THƠ THÁI THỤY VY
Anh Thái Thụy Vy tặng tôi tập thơ đầu tay "Nụ Hôn Loài Lan Tím Dại" vào một buổi trưa cuối xuân tại Hành Lang Eden. Tôi biết anh từ lâu vì các con của anh và con tôi đều cùng học một trường trung học và đại học với nhau.
Tôi không ngờ anh lại là một nhà thơ và tác phẩm đầu tay của anh có tới 98 bài. Đọc thơ Thái Thụy Vy tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm vì tâm sự u ẩn của anh đã trải ra trên hầu hết các bài thơ. Thơ Thái Thụy Vy thật là da diết, chắt chiu, và nung nấu.
Anh thích viết nhiều về nắng (có tới sáu bảy chữ nắng trong một hai bài) thí dụ trong bài "Nắng Mười Sáu" :
"Thành phố ôm em trong nắng
say"
"Nắng trao thành phố vòng tay cũ"
"Nắng với em như bóng với hình"
Thơ anh nhắc đến mùa thu với gió lạnh và lá vàng:
"Thu có thương chăng chiếc lá
vàng"
"Đợi gió thu sang trận gió vàng"
"Mùa thu tha hương gió lượt là"
Anh cũng dùng hạt sương để mô tả tâm tình thổn thức:
"Khi đi lấm tấm sương
khuya,"
"Trở về sương thắm đầm đìa mái đông"
"Người đâu chỉ thấy sương mù,"
"Đàn ai thổn thức vi vu phím ngà"
Anh ưa dùng mây trời dể nói lên những tháng ngày ray rứt :
"Lênh đênh mây phủ tứ
bề"
"Hạc vàng biền biệt thang mây"
"Mà sao mây trắng còn say lững lờ."
"Sông phố buồn chìm lắng bóng mây trôi."
Thái Thụy Vy có một say mê đặc biệt về những nụ hoa màu tím. Tựa đề của tập thơ anh cũng mang tên một loài hoa màu tím. Tôi được biết anh đang sưu tầm hoa lan, mà anh có đủ loại lan và nhiều nhất là lan tím:
"Nơi tôi ở nhiều hoa lan màu
tím"
"Pensée tim tím nô đùa gió thu"
"Khi lên bờ chợt thấy chùm hoa khế"
"Bông li ti tim tím phủ đầy cây."
"Nói với em lời hoa tím thì thầm"
"Lục bình bông tím trôi hờ hững"
"Bằng lăng tim tím khóc thầm"
"Si em màu áo tủi hờn hoa sim"
Anh cũng viết nhiều về mầu sắc: "chấn song xanh, hoa vàng, thu xanh, mắt nhung đen, môi hồng, phượng đỏ, mai vàng, tuyết trắng..."
Thơ Thái Thụy Vy cũng mang nhiều âm thanh:
"Xuyên lối mộng chim chíp
tiếng chim oanh"
"Bỗng lao xao bức rèm thêu rón rén."
"Đêm nằm nghe tiếng hoa trinh,"
"Tiếng rơi cô động kết tinh hạt buồn"
"Chuông chùa âm hưởng thênh thang,"
"Tiếng gà gáy sáng giấc nàng trở trăn."
"Tiếng dế thì thầm, quốc kêu van, "
"Một chiếc lá khô vừa lìa cuống,"
"Xào xạc trên thềm ngỡ chân hoang."
Những âm kép anh dùng hết sức hũu hiệu trong việc tượng hình, tượng thanh và diễn tả động tác và tình cảm : "chắt chiu, chim chíp, lao xao, thê thiết, lai láng, thon thon, mông lung, lãng đãng, ngà ngọc, thắm thiết, mảnh khảnh, đầm đìa, lững lờ, bềnh bồng, hun hút, nghiêng ngửa, thui thủi, quặn trào, ê chề, nghiệt ngã, lất lây, nỉ non, tả tơi, ngây ngất, rưng rưng, li bì, han rỉ, đắng cay, lừa dối, phôi pha, bẽ bàng , quạnh hiu, dở dang, ngở ngàng, lang thang, mênh mang, man mác, chơi vơi."
Thơ Thái Thụy Vy phảng phất những âm điệu của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Đông Hồ và Hàn Mạc Tử. Là người yêu thơ tiền chiến, tôi rất thích những bài anh áp dụng quy luật cổ điển về các vần bằng trắc.
Trong 98 bài, anh đã thí nghiệm đủ thể thơ:
Bài "Đêm Độc Huyền" là bài độc nhất tôi xin phép xếp vào loại thơ tự do vì các câu lục bát, xen lẫn với song thất và cả thất bát, với các yêu vận và cước vận không theo một nhịp điệu cố định.
Sau đó là một bài thơ bốn chữ với mười ba câu đều có yêu vận vần "âu". Đây cũng là một kỳ công của tác giả vì làm thơ bốn chữ không khéo sẽ hóa thành loại sớ Táo Quân.
Các bài thơ năm chữ có sáu bài, rồi tám bài tám chữ. Loại thơ Thái Thụy Vy làm nhiều hơn cã là thất ngôn với 29 bài và rồi đến lục bát với 53 bài.
Thái Thụy Vy cũng viết một bài thể lục bát với năm đoạn, mỗi đoạn có một câu sáu mở đầu láy lại thành tám chữ. Đó là bài "Chàng về".
"Chàng về chàng về cay đắng
lệ chan"
"Quê hương giờ đã tan hoang lạc loài"
"Lối xưa tang trắng bông xoài"
"Nhớ người thì cũng đã hoài tuổi xanh"
Nhiều bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của anh dùng cả bốn yêu vận trong mổi đoạn, anh thích dùng cùng một vần bằng:
"Nghe tâm tư bềnh bồng cô
liêu"
"Loang loáng dưới sông nắng mỹ miều "
"Nghe cỏ hoa dàu dàu đăm chiêu"
"Cánh hạc vàng thu nắng gọi chiều"
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
"Nghe tim côi thật thà bao dung"
"Ôi nhớ, chiều nay nhớ lạ lùng"
"Nghe nắng hôn hoang đường mông lung"
"Mây phiêu linh vào cõi vô cùng."
Thái Thụy Vy cũng thí nghiệm những âm láy trong bài " Tâm Sự Một Giòng Sông" :
"Có một giòng sông lưu luyến
lưu"
"Mỏi cánh thời gian phai phôi phai"
"Có một giòng sông khao khát khao"
"Chảy kiếp ba sinh phau trắng phau"
"Có một giòng sông thao thức thao"
"Dưới bến hồn tôi đau cắt đau."
Bài "Mặt Trời Lá và Em" theo thể thơ cổ điển là bài mà tôi rất ưng ý:
"Lá đâu có chết lá đang
rơi"
Buông mình thong thả lượn chơi vơi"
"Dù trong gân lá ngưng dòng sữa"
"Mặt lá bừng lên ánh mặt trời."
Bài "Nắng Quê Ngoại" đầy hình ảnh của quê hương miền Nam được làm sống lại với những con đò dọc, vàm ngã ba sông nhỏ, Cù Lao Rùa, con trâu già, đôi cò trắng, trái trôm, hoa khế, bưởi thanh, bưởi đường cây tràm, đường phổi, trái thanh long, trái bưỡi ổi..."
"Con cá vảnh quẩy đuôi đỏ
trúng dầm"
"Con trâu già cày kéo thở phều phào,"
"Đôi cò trắng theo sau tìm dun dế."
Là những câu mô tả thật linh động những hình ảnh của quê hương yêu dấu.
Những bài thơ lục bát của anh rất điêu luyện. Thơ lục bát của anh êm nhẹ, quyến rủ như thơ của Nguyễn Bính trong bài "Cô Hàng Xóm", Huy Cận trong bài "Ngậm Ngùi" , Xuân Diệu trong bài "Chiều", Khái Hưng trong bài "Tình Tuyệt Vọng".
Đa số các bài lục bát là những tiếng khóc ray rứt, những lời oán trách, những tình cảm nghẹn ngào:
"Lối về tuyết trắng chịu
tang,"
"Nụ hoa buốt gíá lang thang nẻo tình."
"Chiều nay có kẻ tình say,"
"Lấy mây băng vết thương tầy cổ sơ"
"Người ơi có biết cho chăng"
"Khuê phòng lạnh lẽo nhện giăng chín tầng"
"Tôi qua phố ấy mấy lần"
"Hàng cây bật khóc lịm dần cơn mê."
"Đèn xanh khao khát hẹn về"
"Gió khua thảm lá ê chề bước đêm"
"Cõi xưa cơn lóc quay cuồng,"
"Cõi người rơm rớm, cõi thơ đượm tình."
"Cõi tim chôn chuyện chúng mình,"
"Đêm nay trái đất vẳng kinh gọi hồn."
"Đêm đêm ta khóc một mình,"
"Sao run sao ruổi men tình rụng rơi."
"Người đi tim nát tả tơi"
"Với ta còn mỗi một đời lang thang."
"Còn chi em hỡi cho anh ?"
"Đắng cay, lừa dối, phôi pha, bẻ bàng ?"
"Lòng ta chứa một mối hờn,"
"Sóng cao chồng chất chẳng sờn tháng năm."
"Tim ta bầm nát mối căm,"
"Ai người đã giết trăm năm chặt bền."
"Đường vào tình sử phai phai."
"Kiếp hoa hóa kiếp đầu thai lụy trần."
Thái Thụy Vy cũng vẫn còn say sưa ngây ngất với những đam mê đã đi vào dĩ vãng:
"Mùa hoa bưởi yêu kiều hơi
thở"
"Búp tay gầy ướp hương nỗi nhớ"
"Đêm dặt dìu ánh mắt lưu ly"
"Má hây hây thơm tuổi dậy thì"
"Mắt có đuôi nụ cười mơn trớn"
"Tim trổ hoa xác thân mới lớn,"
"Bài vỡ lòng em học lóm yêu đương."
"Rờn rợn da em trắng toát hồn"
"Mắt đêm âm ấm thấm nụ hôn"
"Nụ cười xinh xinh tóc bím mân mê"
"Chiếc cổ trần trắng mát dốc gò mơ."
"Mưa bay ướt mượt tóc nàng"
"Ấp yêu cổ trắng bàng hoàng ngất ngây."
"Làm sao quên nổi người thơ"
"Vì em nhan sắc tóc tơ dịu hiền"
"Ngực tròn da trắng thiên nhiên"
"Môi son kết nụ đóa hôn ngọt ngào"
"Em cho anh những tháng gầy"
"Đam mê đắm đuối, đong đầy ái ân."
Thái Thụy Vy không chỉ khóc cho mình mà còn thương cho những thân phận cô đơn đọa đầy khác trong chuyện phim "Children of a Lesser God" và "The Last Emperor" cho cô bán hàng sách, và cho cả những người tị nạn HO:
"Mĩm cười đi phế binh
ơi!"
"Nằm gai nếm mật, con đi bới mìn."
"Mỉm cười đi Hát Ô ơi!"
"Mỹ du để thấm Đồng Minh nhân từ."
"Chữ đực chữ cái xem vuông
tròn"
"Đời tôi con gái phận chon von "
"Văn chương thi tứ ai làm sẵn"
"Ngồi bên chồng...sách ngậm bồ hòn."
Thái Thụy Vy đã thành công qua tác phẩm đầu tay. Anh là người thơ, có đủ đầy chất thơ, sống và hít thở với thơ. Những chân tình anh kể lại như những lời nức nở của một kẻ thất tình kinh niên. "Mổi lần tim vỡ, càng ưa thất tình."
"Em đã đâm anh một nhát
sầu"
"Vừa êm vừa thấm lại vừa đau"
"Bao giờ em chẳng còn ai nữa"
"Là lúc dao mềm khóc thiên thâu."
Đây là lời thơ của người yếm thế, nhưng gặp Thái Thụy Vy tôi luôn luôn thấy trên môi anh nở một nụ cười thật tươi. Nếu không được đọc tâm sự của anh qua thi phẩm, chắc tôi không thể ngờ anh lại đa tình, và si tình như vậy. Anh bắt đầu đi vào nghiệp làm báo, và tôi chắc chắn anh sẽ tiếp tục sáng tác nhiều bài thơ khác mà chúng ta mong được đọc trong các tuyển tập mới. Tôi ao ước được đọc thêm nhiều bài thơ của anh theo cung bậc cổ điển với nhiều màu sắc, hương vị, âm thanh và động tác. Anh có tài về việc dùng những chữ tượng hình và tượng thanh như tôi đã nói ở trên. Tôi tin chúng ta sẽ thấy thiên tài Thái Thụy Vy bay vút lên như một vì sao đổi ngôi.
Giáo sư Bùi Hữu Thư , Ph.D.
Cuối Thu 93