9:34 SA
Thứ Tư
13
Tháng Mười Một
2024

Những Bông Hoa Nở Muộn - Thiên Lý

21 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 23386)
 

Những Bông Hoa Nở Muộn - Thiên Lý

  havo-large-content


Sau ba cuộc gặp gỡ do người quen mai mối thất bại, Quỳnh thật chán nản không còn muốn nghĩ đến chuyện tạo dựng một mái ấm gia đình nữa. Bởi, cả ba người đàn ông Quỳnh gặp đều có vẻ là những người “háo sắc” và thích các em “chân dài”. Mặc dù cả ba không ai có tướng cao ráo cả.

Người thứ nhất là anh bà con xa với một đứa bạn gái cũ của Quỳnh, định cư ở Seattle. Ông ta lớn hơn Quỳnh mười ba tuổi, nhưng cứ cho mình như còn trẻ lắm. Ông có nghề sửa xe hơi và buôn bán các loại xe cũ. Thời trước 75, theo lời ông nói, ông là ký giả của nhật báo Trắng Đen ở Sàigòn. Ông hơi kiêu ngạo, luôn sống với hào quang trong quá khứ, coi thường những đứa con gái “hậu sinh” giống như Quỳnh.Và chắc cũng vì thấy bề ngoài của Quỳnh không có gì xuất sắc cho ông phải chú ý tới?? Nhất là sau khi nghe khai báo, Quỳnh đã trưởng thành dưới chế độ cộng sản, ông lại càng “dị ứng” hơn và xem Quỳnh như một đứa việt cộng con…


Người thứ hai là một anh chàng bắc kỳ, ăn nói hoạt bát, anh cũng thuộc loại đẹp trai. Có lẽ đã bị tình phụ nhiều lần hay sao mà anh như hận đàn bà lắm. Trong lúc nói chuyện với Quỳnh thì luôn nói xấu về đàn bà. Nào là: “đàn bà thường khéo léo che đậy tật xấu của mình bằng đủ mọi cách, đàn bà đóng kịch rất hay. Trông em có vẻ “nice” đấy nhưng không biết được.” Miệng anh tuy lên án phụ nữ, nhưng đôi mắt anh thì không rời khỏi con bé Hương em gái Quỳnh, rồi còn lướt sang những cô gái bàn bên cạnh (lúc ấy đang ở trong tiệm ăn) với cái nhìn hết sức vẩn đục. Anh đã làm mất cảm tình của chị em Quỳnh ngay từ phút đầu. Quỳnh nghĩ, đây không phải là người mà Quỳnh mong đợi, và ngược lại.


Người thứ ba tương đối đỡ hơn một chút, anh đến từ nước Đức xa xôi để chở chị em Quỳnh đi chơi. Anh chàng này vừa thực tế, vừa thẳng thắn cho Quỳnh biết ý định của anh là tìm một ai đó có quốc tịch Mỹ để anh làm giấy kết hôn qua Mỹ sống. Dạo ấy Quỳnh chỉ mới có thẻ xanh. Sự thất vọng đã hiện rõ trong đôi mắt anh về cả hai vấn đề, ngoại hình của Quỳnh và quốc tịch…


Thời còn ở Việt Nam, con gái lên hàng ba mươi mà còn độc thân thì cũng bị xếp vào loại “ bà cô” rồi, huống gì bây giờ Quỳnh đang ở giai đoạn sắp lên hàng bốn. Mơ mộng đã cạn kiệt… Thời gian vô tình trôi mà tàn nhẫn thật… tàn nhẫn thật … “mỗi năm mỗi tuổi nó đuổi xuân đi.” có khác! Nhưng, nguyên nhân chung gây ra cảnh “ế” độ là do chiến tranh, cuộc chiến tranh thảm khốc đã làm mất đi sự cân bằng giữa nam và nữ. Sau ngày hòa bình do sự khao khát tự do dân chủ, các đấng nam nhi đều lo tìm đường vượt biên, các chàng sinh viên, học sinh thì phải đi “thanh niên xung phong” lao động, đào kênh..Và một số đông các anh lính Cộng Hoà trẻ chưa vợ thì bị ngồi tù!! Đa số thanh niên trai tráng còn lại là những anh chàng nón cối, đi dép râu nhìn hoang dã đến phát… sợ. Hậu quả đó, đã gây nên cảnh trai thiếu gái thừa trong suốt thời kỳ hòa bình đen tối. Kinh tế thì xuống dốc thê thảm, người người, nhà nhà phải lo chạy ăn từng bữa, sinh kế đã giết hết mọi mơ ước của tuổi trẻ về một tình yêu lãng mạn.


Quỳnh đã lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng của sự đói nghèo đó. Cả một thời tuổi trẻ, Quỳnh phải đương đầu với cuộc sống cơm áo, lại còn bao nhiêu khó khăn, khổ cực đưa đến sau ngày mẹ mất. Trách nhiệm với gia đình đè nặng trên vai, Quỳnh chỉ biết đi làm ngày, làm đêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Quỳnh không có thì giờ để ngồi mơ mộng cho mình một người yêu lý tưởng, hay một người chồng tốt. Tình yêu đối với Quỳnh thuở đó sao giống như chiếc nhẫn kim cương sáng chói, mà một người con gái nghèo như Quỳnh thì không được quyền nghĩ tới. Yêu đương chỉ là chuyện phù phiếm xa xỉ… Khi cuộc sống trong gia đình đỡ hơn một chút thì Quỳnh đã lên gần sát mí hàng ba mươi, và được gán cho từ “bà cô khó tính."


Từ năm 1989 trở đi, lúc toàn thể khối cộng sản ở Đông Âu sụp đổ theo bức tường Berlin, là lúc nền kinh tế Việt Nam thay đổi, chính sách mở cửa bắt đầu. Tình yêu và hôn nhân cũng nhân đấy mà rộ nở theo bàn cân toan tính của kinh tế. Người ta chọn vợ theo tiêu chuẩn “đảm việc nước, giỏi việc nhà” còn thêm cái khoản lanh lẹ, khôn ngoan, phải biết mánh mung, chạy chợ nuôi con, nếu chẳng may chồng thất nghiệp. Lấy vợ lấy chồng thì ngó vào của cải, việc làm tốt, những cô gái có nhan sắc thì trông vào những anh chàng có tiền. Những chàng trai có chút học vấn lại có mã đẹp trai thì ngó những gia đình con “cán bộ” để mong được làm rể. Và rồi, phong trào việt kiều về nước lấy vợ, thời của các cô gái trẻ, đẹp bắt đầu phất lên. Tiếp đến là thời của các chàng sĩ quan “ ngụy”, trẻ tuổi có, lớn tuổi có được đi Mỹ theo diện H.O. Những người đã từng bị xã hội mới gạt ra ngoài đời sống như người “ không có quyền công dân” thì bấy giờ lại được nhiều người chiếu cố. Ngay cả những gia đình cán bộ có tiền cũng muốn cho con mình đi ghép với gia đình H.O. Ôi thế thái nhân tình lúc đó sao mà chán ngăn ngắt…


Xã hội có thay đổi trên mọi khiá cạnh bao nhiêu, thì ngành ấu nhi của Quỳnh vẫn thầm lặng bấy nhiêu. Chỉ có khác là số lượng cô giáo mẫu giáo độc thân ngày càng gia tăng mãnh liệt. Điều dễ hiểu là ngành mẫu giáo không có nam giới để tiếp xúc, mặt khác nữa là lúc đó nghề dạy mẫu giáo bị coi thường. Người ta chê cô giáo “nghiêm mà già” lại “nghèo mà phách”. Nghề giáo còn bị gọi là nghề “bán cháo phổi” luôn bán lỗ chứ không có lời, vì thế có khối chàng trai lo ngại về sức khoẻ đã chẳng ai ngó tới cô giáo làm chi, ốm yếu quá mà! sợ mình sẽ thành ông goá. Cũng không ai thèm chú ý đến vấn đề đạo đức của ngành. Thật là buồn!!!

 havo1-large-content


Cũng vào cuối năm 89, khi gia đình Quỳnh lập hồ sơ đi Mỹ theo diện H.O, bố Quỳnh, do không muốn trục trặc giấy tờ nên đã ra thông báo rằng: “Nếu đứa nào muốn đi Mỹ thì không được có chồng!” Chao ôi, niềm hy vọng được đến nước Mỹ tự do còn lớn hơn cả ước mơ một mái gia đình riêng, cho dù cả năm đứa con gái nhà Quỳnh đang trên đường về ngã chiều. Chị em Quỳnh hăm hở chờ đợi, thế rồi do không có tiền để đóng cho bộ ngoại vụ sớm, nên thời gian chờ đã kéo dài hơn sự trông ngóng của cả nhà… Thanh, em gái kế Quỳnh không chờ được đành cất bước theo chồng, (sau này nó bị ở lại Việt Nam). Bốn đứa còn lại nhất định chờ.

Sau hơn sáu năm kiên trì chờ đợi, gia đình Quỳnh đã đến được xứ cờ hoa tự do. Điều làm bố Quỳnh vui hơn hết là ở đây không có chế độ “hộ khẩu” ràng buộc, không có những thủ tục trình báo “ tạm trú” hay “thường trú” rườm rà. Trong thời gian đầu, nhà Quỳnh lúc nào cũng nườm nượp khách đồng hương đến thăm. Bố càng vui hơn. Nhất là nhóm thanh nhiên trẻ nhiệt tình bày tỏ giúp đỡ phương tiện di chuyển. Thanh niên ngày càng đến đông vì họ tò mò muốn xem mặt 4 cô con gái với một ông già H.O. Chưa kể đến sự thăm viếng của những vị cựu sĩ quan sồn sồn cỡ tuổi “trẻ mới qua mà già chưa tới” cũng sang diện H.O như gia đình Quỳnh, họ tự giới thiệu mình còn độc thân??? với một bầy con đi ..ghép. Có ông, sau khi cho chị em Quỳnh một cái nhìn “say đắm” đến nổi da gà đã trắng trợn hỏi rằng:


“Ủa, nhà có đi ghép không vậy? Sao chị em nhìn không giống nhau gì hết”. Và còn cho nhận xét… “khích lệ”:


“Cô Quỳnh coi ngộ nhất trong mấy chị em đó há” Rồi tò mò tiếp:


“Thiệt là chưa ai từng lập gia đình hết sao?”….


Sau đó không lâu số thanh niên trẻ thăm viếng thưa dần, Quỳnh biết chắc rằng họ thất vọng vì sự nghiêm khắc của bố Quỳnh, và cũng vì 2 đứa lớn đã “già”. Chỉ trông vào hai cô em gái nhỏ, tuổi chưa đến ba mươi. Những ngày nối tiếp, chỉ còn lác đác lại những vị cựu sĩ quan cấp úy thường tới lui trò chuyện với bố rất là…lâu. Có khi họ còn mạnh dạn bước vào phía bếp để bắt chuyện với chị em Quỳnh một cách… lảng nhách. Câu hỏi thường xuyên không biết bao nhiêu lần vẫn là:


- Mấy chị em thiệt còn độc thân hết sao? Làm cho bố phải bực mình lên tiếng:


- Các chú ngồi đây chơi đi, mấy cháu đang bận tay cả mà các chú vào đấy làm gì.

Không ai hiểu cho chị em Quỳnh rằng dù hãy còn độc thân, nhưng lúc đó không phải là lúc để nghĩ đến chuyện tình cảm, mà trước hết là phải bắt đầu gầy dựng lại một cuộc sống mới trên đất nước mới…

Trải qua ba năm ngắn ngủi trên đất Mỹ, mọi việc đã tạm ổn định. Quỳnh bắt đầu ước mơ về một mái ấm gia đình, với một đứa con, dẫu đã muộn nhưng vẫn cứ thích mơ. Niềm mơ ước vừa hé mở thì chẳng may bố Quỳnh lại qua đời. Tang bố thêm 3 năm nữa, ước mơ lập gia đình dần dà tan biến. Quỳnh bắt đầu lo lắng cho hai đứa em gái nhỏ, lúc đó cũng xấp xỉ lên hàng ba mươi. Em gái út Quỳnh thì rất chăm học, chẳng màng gì đến chuyện quen bạn trai, học xong hai năm college về ngành medical assistant, có việc làm ở một clinic nhỏ gần nhà. Lương bổng cũng khá, nhưng nó lại không chịu an phận ở đó, chuyển sang ngành medical lab học thêm 4 năm. Vừa đi học, vừa đi làm, thấy em thức khuya dậy sớm đón xe bus dưới trời tuyết lạnh vất vả. Quỳnh thương em, cứ chạy quanh tìm mối này, mối nọ để gán ghép cho em mình. Quỳnh cũng mong nhà có tiếng khóc trẻ thơ cho vui… Niềm mong ước đó đã chẳng đến được như ý Quỳnh muốn.


Thời gian như đi nhanh hơn khi tuổi đời mình càng lớn, Quỳnh bắt đầu thấy chán công việc làm công nhân hãng xưởng, ngồi 8 tiếng đau lưng, mỏi mắt. Chán cái cảnh xếp hàng hâm cơm, ăn vội vã để vào làm tiếp. Chán những câu hỏi của mấy bà làm chung cứ thích tò mò vào đời sống riêng của người khác, cứ vẫn là những câu hỏi xoay quanh vấn đề lập gia đình “Có chồng chưa?” “Chừng nào lấy chồng, lớn rồi kén làm chi”, hay “Kiếm đại ông nào đi để có chỗ nương tựa”. Có bà còn mỉa mai thêm: “Chắc là có pốp lầm gì rồi mới ở không tới giờ này, chứ được tính thì đã có người dzớt từ lâu rồi”. Không muốn nghe những lời cay chua đó, Quỳnh thường tránh ngồi cà kê bên mấy bà VN vào giờ nghỉ, lại càng không la cà vào phòng ăn khi có tốp thợ máy nam kéo ra. Những lúc đó, Quỳnh hay đi bộ dọc theo hành lang trong hãng và tìm một chỗ vắng ngồi một mình. Nhờ đi lang thang như vậy mà Quỳnh đã vô tình gặp lại một người bạn cũ làm ở phòng tài vụ. Trời ơi, Quỳnh vui biết là bao. Gặp nhau hai đứa mừng rỡ gọi nhau to đến nỗi làm mấy người đi bộ dọc theo hành lang phải trố mắt nhìn như một hiện tượng lạ lùng:


- Tường Vy!


- Trời ơi, Quỳnh


Bạn cũ làm chung một hãng, ở cùng một tiểu bang mà mãi bây giờ mới gặp được nhau.

Hồi còn ở VN, Quỳnh và Vy cùng làm việc ở trường mẫu giáo, Vy làm kế toán lương kiêm kế toán bếp, còn Quỳnh thì dạy trẻ. Vy đi diện H.O trước gia đình Quỳnh 5 năm. Sang Mỹ, Vy vẫn còn liên lạc với Quỳnh một thời gian ngắn rồi sau đó mất hút. Vy đã đi học lại ngành accounting bốn năm ra làm kế toán ở phòng tài vụ của hãng này được 2 năm. Câu thăm hỏi đầu tiên hai đứa cùng lên tiếng một lúc:

- Lập gia đình chưa?


Quỳnh mạnh dạn lắc đầu trước, chờ câu trả lời của Vy để hỏi nó tiếp phần sau là: “Mấy đứa con rồi?” Nhưng nó cũng lắc đầu chán ngán:


- Hãy còn phòng không như Quỳnh thôi, tưởng sang Mỹ là gặp được kỹ sư, bác sĩ như người ta đồn hả, ai ngờ gặp dân “gì đâu” không à!


Quỳnh cười hỏi lại:


- Dân “gì đâu” là sao?


- Quỳnh biết rồi còn làm bộ hỏi, ở đây có bao nhiêu chàng trai nói được chữ r rõ ràng, toàn là “con cá gô bỏ gổ”. Đánh bài với nhậu như ma, dính vào cho khổ thân.


- Ừ, Quỳnh cũng thấy vậy, chỉ tội cho mấy đứa em mình không tìm được người xứng đáng. À, mấy đứa em trai Vy có gia đình chưa?


- Chưa, quen con gái ở đây cũng khó lắm, mấy nàng chỉ thích cái mã thôi.


Quỳnh tiến thẳng vào đề:


- Hay mình làm suôi gia với nhau nhé. Quỳnh còn hai đứa em gái nhỏ, một đứa vừa xong accounting hai năm, còn đứa út thì đang học medical lab trên trường U…


Vy lắc đầu, ngắt ngang:


- Thôi, thôi, mấy thằng em trai Vy lười biếng lắm, sang đây không thằng nào chịu đi học lại hết. Bây giờ còn tập tành bài bạc nữa kìa. Vy rầu thấy mồ. Tụi nó chắc chắn là không đứa nào xứng với em gái của Quỳnh rồi. Bây giờ tụi nó có sự chọn lựa riêng của nó. Mình lựa cho nó không được đâu.


Quỳnh thất vọng không nói tiếp được câu nào. Hoàn cảnh Vy và Quỳnh giống nhau ở chỗ hai đứa là con gái lớn, chỉ khác một điều. Vy dẫn đầu năm đứa em trai, không có em gái. Ngược lại, sau Quỳnh là 4 cô em gái, không có em trai. Nhà Vy thì khá giả, bố Vy cũng là sĩ quan cấp tá như bố Quỳnh, ông đi học ở Mỹ đến hai lần, ngày trở về nước cũng là ngày mất miền nam. Ông bị tù đày ra bắc đến hơn mười năm… Tính Vy vui tươi, thích làm điệu, nên nhìn thấy Vy vẫn còn giữ được vẻ tươi mát trẻ trung Quỳnh không ngạc nhiên lắm. Nhìn bàn tay thon gọn của Vy với những móng dài sơn màu hồng thanh nhã, làn da mềm mại, trắng mịn. Chẳng như tay Quỳnh, gân guốc, khô rám... Quỳnh nghĩ xinh xắn như Vy mà còn ở vậy, thì phận của mình sao bì được. Quỳnh nghe tiếng Vy hỏi:


- Bộ Quỳnh không xài lotion sao, để da khô dữ vậy?


Quỳnh ấp úng:


- Quỳnh …không biết xài loại nào, có lần xài thử Olay bị dị ứng đỏ hết mặt mũi sợ quá nên thôi.


Vy nói:


- Để hôm nào Vy dẫn Quỳnh đi mall kiếm lotion của Clinic xài thử đi, hay là Lancome, họ có người chỉ cho mình mỗi loại lotion thích hợp với da khô hay da nhờn. Quỳnh phải “tuốt” lại chút đi, trông bà sầu héo đến bắt chán à…


Quỳnh cười ngượng nghịu, tự nghĩ mình làm đẹp cho ai bây giờ nhỉ, chắc đoán được ý nghĩ của Quỳnh, Vy dịu giọng lại:


- Mình phải biết tự làm đẹp cho mình, cho cả cuộc sống của mình thì mới vui được. Nè, cho Vy số phone của Quỳnh đi, cuối tuần rảnh Vy gọi nói chuyện chơi, còn nhiều chuyện muốn nói với Quỳnh lắm. Ok.


Hai đứa hí hoáy ghi số điện thoại cho nhau rồi tạm biệt.

************************************************** *****************

havo2-large-content



Từ ngày gặp lại Vy, Quỳnh vui lắm, ngày cuối tuần nào nếu không đi chợ hay đi shopping với nhau, thì Quỳnh lại ngồi ôm cái điện thoại trò chuyện với Vy hầu như suốt ngày, khiến mấy đứa em Quỳnh phải gắt lên: “Gớm, hai bà làm gì mà cứ như là hai mụ “ô môi” đó, nói dai như đỉa.”

Một ngày gần cuối năm, Vy bất ngờ đến nhà Quỳnh rủ đi Cali chơi. Vy hào hứng với mục đích của chuyến đi là, nhà bác Vy năm nào cũng có tiệc tất niên họp mặt mấy ông bạn không quân hồi xưa của anh Minh, là anh họ của Vy. Chà vui lắm nhe, bác Vy bảo đây là thời gian thuận tiện cho tụi mình “kiếm chồng”. Anh Minh còn bảo; Cali người Việt đông, mình mà qua bển thường xuyên là mau có chồng lắm đó.


Quỳnh nhớ đến ba lần mai mốt khi trước, rồi ngao ngán nói:


- Đẹp như Vy còn hy vọng chứ héo úa như Quỳnh thì chỉ có ma ngó.


Vy xỉa trán Quỳnh:


- Bỏ cái ý nghĩ mặc cảm đó đi, mà coi, Vy xoay mặt Quỳnh lại, Quỳnh cũng đâu có tệ lắm đâu, chịu khó sửa soạn lên một chút là được. Thằng Hoà nhà Vy nó thích Quỳnh lắm đó, cứ khen chị Quỳnh dễ thương, có nét hao hao như ca sĩ Ái Vân.


Quỳnh xí nhỏ:


- Thôi đi, nó cận nặng nên nói nhảm như con nít thôi chứ biết gì.


Vy trợn mắt:


- Cái gì, nó ngoài ba mươi rồi đó mà chê con nít, tội nghiệp cho cái thằng em mình bao nhiêu em trẻ chung quanh không thích lại đi thích bà bạn “già” của chị.


Câu nói của Vy làm Quỳnh nhớ đến đôi mắt sáng vui và cử chỉ ân cần, săn đón của Hoà mỗi khi gặp Quỳnh. Dưới mắt Quỳnh, Hòa mãi là một cậu em nhỏ như em trai của Quỳnh thôi.


Chuyến khởi hành đi Cali không làm cho Quỳnh háo hức như Vy, nó vui hẳn lên và nói chuyện luyến thoắng trên tàu. Quỳnh chợt nhận ra nét trẻ con hãy còn thấp thoáng trên nét mặt Vy. Hy vọng kỳ này Vy sẽ kiếm được một ông bồ như ý muốn.


Bác Tú, bác của Vy có năm người con, 4 anh con trai và một cô con gái út là chị Khuê, lớn hơn Vy và Quỳnh độ vài tuổi. Người con trai lớn của bác là sĩ quan nhảy dù, nghe nói anh học Võ Bị ra, đã hy sinh. Còn lại anh Hoàng, anh Minh và anh Hải. Ba anh đều đi lính không quân cả, anh Hoàng hồi xưa bay khu trục, còn anh Minh thì bay trực thăng, anh là phi đội trưởng. Anh Hải chỉ mới là sinh viên học bay thôi, anh vừa học xong khoá bay thì chiến tranh đã kết thúc. Tất cả các anh chị đã có gia đình, con cái đều sắp lên đại học. Bác Tú ở với vợ chồng anh Minh. Nhà anh thật là rộng lớn và sang trọng, Quỳnh bước vào nhà anh mà thấy choáng ngợp trước bao nhiêu là đồ đẹp, từ bức tranh thêu hình chữ S, đến những cái bình cổ đủ loại, khắc chạm tinh vi. Cảnh bày biện đồ đạc ngăn nắp, đầy mỹ thuật, khiến Quỳnh nhìn ngơ ngẩn và cứ phải luôn chép miệng, đẹp quá, đẹp quá!


Bữa tiệc chiều 30 thật là một tiệc lớn, anh Minh dành một căn phòng rộng phiá sau nhà làm nơi họp mặt bạn bè. Không biết có bao nhiêu khách mời đến dự mà Quỳnh thấy đông quá, từ phòng khách ra tới ngoài vườn, chỗ nào cũng đầy người. Khách đàn ông, khách đàn bà, ai cũng mặc đồ đẹp. Nhìn họ, Quỳnh thấy mình quê mùa làm sao trong bộ váy con nít mua vội ở Dillar. Móng tay không sơn, tóc không chải, trông luộm thuộm quá. Quỳnh ngại chỗ đông người, lại không quen ai nên cứ quanh quẩn trong bếp đợi bác Tú, hay chị Khuê, chị Minh sai vặt. Vy thì thoắt qua bếp rồi lại biến đi, chẳng biết nó đi đâu. Quỳnh cố nhướng mắt ra ngoài vườn sau để tìm Vy, thì nghe chị Khuê gọi:


- Quỳnh ơi, bưng mấy cái dĩa “nuts” này ra bàn cho mấy ổng khai vị đi.


Quỳnh hỏi lại:


- Bưng ra đâu hả chị phòng khách hay là phòng ăn?


Chị Khuê chỉ tay về phía trước:


- Mấy tướng hãy còn ngồi ở phòng khách mà. Quỳnh cứ bưng ra bàn ngoài đó được rồi.


Quỳnh hăng hái dạ lớn, bưng một khay 4 đĩa nuts ra ngoài, nhưng vừa bước ra khỏi nhà bếp để lên phòng khách. Quỳnh bỗng giật mình thấy khoảng hai chục người đàn ông ngồi chung quanh bàn cười cợt, tán gẫu. Quỳnh e ngại quay đầu trở lại nhà bếp, ngập ngừng nói với chị Khuê:


- Chị Khuê ơi… mấy ổng …ngồi tràn lan đông quá, em…


- Em mắc cỡ phải không? Đông thì sao. Tiếng Vy từ đâu vọng tới ngắt ngang lời Quỳnh, rồi Vy xuất hiện rực rỡ trong cái áo gấm xường xám màu tím thẫm, trẻ trung xinh đẹp với mái tóc kẹp một nửa trên đỉnh đầu, chảy dài xuống vai trông thật mượt mà. Nhìn Vy, không ai có thể tin là Vy đang ở tuổi ba mươi tám. Quỳnh chưa kịp lên tiếng khen thì Vy đã với tay đỡ lấy cái khay- đưa đây để Vy bưng ra cho, già đầu rồi mà còn mắc cỡ như con nít!


Vy nhanh nhẹn bước ra ngoài, tiếng chị Khuê vói theo:


- Con người ta thế chứ ai trơ trẽn như mày.


Vy trả lời to:


- Nhiều khi phải trơ trẽn thì mới đối đầu nổi với mấy ông bạn say của ông xã chị đó, rồi cao giọng thêm- phải không mấy anh?


Tiếng anh Minh:


- Cái gì thế?


Vy quay người một vòng khuỵu chân xuống diễu cợt:


- Dạ, đây là món khai vị của các ngài.


Quỳnh nghe tiếng đàn ông:


- Ồ, cô em waitress nào mà xinh vậy?


Tiếng Vy:


- Nhớ cho em tiền tip hậu hĩ chút nhe. Ủa sao không ai mời em một ly vậy?


Tiếng anh Minh:


- Đây là Vy em cô cậu với tao từ xứ núi Denver sang đấy. Rồi anh quay sang Vy- Mày đứng xớ rớ đó làm gì qua bên này, có biết uống không mà hỏi.


- Chào người đẹp Denver, con gái xứ lạnh thiệt đẹp não nùng.


Quỳnh phì cười khi nghe câu nói đó, rồi như tò mò, Quỳnh rón rén đến bức mành ở ô cửa nhỏ trông ra phòng khách.


Tiếng Vy:


- Cứ rót đi, em uống cho coi.


- Thiệt không, rượu mạnh đó nghe.


- Mạnh hay nhẹ gì em cũng làm tuốt, đưa ly cho em!


Quỳnh ngạc nhiên, mắt trợn to nhìn Vy đang bưng ly rượu nốc cạn. Trời đất, nó tập uống rượu từ khi nào vậy? Càng sững sờ trước sự bạo dạn của Vy, nó chạy lăng xăng hết cụng ly với ông này, rồi đến cụng ly với ông khác, miệng không ngớt nói chúc mừng như một bà điên. Vy bắt đầu loạng choạng khi nốc hết ly thứ ba, anh Minh kéo nó ngồi xuống gần anh:


- Thôi đủ rồi, đừng có uống nữa.


Vy lảm nhảm:


- Một năm em uống có một ngày cuối năm thôi, uống để quên đời phút chốc mà.


TIếng một người đàn ông:


- Cô em mày chịu chơi ghê há Minh. Cổ nói đúng đó.


Rồi ông ta tiến lại gần Vy ngồi xuống, quàng tay qua vai Vy đùa cợt:


- Em nói có lý đó, anh cũng muốn uống với em một ly. Vy lắc mạnh đầu nói:


- Anh à, anh mà không bỏ cái tay anh ra khỏi bờ vai em là em sẽ đổ rượu lên mặt anh đó nghe.


Câu nói của Vy làm Quỳnh giật mình nhăn mặt. Ôi trời ơi, sao Vy dạn miệng quá. Anh Minh nháy bạn:


- Thôi mày đi chỗ khác đi, một đứa điên đủ chết rồi, thêm mày nữa chắc tao điên thiệt đó.


Người đàn ông bỏ tay ra cười cười:


- Xin lỗi nghe, mượn cái vai một chút cho thêm tình thân mà. Đâu có biết người đẹp khó quá vậy.


Vy vụt đứng lên khoát tay:


- Thôi để em đi vô phụ mấy chị, hẹn mấy anh hiệp hai nghe.


Vy lao vào bếp ngồi phịch ngay xuống cái ghế, hai tay đưa lên xoa xoa hai bên thái dương nói:


- Trời! rượu thấm nhanh ghê, đau đầu thiệt.


Quỳnh đến gần Vy hỏi:


- Vy biết uống rượu lúc nào vậy?


- Hồi lúc học college, Vy có đi làm thêm khâu pha chế rượu với các loại thức uống ở nhà hàng. Ngày nào cũng pha; cũng nếm riết rồi quen. Ê, mà rượu pha uống ngon lắm nhe Quỳnh.


Quỳnh tò mò hỏi lại:


- Vị nó ra làm sao?


- Nó nhiều vị lắm, có ngọt, có nồng, có cay. Bữa nào có dịp tui pha cho bà uống thử.


Chị Khuê lên tiếng:


- Thôi đừng có dụ con Quỳnh nữa. Mày có biết mày múa ra sao sau khi mày uống không?


Vy cãi:


- Em biết uống có liều lượng lắm chứ, đâu có tới nỗi phải múa may. Chị cứ nghĩ xấu cho em chị không hà.


Chị Minh góp tiếng cười xoà:


- Trêu cô một tí cho vui chứ ai mà nghĩ xấu, thôi này, mỗi người một tay phụ dọn bàn ăn đi chứ.


Vy đứng lên chao đảo, Quỳnh nắm tay bạn:


- Có đi được không, hay ngồi xuống nghỉ chút đi.


Vy khoát tay:


- Không sao, Vy chưa ngã vì rượu đâu, tửu lượng Vy cao lắm.


Nói rồi, Vy bước tới quầy bếp, bưng những đĩa thức ăn ra bàn theo sự chỉ dẫn của chị Minh và chị Khuê. Quỳnh cũng theo chân Vy và hai chị bày biện.


Bữa tiệc bắt đầu trong sự ồn ào vui nhộn của đủ loại âm thanh. Tiếng nói chuyện của quí bà, tiếng cười đùa của quí ông, tiếng nhạc xập xình từ chiếc máy CD quyện vào nhau.Vy nhanh chân chen vào bàn ngồi chung với mấy cặp vợ chồng bạn của anh Minh. Tiếng Vy huyên thuyên, luôn tạo tiếng cười cho mọi người sau mỗi câu pha trò. Quỳnh thán phục cho sự duyên dáng và hoạt bát của Vy, chắc thế nào nó cũng “dính” được một chàng cựu không quân “độc thân”…Tiếng bác Tú hỏi làm Quỳnh giật mình:


- Này Quỳnh, sao không ra ngoài ấy ngồi ăn với cái Vy cho vui. Đây là chỗ của mấy cháu nhỏ mà, cô Quỳnh ngồi sai chỗ rồi.


Quỳnh lắc đầu:


- Dạ không sao, cháu thích ngồi đây với mấy bé vui hơn, ngoài đó đông người quá, cháu chẳng quen ai…


Bác Tú cười ngắt lời:


- Đông thì cũng bạn bè quen của anh Minh cả, trước lạ sau quen.


Tiếng chị Khuê:


- Quỳnh này nó nhát hơn con Vy nhà mình.


Bác Tú ngắm Quỳnh cười:


- Ừ, trông cái Quỳnh hiền dịu chứ nhỉ! Vy nhà này thì sắc xảo quá.


Quỳnh cười ngượng ngùng:


- Cháu thích tính vui vẻ, thân thiện của Vy, dễ có bạn bác à.


Chị Khuê xen vào:


- Trời ơi, nó miệng lưỡi ngọt ngào lắm, ai mà nghe nó thì có chết…


Bác Tú đập vai chị Khuê:


- Mày chỉ nói quàng cho nó, ngọt ngào mà chết là thế nào…


- Chứ mẹ xem không phải sao, miệng lúc nào cũng nhai nhải chuyện làm mai cho nó, tiêu chuẩn của nó đưa ra cái nào cũng dễ. Rốt cục bao nhiêu đám tới, ai nó cũng chê. Già kén kẹn hom.


Bác Tú nhẹ nhàng nói:


- Thì cũng phải hạp nhãn nó mới ưng chứ.


Chợt có tiếng cười lớn vang lên ở trong phòng tiệc làm cuộc nói chuyện của ba người phải dừng lại một chút. Quỳnh nghe tiếng một người đàn ông:


- Cô Vy liệu lát nữa có nhảy nổi với tụi anh không đó?


Tiếng Vy:


- Đừng lo, em sẽ nhảy với mỗi anh một bài, em chưa hề ngã vì rượu bao giờ.


Bác Tú lắc đầu phì cười, còn chị Khuê thì tiếp:


- Đấy mẹ thấy mồm miệng của nó chưa?


- Thì cứ để nó vui đi, mốt nó về rồi đến cả năm sau chị em mới lại gặp nhau.


Chị Khuê quay sang Quỳnh phân trần:


- Quỳnh biết không, chị thương Vy lắm, mấy lần giới thiệu cho nó mấy người, bạn anh Minh, bạn ông xã chị, toàn người tốt cả, ai gặp Vy cũng chịu nó ngay, nó xinh xắn mà em thấy không, vậy đó chứ ai nó cũng chê.


Quỳnh tròn mắt:


- Vậy hả chị? Trời ơi em đâu có biết, Vy chẳng bao giờ nói cho em nghe hết.


- Em biết không, nó chê người ta, nhưng vẫn ngọt ngào cho người ta sự hy vọng, lầm tưởng đến phút cuối mới lắc đầu cái rụi, làm người ta hụt hẫng biết chừng nào.


Quỳnh tò mò hỏi:


- Mà Vy chê người ta cái gì vậy chị?


Chị Khuê chặc lưỡi lắc đầu:


- Chê toàn những cái lảng òm không à, như có cái anh Hoà, bạn anh Minh. Anh đó thì cũng hiền thôi chứ không hiền lắm, không quân hồi xưa thì chẳng mấy ai hiền. Anh chàng này mồ côi vợ mấy năm nay rồi, thích Vy dễ sợ, mà Vy chê người ta bụng bự, không chịu. Còn có một ông làm về computer cũng rất si tình Vy, thì bà chê hói đầu, còn ông khác nữa làm maintenance trong nhà thương thì chê người ta mập…Đó, em thấy không, nó chỉ chê bề ngoài thôi, không chú ý gì đến tính tình con người ta, là người tốt không đó.


- Em thiệt không biết là Vy khó như vậy.


- Không phải khó, mà là nó thích cái mã bề ngoài.


Quỳnh lắc đầu:


- Không đâu chị à, em nghĩ là Vy cũng chú ý đến tính tình con người lắm đó. Giống như bác gái nói tại chưa gặp người hạp nhãn thôi.


- Em là bạn với Vy lâu thì em hiểu tính nó hơn, chị cũng mong kỳ này cho nó gặp được người đúng ý nó mơ. Rồi chị kéo tay Quỳnh –đi vô phòng đó ngồi chơi cho vui Quỳnh, mấy người đang dẹp bàn để nhảy đầm đó.


Quỳmh ghị tay lại:


- Thôi, thôi cho em xin đi, em không biết nhảy đầm.


- Thì ra ngồi chơi xem người ta nhảy cũng vui, đi, để chị giới thiệu em cho cái anh chàng này, coi bộ cũng là người tốt lắm.


Quỳnh nghĩ cách thoái thác:


- Hay chị ra trước nhe, để em đi bathroom rồi em ra sau.


- Ừ, nhớ ra nhé.


Chị Khuê vừa quay đi, Quỳnh liền chạy vòng ra trước phòng khách rẽ sang trái nhảy vọt lên lầu để vào phòng ngủ. Tiếng ồn như nhỏ dần phía sau khi Quỳnh đóng cửa lại, rồi gieo mình xuống giường. Một cảm giác êm ái thoải mái chạy dọc trong thân thể, Quỳnh nhìn lên chiếc quạt năm cánh bằng đồng sáng choang, một nỗi nhớ nhà bâng quơ… Quỳnh nhớ cái trần nhà không có quạt trong phòng mình, nhớ chiếc giường nhỏ và cái mền nỉ cũ. Nhớ con út Thảo ngồi cặm cụi bên cái bàn học nhỏ ghi chép mỗi tối. Quỳnh thấy thương em làm sao, tội cho nó cứ chăm chỉ học hành rồi quên cả tuổi xuân đang qua nhanh. Nhắc đến tuổi xuân, Quỳnh lại nhớ mẹ tha thiết. Hồi mẹ còn sống, duyên phận và tuổi xuân con gái luôn là nỗi lo lắng cho năm búp hoa của mẹ …Theo mẹ, con gái chưa có chồng như là nụ hoa, còn có chồng rồi thì mới là hoa nở. Những bà bạn đi buôn hàng chuyến chung với mẹ thời ấy cũng hay tò mò ghé qua nhà để xem mặt chị em Quỳnh. Có bà thân thiện thì nói:


- Nhà bà có ngũ long công chúa, hậu vận sau này sẽ khá lắm đấy.


Những bà hàng chợ thì bày tỏ nỗi lo cho mẹ bằng sự phán xét:


- Ôi dào, nuôi năm trái bom nổ chậm trong nhà thật khổ, đứa nào tới tuổi thì gả quách đi đứa đó cho bớt phần lo lắng.


Bà khác lại thêm:


- Phải đấy, gả sớm chừng nào mình đỡ lo chừng ấy, thời buổi khó khăn bây giờ tiền bạc trở thành sức mạnh, con gái hơ hớ ra hễ thấy tiền mà ham là bị dụ dỗ như chơi không thể lường được.


Cứ mỗi bà một câu góp vào đã làm cho mẹ thêm bối rối, thế là chuyện mai mối được bàn thảo trong những lần đi buôn chung. Một đôi khi, Quỳnh nghe được vài câu đối thoại giữa mẹ và các bà bạn, ai cũng đều nhận xét là Quỳnh hiền so với Thanh. Nhưng Quỳnh nghĩ rằng chữ “hiền” mà các bà buôn bán đã “gắn” cho Quỳnh không có nghĩa như một lời khen, mà lại ngụ ý như một sự chê trách nhẹ nhàng, bởi họ thích Thanh nhiều hơn ở cái tính lanh lẹ hoạt bát, và tự nhiên. Năm đó, Thanh chỉ mới mười chín, nhỏ hơn Quỳnh hai tuổi. Tướng nó cao hơn Quỳnh, tròn trĩnh, lại thích điều khiển mọi việc trong nhà, khiến cho ai nhìn cũng tưởng Thanh là chị của Quỳnh. Lúc đó, Thanh đang học trường trung học kế toán tài chánh năm thứ nhất, cô nàng rất giỏi tính toán hay giúp mẹ cộng sổ, cũng như kiểm hàng. Mặc dù mấy bà mối rất thích Thanh, nhưng cô không phải là mục tiêu để mẹ nhắm đến chuyện mối mai, gả bán, mục tiêu của mẹ là Quỳnh; con gái đầu lòng thì phải đi trước cho các em noi theo. Quỳnh rất khó chịu và ngượng ngùng trước những cặp mắt quan sát của các bà đã từng có kinh nghiệm đi hỏi vợ cho con trai, và bấy giờ đã là những bà mẹ chồng thật khó tính. Đã mấy lần Quỳnh phản đối mẹ về chuyện này:


- Thôi mẹ ơi, mẹ đừng có lo chuyện mai mối cho con nữa được không? Vợ chồng là duyên nợ mà, mẹ cố gán ghép hoài con không chịu thì cũng không thành đâu.


M ẹ trợn mắt:


- Không chịu là thế nào, cha mẹ đặt đâu thì phải ngồi đó, năm nay mày đã hai mươi mốt rồi, không lo chuyện chồng con bây giờ thì còn đợi đến khi nào nữa.


- Thì đợi đến khi bố về đã.


- Biết bao giờ bố mày mới về. Mẹ thở dài nói, hôm nọ đi thăm nuôi, tao có hỏi rồi, bố mày bảo việc chồng con của chúng mày không cần phải đợi ông về.


Quỳnh nhìn thấy mẹ rơm rớm nước mắt sau câu nói đó, rồi mẹ buồn rầu dịu giọng tiếp:


- Mẹ vẫn biết việc dựng vợ gả chồng cho con mà không có bố mày thì vui vẻ gì đâu, nhưng bố mày bị tù đày không có thời hạn về, nếu chờ, thời gian cứ kéo tuổi xuân con gái đi thì lại khó thêm ra.


Mẹ lại thở dài, im lặng một lúc, chợt mẹ nhìn Quỳnh gắt nhẹ:


- Mà mày cũng phải tươi tắn lên một chút coi, còn trẻ mà mặt mũi lúc nào trông cũng buồn rười rượi thế kia thì ai mà muốn ngó.


Quỳnh nhăn mặt nhìn mẹ:


- Mẹ bảo con phải tươi làm sao, đi làm gặp nhiều thứ phiền toái phải đương đầu, con cười không nổi rồi đó.


- Con gái dù có buồn lo đến đâu cũng không nên thể hiện ra mặt trông não nề lại chóng già lắm biết chưa?


Thanh chen vào hỏi:


- À, ý mẹ muốn là “trong héo ngoài tươi” đó hả mẹ? Giống như con đây nè, phải không?


Mẹ lắc đầu mắng yêu Thanh:


- Ồ, mày thì lại toe toét quá, vô duyên chưa nói đã cười.


Thanh cãi:


- Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ đó mẹ à.


- Phải rồi thuốc bổ lắm nên mày cứ cười hoài trông như khỉ đột ấy…


Quỳnh nhắm mắt lại cố không nhớ đến ngày cuối cùng tiễn mẹ… Ngày ấy thật đau đớn quá! … Niềm mơ ước cho năm nụ hoa con gái của mẹ chưa kịp loé lên một ánh sáng nào, để nở ra những bông hoa tình yêu thì đã tàn lụi…Nếu người đời ví đàn bà con gái như những cánh hoa thì đời hoa thật là khổ biết chừng nào. Hoa chỉ có một thời tươi thắm để cho mọi người nhìn ngắm, nâng niu, trầm trồ. Khi hoa tàn rồi thì bị vất bỏ không thương tiếc, luật đào thải hiển nhiên đó trong cuộc đời như là sinh lão bệnh tử. Thế mà khi nghĩ đến nó, Quỳnh không khỏi bùi ngùi thương cho những ngày tàn của tuổi xuân mình đang đến trong cảnh cô đơn. Buồn cho những lời chế diễu, mỉa mai và cười cợt về một chữ “ế” đầy thương hại. Quỳnh mơ hồ nhớ đến cảnh “ chôn hoa” trong phim “Hồng Lâu Mộng” thuở nào, một cô tiểu thư trẻ với tính đa cảm khi dạo chơi trong vườn hoa, thấy nhiều cánh hoa rụng trên đất, cô đã khóc thương cho những cánh hoa ấy. Rồi cô tự tay lấy xẻng vừa chôn hoa, vừa đặt bài thơ “Thương Hoa”. Cảnh tượng vớ vẩn đó đã ám ảnh Quỳnh mãi cho đến bây giờ…

 havo3-large-content


Chợt có tiếng sáo vang lên đâu đó thật êm đềm. Quỳnh lắng tai nghe âm thanh lên bổng xuống trầm trong giai điệu quen của bài: “Con Thuyền Không Bến”. Tiếng sáo nhẹ đưa Quỳnh vào một giấc mơ với năm nụ hoa: Tường Vy, Dạ Quỳnh, Dạ Lan, Dạ Hương, Dạ Thảo trên một chiếc thuyền trôi theo trăng đi tìm bến đậu tình yêu. Ồ, mà tình yêu đâu có tìm được. Tình yêu là xuất phát từ trái tim, từ cảm xúc trong tâm hồn. Thuyền hoa đã chẳng tấp được vào bến yêu nào, khi những nụ hoa còn thiếu bàn tay vun bón nên nó cứ trôi, trôi mãi, và rồi Quỳnh thiếp đi trong cảm giác trôi mơ bên tiếng sáo…

(Còn tiếp)

 

THIÊN LÝ

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười 2015(Xem: 183542)
Quan trọng là luôn được sự yểm trợ và thương mến của quý Niên Trưởng, quý Huynh Trưởng và các hội đoàn người Việt hải ngoại
15 Tháng Mười 2024(Xem: 51)
Dòng văn nghệ vàng son của miền Nam lại phải ngả mũ chào thêm một cái tên lớn của âm nhạc ra đi, để lại một di sản vẫn vang lên từng ngày ở mọi nơi.
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 1081)
Chính âm thanh của cuộc sống sinh động ấy đã lắng đọng mãi trong ký ức của tôi, và đã cho tôi những hoài niệm đẹp của ngày xa xưa trên con đường THĐ - nơi tôi sinh ra và lớn lên.
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 1096)
phải mang nỗi nhớ nhung ra kể với bạn về một phần đời của Sài Gòn năm cũ. Còn bạn, ký ức nào vẫn còn lưu giữ về một thành phố ngày xưa?
30 Tháng Năm 2024(Xem: 1433)
nhiệt tình của một ông thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt thầy với chân thành thương tiếc!
14 Tháng Tư 2024(Xem: 1228)
Nhưng tôi không bao giờ quên những khoảnh khắc cuối tháng tư đau thương ấy. Tôi không bao giờ quên một khoảng đời đen tối ấy.
30 Tháng Ba 2024(Xem: 1941)
Dòng sông có tiếng hát đấy, tiếng hát trong im lặng, chỉ mình tôi nghe, và nó rất buồn.
11 Tháng Ba 2024(Xem: 2032)
Đôi khi trong cuộc đời làm thơ có những ngẫu hứng bất ngờ , thích thú như vậy. Câu chuyện trên với tôi là một kỷ niệm nho nhỏ
07 Tháng Ba 2024(Xem: 1809)
Chính vì những cảm nhận như thế nên mới có bài viết này để trân trọng tác giả đã nói lên được điều ấy.
04 Tháng Ba 2024(Xem: 1724)
Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ
02 Tháng Ba 2024(Xem: 1491)
Tất cả không vì một lợi nhuận nhỏ nhoi nào chỉ vì trái tim nồng nàn của người nhạc sỹ.
19 Tháng Hai 2024(Xem: 2096)
Tôi chỉ muốn có một nước Việt Nam như thế. Có thể bạn sẽ hỏi: “Vì sao? Để làm gì?
03 Tháng Giêng 2024(Xem: 2226)
Cố thắp cho nhau một ngọn đèn. Để dù trong tăm tối ta còn được cháy trong lòng nhau
30 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2147)
So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận quốc tịch của một nước khác.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2001)
Cầu mong cho những cô học sinh nhỏ trong bức hình, cô học sinh lớp Sáu trong bài thơ của Trần Bích Tiên và luôn cả Trần Bích Tiên nữa bình an
04 Tháng Mười 2023(Xem: 2328)
Thôi .. giờ bên nhau đã hết. Bầu trời vần vũ kêu mưa. Tạm biệt mầy..Hẹn ngày tái ngộ ...gần thôi.
05 Tháng Bảy 2023(Xem: 2914)
Throughout the day, we danced and sang songs that transported us back to those high school days
30 Tháng Sáu 2023(Xem: 4433)
Tôi cũng sẽ kể lại cho con tôi là tôi đã từng sống trong một nước Việt Nam Cộng Hòa văn minh và nhân bản như thế
14 Tháng Năm 2023(Xem: 3275)
chuyện của má tui. Những chuyện bình thường, lặt vặt mà sao với tui nó quý quá chừng
13 Tháng Năm 2023(Xem: 3078)
Lau xong nhìn rõ mình trong đó Thấy lại Mẹ hiền trong phút giây!
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2887)
Cầu nguyện linh hồn anh An Bình nơi nước Chúa Nguyện ơn trên cho chị đủ sức mạnh để vượt qua tất cả
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2684)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2643)
Nếu người dân miền Nam hiểu biết về cộng sản Bắc Việt như người dân Ukraine hiểu biết về cộng sản Nga, lịch sử Việt Nam ngày nay (có thể) đã khác
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3019)
Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
19 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 3529)
Anh và những êm ái của tình yêu, dù cho tôi đã đáp lại một cách tệ hại thì cũng là mối tình rất đẹp.
02 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3850)
Anh nằm xuống ở một nghĩa trang buồn, xa xôi. Chỉ có loài chim thôi !! Hôm nay, ngày 2/11. Ngày lễ các linh hồn. Tôi cầu xin linh hồn anh được hưởng nhan Chúa Trời ! Đời Đời !
14 Tháng Chín 2022(Xem: 4227)
Nhân ngày sinh nhật, chúc Hạnh thật nhiều sức khỏe và hoạt động hăng say. Cám ơn Dậu và các cháu lúc nào cũng ủng hộ và tạo điều kiện cho Hạnh đến với các sinh hoạt của Biên Hòa.
14 Tháng Tám 2022(Xem: 4166)
Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khuớc từ,
04 Tháng Bảy 2022(Xem: 3667)
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn. Xin cảm ơn Nebraska, quê hương thứ hai yêu dấu
10 Tháng Sáu 2022(Xem: 4431)
đã từng vui, đã từng buồn rồi mỗi người đôi ngả. Năm tháng đã qua ấy, tôi gọi tên là thanh xuân.
30 Tháng Năm 2022(Xem: 4776)
âm ỷ thốn vào đời sống, dai dẳng đeo theo mỗi khi trở mùa / viên đạn mang nỗi đau mất quê hương mất nguồn cội.
23 Tháng Tư 2022(Xem: 5045)
Và thấy ai đó đang khóc thầm nhớ tiếc những ngày vàng son, những ngày con người dù đau khổ, chết chóc những vẫn còn biết tử tế với nhau
03 Tháng Ba 2022(Xem: 5490)
tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót, hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.
14 Tháng Hai 2022(Xem: 5174)
Nam không trách gì anh ta, cũng vì quá thương em gái, nếu như em gái của Nam gặp trường hợp này thì chắc Nam cũng sẽ làm như vậy.
09 Tháng Hai 2022(Xem: 5068)
Gửi đến Biên Hòa quê hương lời Chúc Mừng Năm Mới. Chúc các bà chị dâu vượt bao bệnh tật để vui cùng con cháu.
01 Tháng Hai 2022(Xem: 4930)
Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Nhâm Dần dịch bệnh cũng lui binh
27 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5863)
Cám ơn Thầy Cô bạn bè đồng trường đồng lớp. Cám ơn những người bạn ở khắp thế giới đã chia sẻ vui buồn và trao đổi văn thơ.
13 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5606)
Bốn năm anh đã nằm xuống, 4 năm tôi để anh tại chùa nghe kinh. Bây giờ tôi phải để anh nhẹ nhàng thân xác.
08 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5665)
Thương quá ai ơi tôi không đủ chữ Giảng nghĩa dùm tôi cái chữ ân tình!
29 Tháng Tám 2021(Xem: 6653)
Hỡi các bạn đang còn sống, đừng bao giờ nghĩ mình có thể sống chung với bệnh dịch khi ta chưa có thể khắc chế được nó!
25 Tháng Bảy 2021(Xem: 6738)
Mong một ngày gần nhất mọi chiến sĩ chống giặc được về nhà. Người người sẽ trở lại với saigon còn tôi được về thăm quê hương
19 Tháng Bảy 2021(Xem: 6810)
lòng tôi rộn ràng vui như ngày tựu trường năm cũ, sắp được gặp lại các người thân yêu....
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6495)
Hôm nay nghe Mạnh đứng ra làm lại chiếc nhẫn khoá 25. Có lẽ là người sung sướng và hạnh phúc nhất là chính mình.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5973)
Người yêu ấy có phải là tôi không? Chỉ có anh trả lời được. Tiếc thay anh đã chết không thể trả lời.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5860)
tôi phân vân quá, vì bạn tôi hôm qua gọi điện cho tôi nói "Mày có phước lắm, được ở gần chùa."
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5890)
Các bạn Muối men cho đời ơi! Các bạn đã thực hành lời Chúa thật dễ dàng và đẹp đẽ! Tôi xin thay mặt cho những người nhận quà hôm nay Cám ơn các bạn!.
03 Tháng Bảy 2021(Xem: 6044)
vì đã chịu lấy tôi, một người thua cuộc mất hết tất cả để rồi phải khổ, trong khi bao nhiêu người khác muốn cung phụng em.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 6632)
Chiếu đời mâm cỗ vinh nhục có phúc có phần, thời trẻ trai hay khi trai chẳng còn trẻ thì cũng thế thôi
29 Tháng Năm 2021(Xem: 6098)
“Ngày của Cha” sắp đến nơi rồi. Các bác trai hãy cùng tôi “nối vòng tay nhỏ” và làm ngày này là một ngày thiêng liêng không thua kém gì ngày “Mother’s Day.”