác bao giờ mà cũng chẳng có gì gọi là tin tưởng sâu xa để phải xem là quan trọng mà bận tâm tìm hiểu. Nhưng khi trở về nhà, mấy tuần sau trận chiến, ngồi trên nền nhà trơ trọi, với mẹ, với mấy chị và em, nghe chị tôi kể, lần đầu tiên tôi mới cảm nghiệm được thế nào là Phép Lạ thực sự có mặt trong đời sống này. Phép Lạ là sống an vui với những gì bất tồn hữu hạn của thế gian này. Là đi trên mặt đất, là từng bước nở hoa sen như sau này, một vị Thầy từng dạy.


 Và điều đó chỉ thành tựu khi con người có Niệm Lực, Định Lực chân chánh và vững chãi, có Trí Tuệ thuần khiết và chân thực để sống an nhiên với mọi cảnh. Nhưng ở một bình diện khác - và chỉ lúc này mới là lần đầu tiên tôi cảm nghiệm - Phép Lạ còn là một cái gì đó nằm ngồi mọi ngôn từ lý giải, mọi đầu óc nghĩ suy tinh tế nhất - những thứ luôn luôn đòi hỏi tính cách xác thực cho mọi chân lý được phô diễn - để có thể gọi đó như một năng lực nhiệm mầu. Bởi làm sao ta có thể đòi hỏi một lý giải mang tính xác thực về nó khi cái gọi là xác thực với ta đang sống đây rút cùng cũng chỉ là hư ảnh? Trong biển nghiệp trùng trùng với cái chết vây bủa bốn bề như trường hợp của mẹ đây, mẹ chỉ ngồi đó niệm Phật với duy một niềm xác tín ở Phật không thôi mà sự sống đuợc bảo tồn nguyên vẹn.


 Có một kẻ hở mong manh hiếm hoi nào giữa vòng vây của cái chết và một năng lực nhiệm mầu nào đẩy mẹ vào ngay đó cho Phép Lạ có thể xuất hiện? Trong cảm nghiệm sâu xa ở mẹ, tôi nhận ra một điều: Trong biển nghiệp mênh mang này, ở đâu mà không có nguyện lực của chư Phật, Bồ Tát, của những trái tim thuần khiết nguyện sống vì đời! Và, một niềm xác tín mạnh mẽ có thể xô dạt lớp lớp sóng nghiệp để ta đi vào ngay trong biển nguyện lực đó - điều mà những đầu óc say mê lý giải với những gì gọi là xác thực của đời sống hư ảo này không thể làm được. Chiến tranh triền miên. không ai sống chỉ để đợi chờ Phép Lạ. Tôi tìm cách đưa mẹ vào Sài Gòn. Phải nói là tìm cách, bởi vì với mẹ lúc đó, hình như không thể tưởng ra được có một đời sống nào của mẹ ngoài mảnh đất quê nhà mà những nấm mộ của tổ tiên bao đời còn đó và họ hàng ngày nay còn đó.


 Dù đói lạnh đến mấy. Dù chết chóc rình rập đêm ngày. Và dù cho những đứa con trai của mẹ có sống ở phương nào. Cuối cùng thì mẹ cũng vào Sài Gòn. Nhưng chỉ được vài hôm. không ai cầm lòng nổi khi thấy mẹ ngồi ăn mà chén cơm chỉ chan toàn nước mắt. Mẹ đòi về mặc cho bom đạn có gieo rắc chết chóc đêm ngày ở đó. Mẹ đã chẳng màng chi đến sự an toàn của bản thân thì sá gì những tiện nghi cho một đời sống ở Sài Gòn mà có thể cầm chân mẹ được. Thế rồi, mẹ về. Mẹ về để sống với mảnh đất quê cha đất tổ, với cháu con họ hàng còn sống sót ở đó. Mẹ về để trọn nghĩa thuỷ chung với ông bà, và với cha đã nằm xuống trước. Chỉ đến sau 1975, họ hàng con cháu bỏ làng ra đi tìm sự sống cho lớp trẻ mai sau, mẹ mới đành theo con cháu mà đi vào Nam. Cũng một nỗi buồn trĩu đầy trong mắt mẹ. Cũng những ngày ăn cơm với nước mắt chan hòa. Xa làng, xa xóm, xa nấm mộ tổ tiên ông bà, mẹ héo hắt với những giọt lệ của tuổi già. Nhưng rồi, với con với cháu, mẹ dần nguôi ngoai. Mẹ không đòi về nữa. Mẹ dấu kín nỗi buồn tận đáy lòng cho cháu con còn có chút niềm vui.


 Mẹ tìm nguồn an ủi cho riêng mẹ trong câu niệm Phật đêm ngày. Mẹ thâm tín Tam Bảo đâu như từ thuở nào còn nhỏ chưa lấy chồng. tôi chỉ biết, niềm tin của mẹ sâu đến không gì lay chuyển mà lại cực kỳ đơn thuần. Tin Phật thì mẹ niệm Phật, thì đừng sát sanh hại vật, đừng làm điều bậy bạ cho Phật quở. Tin Phật thì thấy ai mặc chiếc áo tu của Phật - không kể lớn nhỏ, già trẻ hay tu kiểu gì - mẹ cũng chỉ một lòng hết mực cung kính. Thấy ai đó nói gì về một người tu thì mẹ gọi con cháu rầy ngay "đừng nghe theo người ta nói bậy mà tội chết." Cực kỳ đơn thuần như vậy. Có lần, thấy mẹ cung kính với một chú mới tu, có người bảo "mệ đừng làm vậy vì chú còn nhỏ" thì mẹ bảo "Dạ ... thì bây chừ chú còn nhỏ nhưng mai sau chú tu chú cũng thành thầy, thành Phật vậy." Mẹ vốn không biết đọc kinh, không học hỏi đạo lý.


 Nhưng mẹ sống với Phật và với chỉ một câu niệm Phật cho cả một đời thôi mà nhìn ai tu, mẹ cũng thấy ở người đó, một vị Phật đang thành, sẽ thành. Có lẽ, cái tâm cực thuần của mẹ cho mẹ thấy ra như vậy chứ mẹ nào có biết, đó chính là cái thấy của Bồ Tát; và người tu đạo, học đạo trọn đời cũng chỉ để làm sao có được cái thấy như vậy mà thôi. Cái tâm đơn thuần. Cái sống của mẹ cũng đơn thuần rất mực. Cả đời, mẹ chẳng biết xa hoa là gì. có thể, đó là do cái nghèo đã đeo đẳng mẹ suốt đời. Nhưng không hẳn vậy. Không biết thuở nhỏ và sau này, từ khi tôi bỏ xứ ra đi, mẹ ra sao. Chứ trong những tháng ngày ít ỏi sống với mẹ - hoặc tôi không nhớ - nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ mặc một chiếc áo dài nào khác ngoài chiếc áo dài màu xanh lam. Chiếc áo đó, mẹ mặc để ngồi niệm Phật, để đi lễ chùa. Cũng chiếc áo đó, mẹ mặc mỗi khi kỵ giỗ, hội họp bà con hoặc phải đi đâu. Trong khi, đâu phải là mẹ không có những chiếc áo dài khác.


 Phấn son thì chắc là chuyện không bao giờ có với mẹ. còn cái ăn cái uống của mẹ, không kể những năm tháng đói lạnh, thì chẳng khác gì của một ông thầy tu ở núi ngày xưa. không cao lương mỹ vị đã đành, mà thảng hoặc, bữa nào có miếng cá miếng thịt, mẹ cũng chỉ chan một chút nước cho những người chung quanh khỏi buồn mà thôi. Một dĩa rau với chén nước chấm là như đã quá đủ cho mẹ, ngay cả sau này khi có điều kiện để ăn ngon hơn. Từ bao giờ, mẹ chẳng có của cải riêng - hay có mà mẹ đã cho hết các chị em tôi khi đi lấy chồng rồi, tôi không biết. còn bây giờ, kể từ khi đi vào sống ở Nam, thì mẹ thực sự chẳng có gì gọi là của mẹ. Chẳng nhà cửa. Chẳng ruộng nương vườn tược. có chăng, là những nấm mộ của ông bà nội ngoại và của ba tôi ở tận quê nhà Quảng Trị mà mỗi năm, dù già yếu (năm nay đã 90 tuổi) mẹ vẫn về để thăm viếng và tự tay chăm sóc. Trước đây thì thỉnh thoảng, sau này đều đặn hơn, mỗi năm hai lần, tôi gởi quà và ít tiền về dâng mẹ. Nhiều người quen qua đây nói, quà thì mẹ chỉ giữ lại chai dầu xanh và ít thứ thuốc cần dùng những khi trái gió trở trời; còn thì đem cho hết các con, các cháu.


 Tiền thì mẹ để một phần đem cúng dường các chùa, một phần thì san sẻ cho "đứa nào" trong các con, cháu bị sa cơ túng thiếu, và một phần khác nữa thì để bố thí cho những kẻ nghèo khó quanh mình và đóng góp việc làng, việc họ. còn riêng mẹ, mẹ nào có biết tiêu gì cho mẹ đâu. Mấy năm trước, tôi muốn mẹ về ở một ngôi chùa nào đó để "gần" với cảnh Phật hơn. Sư cụ Tuệ Đăng, quý Thầy Huệ Minh, Phước Trí, Đạt Đức ... đều sẵn lòng mong và dành chỗ cho mẹ về ở. Nhưng mẹ không chịu, ngại làm phiền quý thầy, quý chú mà tội; lại vì không nỡ xa con cháu. Thôi thì, tôi nghĩ, mẹ đã ở với Phật ngày đêm; chỉ còn chút "nợ" với con cháu để an ủi tuổi già nên thôi, không tính chuyện để mẹ lên chùa ở nữa. Mẹ vốn không học. Chữ nghĩa Thánh Hiền với mẹ là một cái gì cao xa vời vợi. Suốt đời, mẹ lặng lẽ sống, không bao giờ bàn chuyện thế sự, thị phi của ai đến độ tôi tưởng như mẹ không biết chuyện gì trên đời này cả. Ngay với tôi, trong những lúc dầu sôi lửa bỏng của cái thời "Phật Giáo đấu tranh", mẹ có nghe người ta nói tới đấy.


 Nhưng khi gặp, mẹ cũng chẳng bao giờ hỏi han để coi sự thế đi về đâu, trong đó có con của mẹ. Mẹ chỉ thắp nhang mỗi sớm tối để cầu nguyện mà thôi. Thảng hoặc, có la rầy con cháu thì cũng chỉ một lời. Và cái lời gần như duy nhất mà tôi nghe được nhiều lần là "làm người thì lo tu thân vi bổn, nghe con!" Bốn chữ "tu thân vi bổn" ở ai thì nghe sách vở văn hoa nhưng ở mẹ sao tự nhiên như hơi thở, như cái ăn phải có để sống, nhẹ nhàng mà trầm thống chi lạ. có lẽ, đó là chữ nghĩa Thánh Hiền duy nhất trong đầu mẹ mà tôi được biết. Còn chuyện dựng vợ gả chồng cho các anh chị em của tôi, tôi không biết trong âm thầm mẹ lo như thế nào. Chỉ biết có một lần, tôi nghe mẹ dặn dò với một ai trong số mà tôi không còn nhớ "Này con, con mà thương ai thì đừng bỏ người ta mà tội chết nghe con!" Hỡi ơi! Cái tâm cực thuần cho mẹ nhìn ai cũng thấy Phật, cũng thấy là quý để chẳng nghĩ đến "người ta" là xấu hay tốt mà chỉ sợ "người ta" khổ mà con mình nên tội. Những quan niệm, lề thói suy nghĩ, toan tính của thế hệ những người như mẹ như để dành cho ai khác. còn mẹ thì như chỉ nghĩ đến cái tội, cái phước để mong con mình sống làm sao cho Phật Trời đừng bắt tội là đủ. Đã 18 năm rồi tôi bỏ xứ ra đi, xa mẹ. Mười tám năm.


 Thời gian như cơn gió chiều hun hút, nào biết thổi về đâu! Mười tám năm. Gần một phần tư của đời người. tôi biết, mười tám năm mẹ trông ngóng từng giờ, tôi về. Những lúc sau này, hẹn trước, tôi gọi điện thoại để mẹ con nghe được tiếng nói của nhau. Và lần nào cũng như lần nào, mẹ chỉ hỏi một câu: "Chừng nào thầy về cho mẹ chộ một chút." Tôi điếng người mà nói với mẹ: "Dạ ... sớm muộn gì rồi con cũng về. Mệ niệm Phật nghe." Rồi thôi. Mẹ không nói gì thêm nữa. Tôi cũng chẳng còn biết nói gì thêm nữa cho mẹ an tâm. Lại cũng khi nào, có người về thăm, gặp mẹ sang đây cũng chỉ một lời nhắn nhủ đó của mẹ cho tôi. Chừng nào thì thầy về cho mệ chộ một chút! Chừng nào! Đã rất nhiều khi, tôi muốn bỏ hết tất cả nơi đây để trở về với mẹ - không phải chỉ để mẹ "chộ một chút" mà là để sống với mẹ những ngày cuối cùng của đời mẹ. Tôi chỉ muốn được làm một người con chăm sóc mẹ mình như bất cứ một người con nào khác trên đời. Mấy năm trước, có Phật sự ở Thái Lan, nghĩ đến khoảng cách chưa đầy một giờ máy bay, tôi đã muốn về thăm mẹ.


 Nhưng rồi, chẳng phải vì lý do bên ngoài nào mà chỉ vì, nghĩ đến mẹ, nghĩ đến mình phải sống làm người chân thật, ngay thẳng không được quanh co dối trá với ai chuyện gì như lòng mẹ mong muốn mà tôi đã ngậm lòng không về. Mười tám năm. tôi từng ôm mộng đi giữa đời, sống cho một chút hồi vọng nào đó với cả tấm lòng mà nhìn lại, lại chỉ thấy một cõi mù bay. Tôi đã ở bên lề những trò chơi của triết lý, văn chương, của những nỗi khổ siêu hình nào mà một thời tâm thức tôi thường vẽ ra; ở bên lề cả những trò chơi với đủ thứ pháp tướng ít nhiều dính dáng tới Phật Giáo trong cơn hỗn mang của thế sự như phù vân lai khứ này. Nhưng trong "nỗi riêng, riêng cả đến tình chung" đó, tôi đã luôn có mẹ trong tôi như có Phật trong tôi. Để cho tôi lớn lên được giữa thời ngửa nghiêng này của thế đạo nhân tâm trong từng bước đi quyết định của đời mình, để nuôi dưỡng tấm lòng tôi với Đạo, với quê nghèo và với những kẻ bất hạnh trên đời. Tôi mà có làm được chút gì cho ai bớt khổ thêm vui trong suốt cuộc đời này, dù nhỏ như cây kim, cọng cỏ thì đó cũng là vì có mẹ trong tôi như có Phật trong tôi mà thôi. Và vì vậy mà tôi biết, sẽ có một ngày, tôi bỏ lại tất cả nơi đây để về với mẹ. tôi chỉ xin lạy Phật ngàn lạy, vạn lạy mà cầu cho ngày đó đến trước khi quá muộn./.


Thích Nguyên Hạnh
Ý kiến bạn đọc
27 Tháng Giêng 20148:00 SA
Khách
bài của thầy rất hay và cảm động
27 Tháng Giêng 20148:00 SA
Khách
bài của thầy rất hay
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2012(Xem: 14884)
“ Sông có thể cạn, đá núi lâu ngày cũng mòn nhưng miên viễn tình người VN và tình đồng đội giữa những người lính VNCH.”. cho dù thời gian có bị phôi pha nhưng tuyệt đối chẳng bao giờ thay đổi.
19 Tháng Mười Một 2012(Xem: 15491)
Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm. Con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế
18 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13777)
Đừng hối tiếc những sai lầm đã phạm. Có rất nhiều việc buộc chúng ta phải lầm lạc. Chúng ta là con người, cho nên chúng ta lầm lạc
18 Tháng Mười Một 2012(Xem: 14070)
Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích điểm trong đầu
18 Tháng Mười Một 2012(Xem: 14787)
Người ta bảo rồi thời gian sẽ xóa nhòa hết nhưng cho mãi nhiều năm sau này, tôi không bao giờ quên được hình ảnh Mai nằm trên chiếc bàn ở bệnh viện
16 Tháng Mười Một 2012(Xem: 17887)
Nhưng dù có đi đâu, ở đâu, mỗi khi bắt gặp cơn mưa đầu mùa, lòng ta lại nhớ về cái âm thanh lộp độp của những tàu chuối sau hè…
15 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13408)
Ước mong Thái Thụy Vy, nhà-thơ-yêu-màu-tím, sáng tác nhiều hơn để cho vườn hoa văn học Việt Nam hải ngoại nói riêng mang nhiều sắc thái độc đáo, và để cho nền văn học Hoa Kỳ nói chung, vốn đã đa dạng lại càng thêm phong phú.
11 Tháng Mười Một 2012(Xem: 14018)
"Hai bờ Bến Hải" vẫn còn khi đảng Cộng Sản Việt Nam càng ngày càng trân tráo, ngang ngược, dựa vào thế và lực của Tầu và súng đạn chúng đang có trong tay, nên cứ chà đạp dân quyền và nhân quyền toàn thể dân tộc Việt
05 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13555)
Còn tôi, tôi không thể nhìn cảnh trí nơi đây một cách bàng quan như thế. Tôi không thể nhìn nó mà không kèm theo những xúc động vui buồn hết sức riêng tư.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13903)
Qua câu chuyện của hai người già, bộ phim có lẽ đang nhắn nhủ một điều rất trẻ: lắng nghe, yêu thương và để những người thân của chúng ta được sống với đam mê của họ. Vì cuộc đời rất ngắn.
29 Tháng Mười 2012(Xem: 16471)
Ngay lúc đó, nó đã mong sẽ thôi không lớn nữa, cứ sống mãi với ruộng vườn cùng với ông bà ngoại trong căn nhà gỗ, với ánh đèn dầu và lũ bạn rách rưới tinh ranh vẫn hằng đêm cùng nó đọc làu làu những con chữ đầu đời.
26 Tháng Mười 2012(Xem: 16138)
Hơn ba mươi năm lìa bỏ quê ra đi, tôi đã trở lại ba lần. Cả ba lần, không lần nào tôi tìm được quê hương ngày xưa. Tất nhiên tôi không buồn vì những thay đổi ngoại cảnh
22 Tháng Mười 2012(Xem: 18644)
Đúng như vậy, vào khoảng hơn mười giờ sáng, tôi thấy anh tới phòng, chào và nói một câu tôi nghe quá quen thuộc. Dịch ra tiếng Việt thì anh đã nói: “Tôi là Frostic đây, thầy còn nhớ tôi không?”
21 Tháng Mười 2012(Xem: 15771)
Từ chuyến đi đó đến nay, tôi đã nguyện với lòng mình rằng tôi sẽ không bao giờ trở về cho đến khi nào quê hương Việt Nam không còn bóng ma cộng sản đã gây ra bao nhiêu cảnh tang tóc đau thương cho quê hương, cho đồng bào của tôi.
21 Tháng Mười 2012(Xem: 18334)
Cười ha hả Hiệu và Bảng đi ra sau lái tàu để một mình Đạt đứng tần ngần nhìn dòng kinh nước trong một màu vàng của phèn. Người lính trẻ mới đổi về đơn vị tác chiến của hải quân chợt thở dài.
18 Tháng Mười 2012(Xem: 17802)
Chính nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và tất nhiên nó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn nữa. Điều ngọt ngào nhất bao giờ cũng đến phía sau những nỗi cô đơn dù không thể diễn tả thành lời.
16 Tháng Mười 2012(Xem: 26126)
Bộ môn nghệ thuật của miền Nam trước 1975 biểu tượng sự tự do và phóng khoáng với những khuôn mặt vang bóng một thời
13 Tháng Mười 2012(Xem: 16486)
Mẹ có thể dạy con cách chia sẻ, nhưng không thể bắt con sống quảng đại Mẹ có thể dạy con niềm kính trọng, nhưng không thể ép con tôn trọng người
08 Tháng Mười 2012(Xem: 21044)
Lòng tôi chợt nhói lên một niềm đau khi nghĩ tới số phận của những cựu quân nhân và công chức của Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ai còn? Ai mất?
02 Tháng Mười 2012(Xem: 16681)
Tôi làm thơ không phải để in và bán. Tôi làm thơ cho những trăn trở và mất mát của riêng tôi và dường như có sự thôi thúc của người chồng quá cố của tôi như là anh đã chọn cho tôi
01 Tháng Mười 2012(Xem: 17015)
Chiến tranh đã cướp mất tuổi thanh xuân của bao nhiêu người vợ trẻ. Chỉ còn lại Việt Nam, một quê hương điêu linh, một dân tộc bất hạnh triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.
30 Tháng Chín 2012(Xem: 20948)
Bạn bè đồng lứa có đứa đã biết e ấp làm điệu với những bạn trai, với những người tình, nhưng tôi chưa một lần xao xuyến với những cái lẻ tẻ này.
29 Tháng Chín 2012(Xem: 17510)
Cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài 30 năm đã để lại cho thành phố Sài Gòn, đồng thời cũng là thủ đô của Nam Việt Nam những hệ lụy thuộc về lịch sử. Đấy là thành phố “được" giải phóng và trước khi “được giải phóng” ngay trong lòng của nó đã có những cuộc tương tàn
28 Tháng Chín 2012(Xem: 18063)
Bác sĩ Nguyễn văn Phúc (Medical Doctor), là một thuyền nhân (boat people) Việt Nam, theo gia đình qua Tây Đức lúc 18 tháng. Bác sĩ đã tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại đại học Giessen, Cộng Hoà Liên Bang Đức năm 2005 lúc 26 tuổi
27 Tháng Chín 2012(Xem: 18944)
Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.
26 Tháng Chín 2012(Xem: 17426)
“Về hưu làm chi? Phải làm việc cho đến khi chết. Một đời đẹp nhất, có ý nghĩa nhất, đáng sống và ích lợi nhất là làm việc cho đến chết. Có việc làm đều đều, hàng ngày bận rộn, sẽ kéo dài tuổi thọ
24 Tháng Chín 2012(Xem: 17890)
Khá lắm! Khá Lắm! Dám làm dám chịu, thật là anh hùng! Dĩ nhiên là chú biết… Nhưng đó là một kỷ niệm thời thơ ấu mà! Ngày xưa chú còn nghịch ngợm hơn cháu nữa đấy! Cảm ơn cháu có lời chúc!
23 Tháng Chín 2012(Xem: 20630)
Chẳng qua là họ muốn tạo thời cơ để kiếm cho cái … đít của họ một cái… ghế! Đến đây thì vở tuồng trên sân khấu đang chuyển sang lớp “gà nhà bôi mặt đá nhau” … Cái mặt đã trở thành “một vấn đề”!
21 Tháng Chín 2012(Xem: 16935)
Do đó, quan niệm đó đã đến lúc phải thay đổi. Người phụ nữ Việt Nam đã đến lúc phải được bình đẳng. Bình đẳng không phải vì quyền lợi mà để nhận trách nhiệm xây nước và dựng nước.
17 Tháng Chín 2012(Xem: 18682)
Trong giấc ngủ tôi thường gặp cha mẹ, gặp ngay trong những ngôi nhà cũ ở Việt Nam, gặp bạn bè cũng gặp trên đường phố Việt Nam từ ngày rất xa xưa, và bao giờ trong mơ cũng đối thoại bằng tiếng Việt
11 Tháng Chín 2012(Xem: 19943)
Tôi đốt thêm một điếu thuốc rồi đặt lên cuộn dây dừa, vái lâm râm: " Cương ơi ! Mầy có linh thiêng thì về đây hút với tao một điếu ! ". Tự nhiên, tôi ứa nước mắt!
09 Tháng Chín 2012(Xem: 19491)
Tôi yên tâm và tiếp tục chăm chú học nhưng… chỉ hơn một tuần sau, vào một ngày cách đây hơn bốn chục năm. Tôi được tin Mẹ tôi bị đứt mạch máu và qua đời! Vâng, Mẹ lại nói dối tôi và đây cũng là lần nói dối cuối cùng của Mẹ !!!
07 Tháng Chín 2012(Xem: 21223)
nỗi cô đơn buồn bã hay hoài niệm về một quãng đời đã mất! Tôi thương ông cụ, và nghĩ đến tuổi già mai sau của tất cả chúng ta. Cụ ơi, bài hát đó là bài gì vậy cụ ???
06 Tháng Chín 2012(Xem: 39122)
Vậy đó, ông nội và cháu có nhiều điểm giống nhau. Cháu sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Ông một ngày nào đó sẽ ra đi. Bà nội nhìn ông mà nhớ cháu. Hạnh phúc của ông bây giờ là sống vô tư như trẻ con. Hạnh phúc của bà bây giờ là không còn giận hờn mà con tim đầy ắp những yêu thương và bổn phận.
03 Tháng Chín 2012(Xem: 18916)
Duy có điều đáng lưu ý là phần kết luận của cuốn phim. Phần thông điệp chính của cuốn phim có thể làm cho chúng ta bất bình và đau đớn. Phải chăng đây là cuộc sống thực sự của các gia đình Việt Nam tan tác trong chiến tranh và đoàn tụ trong hòa bình.
02 Tháng Chín 2012(Xem: 19891)
Một món quà từ cô bé mắt màu xanh biển và tóc màu cát đã dạy tôi biết coi trọng thời gian của cuộc sống và biết nhận thấy sự yêu thương.
01 Tháng Chín 2012(Xem: 21279)
Không trách, mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không là một bộ phận của thân thể con người…
31 Tháng Tám 2012(Xem: 19333)
Nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây của đại diện Bắc Hàn với những lời tuyên truyền ca tụng tốt đẹp về nước này, xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết sau đây để biết thêm phần nào sự thật về Bắc Hàn.
29 Tháng Tám 2012(Xem: 20645)
Kiếp phù sinh như hình như ảnh; Có chữ rằng vạn cảnh giai không. Ai ơi lấy Phật làm lòng, Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
28 Tháng Tám 2012(Xem: 19893)
Tôi tự hỏi, đối với bà, đâu là nỗi đau lớn nhất trong 13 năm này: những đau khổ về thân xác trong trại cải tạo, hay nỗi đau tình cảm phải chia lìa với gia đình và con dại? Thời gian có xoa dịu được những nỗi đau này không? Hay mất mát sẽ vĩnh viễn là mất mát?
27 Tháng Tám 2012(Xem: 19181)
Dung kinh ngạc, không ngờ Sơn lại có nhiều bằng hữu đến thế. Lành lặn cũng nhiều, tàn phế cũng không ít. Cũng có những người đàn bà mắt ngấn lệ, ngập ngừng buông những nắm đất phủ trên quan tài của Sơn
26 Tháng Tám 2012(Xem: 18118)
Ý nghĩ và hành động xấu xa, tàn ác hung dữ thì nên diệt ngay trong ý nghĩ, không cho phát sinh. Nếu lỡ đã tiến hành thì nên ngừng lại và dứt bỏ không làm nữa.
24 Tháng Tám 2012(Xem: 19389)
bà không nỡ quay mặt với họ, dù rằng bà đau đớn vì mất đi hình ảnh người em ruột thân thương gần gũi ngày xưa, dù rằng bà xấu hổ giùm người em ruột tham lam, tính toán và ích kỷ bây giờ. Và nỗi đau đớn ấy, sự xấu hổ ấy sẽ theo bà về Mỹ, và theo bà cho đến hết cuộc đời.
23 Tháng Tám 2012(Xem: 28112)
để tưởng nhớ người bạn gẫy cánh trên chiến-trường các bay trên nơi bạn mình rớt mở canopy ném xuống cho bạn một bao thuốc lá Lucky-strike. Hôm nay nhớ anh viết về anh, tôi đốt một điếu thuốc để đay cho anh, mong anh thích Marlboro lights .
23 Tháng Tám 2012(Xem: 20391)
ng ngày 1-5, tôi bước ra khỏi Bệnh xá, đứng trên Quốc lộ 4, tôi nhìn về hướng Cần Thơ, thấy mặt trời lên đỏ rực, báo hiệu một ngày mới. Lúc đó tôi không hề biết rằng, đó là cái ngày đầu tiên của một hành trình bi thảm khác, có tên gọi là “Mạt Lộ”.
21 Tháng Tám 2012(Xem: 20888)
Mấy đứa nhỏ ở nhà ráng lo cho chúng đi du học hết đi. Ngày xưa thì hết tị nạn chính trị đến tị nạn kinh tế, còn bây giờ thì phải kể thêm tị nạn giáo dục nữa. Mà thật ra thì thời buổi này, ở cái đất nước này, mọi chuyện đều phải tính hết, không thể ù lì chờ nước tới chân mới nhảy.
15 Tháng Tám 2012(Xem: 21451)
tất cả gặp nhau một chút rồi chia tay. Từng ngày hãy gieo vào tâm thức những hạt giống thiện lành, thay vì phá hoại cuộc sống mình và người bằng những tâm hành tiêu cực!
13 Tháng Tám 2012(Xem: 19300)
Đứa con út ốm đau Vẫn hằng đêm đòi sữa Chẳng còn gì bán nữa Ngoài giọt máu mẹ cha
11 Tháng Tám 2012(Xem: 21831)
Giọt nước mắt của người chồng Mỹ với người vợ Việt, của người cha Mỹ khóc thương cho đứa con trai vắn số cũng mặn như giọt nuớc mắt của bất cứ người chồng người cha nào khác . Có khác gì đâu. Vô thường!
08 Tháng Tám 2012(Xem: 21035)
Lòng từ thiện, nỗi thương tâm về một hoàn cảnh, về một người nào đó...sẽ không bao giờ có biên giới, có lằn ranh, có sự phân biệt xã hội, chủng tộc.