Tuổi trẻ và lớp già
Tạp ghi Huy Phương
Theo
thông thường, chết khi trên 60 được gọi là hưởng thọ, qua đời dưới 60 tuổi chỉ gọi là hưởng dương, nhưng về chuyện trẻ và già thật khó định nghĩa. “Cỡ bao nhiêu tuổi gọi già, mà bao nhiêu tuổi gọi là trẻ
con?” Trong bài này, tạm thời chúng ta xếp giới trẻ tuổi là dưới 40 vì trên 40 là trung niên, còn cao niên là tuổi già mà không nghe nói đến mức tuổi (theo tự điển Hán Việt- Đào Duy Anh.) Tuy vậy, không ai trên 50
mà cho mình già, mà cũng ít người già công nhận tuổi 50 là giới trẻ. Tiếc thay ở giữa ranh giới già và trẻ không có phần đất “trái độn,” gọi tuổi “sồn sồn.” Vậy thì trước mắt chúng ta, già và trẻ thế nào còn “tùy người đối diện.”
Trẻ
là tuổi đã qua, và già là thời gian sắp tới, biết vậy nhưng giữa già và
trẻ có rất nhiều khác biệt, không phải tương đồng mà rất nhiều tương phản. Ngay trong gia đình, con cái đã không hiểu được cha mẹ, mà cha mẹ chắc gì đã hiểu được con. Có khi, con cho cha mẹ là cổ lỗ, cố chấp, còn cha mẹ thì nghĩ con là xốc nổi, mất gốc. Ở ngoài xã hội, cái hố ngăn cách giữa già và trẻ cũng thường rất sâu. Già coi trẻ như là “bọn nhóc con,” “miệng còn hôi sữa,” “hỉ mũi chưa sạch,” “chưa ráo máu đầu,” “thiếu kinh nghiệm sống,” và đương nhiên tuổi trẻ cũng có những thành kiến với lớp già, coi thường vị thế của cha ông mà nói rằng “già lẩm cẩm,” “già gàn,” đó là chưa kể già
“xôi thịt,” “háo danh” hay “vô tích sự”...Thực ra cũng có một số nhỏ giới già ý thức được sức nạnh của tuổi trẻ, mong mỏi có sự hợp tác giữa đôi bên. Nhưng phần lớn khi hợp tác với giới trẻ, giới già thường muốn giành ưu thế của “cha chú” coi bọn trẻ như “con cháu trong nhà.” Tuy hợp tác với nhau, nhưng tuổi trẻ luôn luôn được giao những nhiệm vụ “năng động,” “đâu khó có thanh niên” như khiêng bàn ghế (già sợ té), treo biểu ngữ (già sợ đau lung), dọn rác (chuyện bần tiện), lo computer hay âm thanh ánh sáng (già không rành máy móc), v.v. . . chứ ít khi tuổi trẻ được tham gia một buổi họp tham mưu của tổ chức, hay từ nay đảm đương những chức vụ như cố vấn, giám sát. Giới trẻ như thế chỉ là “tay chân sai vặt.” Nếu không cũng chỉ là cây kiểng để người ngoài nhìn vào cũng thấy có đủ hoa, lá, cành.
Nếu bắt phải kể ra có tuổi trẻ nào có khả năng lãnh đạo không, thì chắc ai cũng có thể kể được: này John F. Kennedy đắc cử tổng thống Mỹ ở tuổi 44; Roosevelt Skerrit lên tổng thống Cộng Hòa Dominican năm 32 tuổi; Phillip Roesler, một người Đức gốc Việt, năm 38 tuổi được bầu làm chủ tịch đảng FDP và sau đó được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức. Nhưng trong thâm tâm, người ta vẫn xem đó là những trường hợp hi hữu, chắc chỉ xảy ra bên Tây bên Tàu, chứ bên ta và cái cộng đồng này thì tuổi trẻ, theo các cụ, vẫn còn “non nớt” lắm. Có cậu nào hơi thi thố tài năng một chút thì cũng được xếp vào loại “chưa nóng nước đã đỏ gọng” mà thôi.
Gần đây chúng ta thường nghe đến danh từ “hậu duệ” để nói đến một lớp trẻ trong nhiều tổ chức cộng đồng. Hậu duệ nói đến một lớp người kế thừa nối tiếp cho một dòng họ hay một công trình. Tạo điều kiện và vận động giới trẻ tham gia vào các tổ chức không phải là một ân huệ cho giới trẻ mà là một sự cần thiết. Mai đây lớp già tàn rụi đi thì ai mà đứng ra gánh vác chuyện non sông. Tre già thì măng mọc, Phi Khanh không thể sống đời mà phải trao đuốc cho thế hệ Nguyễn Trãi! Nhưng thực tình trong thâm tâm, chúng ta đã đón tiếp và xem hậu duệ như là một thành phần cần thiết có mặt với chúng ta chưa hay chỉ là những thứ trang điểm?
Gần bốn mươi năm qua, việc trao ngọn đuốc dẫn đường cho thế hệ trẻ được coi như đã quá chậm. Đấy thế mà đối với con em “hậu duệ,” các bậc “cha chú” vẫn thấy khó tìm cách cảm thông, phát triển, nâng đỡ, tận dụng vốn khả năng và trí tuệ đáng quý này. Hậu duệ nào mới mấp mé được mời ngồi vào chiếu, các ông đã rào đón, dè chừng, cản bước bằng các “biện pháp chế tài, khiển trách hay loại bỏ.” Thế thì hỏi liệu con cháu chúng ta còn lòng dạ nào mà tham gia việc nước, tiếp sức với cha ông?
Thực ra trong đầu óc, chúng ta vẫn coi thứ con cháu này như những đứa trẻ ngu ngơ trong vòng tay cha mẹ, chưa biết việc đời, phải luôn luôn ở dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của các bậc trưởng thành, thế hệ cha anh. Kẻ ôm riệt cái danh xưng một thời, người đi ra khỏi nước chậm, ở với cộng sản được vài năm, đã cho mình là “kinh nghiệm với CS đầy mình,” phải ra sức dạy dỗ cho giới trẻ biết chống Cộng ra làm sao! Bây giờ nhìn giới trẻ từ cộng đồng hải ngoại đến trong nước, chúng ta đã thấy có những việc chúng ta làm dở hay không làm được, mà thế hệ sau không những làm được, mà còn làm giỏi giang, can đảm hơn hẳn chúng ta nhiều.
Một số người khác thì chẳng thực tâm gì với cái chuyện kế thừa và hậu duệ chống Cộng, đấu tranh dân chủ, hay phục vụ cộng đồng. Có khi phải cần người bưng cờ bưng quạt, phò trợ để lấy danh trong cộng đồng. Khi vận động và khen ngợi tuổi trẻ dấn thân phục vụ thì các cụ chỉ chiêu dụ con cháu người khác chứ không phải con cháu của mình. Hỏi đến con cái của mình, thì chúng đang bận “dùi mài kinh sử” để thành bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, luật sư... hay đang lo làm giàu cho rạng rỡ tông môn nhà mình, rồi giải thích, chống chế, cho rằng mỗi người mỗi việc. Như vậy, vận động con cháu người khác tham gia chuyện công ích, mà không phải con cái nhà mình, chỉ là một lối “xúi trẻ ăn cứt gà!”
Ông cha ta đã từng nói “con hơn cha là nhà có phúc”, vậy thấy giới trẻ hơn mình trong bất cứ chuyện gì thì cũng nên mừng chứ sao lại suy bì ganh tỵ. Lẽ thế gian thì “tre già măng phải mọc”, đó là quy luật tất yếu, không đi ngược lại được. Chúng ta chỉ còn mang được chút kinh nghiệm sống, đôi khi cũng không hoàn toàn ứng dụng được với môi trường mới, thời đại mới, đem ra tạm chia xẻ với lớp trẻ.
Trẻ và già phải đối đãi với nhau trong tinh thần tương thân tương kính. Đừng để những tư duy “hương nguyện” làm trì hoãn tiến bộ của cộng đồng bên này và cho cả đất nước bên kia.
Phải tin tưởng và bồi đắp cho tuổi trẻ, vì đó là niềm tin của chúng ta vào tương lai.
Gửi ý kiến của bạn