Chào Xuân Mới Với Những Nụ Cười
Nụ Hôn
Độc Đáo Trong Ca Dao Miền Nam
Hoàng Quỳnh Hương
San Jose 2013
Từ thời xa xưa đến nay, mỗi khi mùa Xuân đến, không ai bảo ai, đều chuẩn bị mừng đón Tết Nguyên Đán. Đó là ngày vui nhất của năm sau ngót hơn 365 ngày đầu tắt mặt tối. Tết chẳng riêng ai mà cho khắp mọi nhà, mọi dân tộc, là một tục lệ cổ truyền của người Việt Nam. Trong các cái Tết chỉ có Tết Nguyên Đán được xem là vô cùng hệ trọng. Đối với quốc gia thì Tết tượng trưng và tiêu biểu cho linh hồn của một dân tộc, cho dù sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cũng không thể nào quên phong tục tập quán của quê hương mình. Đó còn là dịp để chúng ta gặp gỡ nhau, hứa nguyện trước bàn thờ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ giữ gìn ý tứ, lời nói, và nhất là hành động sao cho trong sạch suốt năm.
Ngày Tết có lắm tập tục, chẳng hạn như tục xông đất,
tục dựng nêu, tục lì xì v.v…Người đến chúc Tết lúc nào cũng được gia chủ đón tiếp
nồng hậu với nụ cười tươi, cùng tất
cả lời chúc lành đẹp nhất. Thể hiện bằng chén trà, ly rượu, bánh mứt…Cũng có
nơi gia chủ mời ăn vài món đồ mặn để nhâm nhi với chung rượu lạt nữa.
Như “luật bất thành văn”, người Việt Nam chúng ta cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có tục lệ tổ chức những ngày lễ Tết trọng thể, tưng bừng và tiệc tùng linh đình vào ngày đầu năm.
Ngày Tết Nguyên Đán còn có tục gặp nhau là phải cười, dù cho có ghét nhau mấy đi nữa, có đói, có no, giàu hay nghèo, gặp nhau ba ngày Tết ai cũng vội nhoẽn miệng cười tươi tắn để chúc phúc cho nhau…Ông bà Tổ Tiên ta đã dạy:
Thứ nhất là đạo làm người
Dù
no dù đói cho tươi mặt mày.
Những ngày đầu năm mới, kỵ nhất là mặt mày ủ rủ, phải vui tươi thì mới hy vọng cả năm làm ăn khấm khá. Sau đây tôi xin đơn cử nhiều kiểu cười khác nhau, tất cả mọi tình huống mà chúng ta không ít người có thể bắt gặp trong đời sống hằng ngày, hoặc đọc qua và tìm thấy trong ca dao tục ngữ miền Nam.
Có người khi gặp nhau thì có nụ cười gượng gạo, cười trừ, cũng có người có nụ cười vô duyên thì lại cũng có người ta bắt gặp có nụ cười bẽn lẽn, hoặc cười khúc khích cười bả lả…
Để có dịp làm vui cho mọi người những ngày đầu năm mới. Hai câu thơ dưới đây cho thấy:
Phất phơ ngọn cỏ gió lùa
Thấy
em cười gượng anh chua xót lòng.
Chỉ cần nhìn nụ cười gượng của nàng thôi đã làm cho chàng phải đắn đo, suy nghĩ. Cũng có khi vì nụ cười gượng này đã làm chàng không dám bước tới:
Bắp non xao xác trổ cờ
Thương
nhau xin chớ nhởn nhơ cười trừ.
Trong tình yêu đôi lứa, nhiều khi chúng ta bắt gặp và đáng ghét nhất khi nhìn thấy nụ cười trừ, tuy nó vô âm, vô điệu mà lại rất là vô duyên.
Hầu như phái nữ là rất kỵ và rất ghét nụ cười vô duyên này lắm, nhưng lại hay bắt gặp nụ cười trừ ở phái nam. Cho nên vì vậy mà có câu:
Đứng xa kêu bớ em Mười
Thương
hay không thương, em thiệt đừng cười đẩy
đưa.
Thật ra nếu bắt gặp nụ cười đẩy đưa thì thật không thiện cảm tí nào, mà còn có thể nói là khó ưa nữa là khác. Tuy nhiên trong nụ cười đẩy đưa ấy có thể trong bụng nàng muốn kéo dài thời gian tìm hiểu chàng, kéo dài thời gian dò xét nên mới có nụ cười đẩy đưa…Cũng như nàng muốn tìm kế “hoản binh” mà thôi. Điều đàn bà tối kỵ nhất và hay tìm cách tránh đàn ông bởi họ thiếu kiên nhẩn nên có câu:
Cây tre nhặt mắt, gió quặt cây tre quằn
Nghe
anh cất tiếng cười gằn, em trở gót
thối lui.
Có thể chàng đang giận nên chàng cười gằn, từ cười trừ chuyển sang cười gằn:
Chiều chiều ra đứng vườn cà
Thấy
anh cười lạt, trở vô nhà, em hốt muối
em ăn.
Cười lạt thật ra độc đáo hơn cười gằn. Nhưng cũng có một kiểu cười khác “độc” hơn, nhiều người nhận xét cho rằng cười lạt độc hơn cười gằn:
Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ
Anh
cười bả lả em ngờ duyên anh.
Nghe giọng cười bả lả của chàng. Người mà mình yêu thầm trộm nhớ chỉ biết cười bả lả thì chắc chắn duyên nợ sẽ không đi đến đâu. Bởi nụ cười bả lả biểu lộ sự cợt nhả, bông lơn của kẻ chỉ tính chuyện lợi dụng, qua đường.
Đàn ông thì họ có trăm cách, trăm mánh khoé để biện hộ cho nụ cười bả lả này.
Có những cô gái thuộc loại vô duyên, chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy…Hay có những cô gái thuộc loại điêu ngoa, chuyên môn cười châm chọc: Cười toe toét, cười bò càng bò niểng. Rồi lại có những cô gái cười đến chảy nước mắt nước mũi. Cười chành bành, cười nhắm mắt hả họng…
Có những chàng mới gặp thấy nàng có vẻ nhu mì, nhưng cũng bị lầm nên than thầm:
Tưởng đâu bến đã gặp thuyền
Nào
hay em cười lãng nhách, anh liền lui
ghe
Nhìn vợ người hàng xóm không ra gì, chàng liền so sánh:
Thà rằng chịu cảnh gông xiềng
Còn
hơn có vợ cười vô duyên tối ngày
Nhiều anh chàng than khổ, sao mà khó quá! Kiếp sau xin chớ làm người…Bắt bẻ nhau chi một tiếng nói, một kiểu cười:
Con quạ nó núp vườn chuối
Thấy
em đứng cười lỏn lẻn với ai!?
Cười lỏn lẻn là một kiểu cười dễ thương của các cô gái hay e thẹn. Nhưng đôi khi cũng bị hiểu lầm là:
Cô kia cười cợt ghẹo trai
Cái
miệng méo xẹo như quai chèo đò
Quả thật ở sao cho vừa lòng người khi thương thì “trái ấu cũng tròn, ghét nhau thì bồ hòn cũng méo”. Đã vậy:
Phòng trong sớm mở tối gài
Ai
cười khúc khích để phòng ngoài ngẩn
ngơ.
Nàng ở trong nhà cười khúc khích, lúc nhìn ra thấy chàng mặt mày ngẩn ngơ. Vậy mà có ai đề cập đến nàng thì lại làm bộ làm cao:
Thôi thôi tình phải buông lơi
Chưa
chi em đã vội cười toét toe…
Ca dao miền Nam thật phong phú, không thiếu những nụ cười khi “Cá chưa cắn câu”. Những nụ cười của tình yêu đơn giản, những nụ cười hạnh phúc, rất thâm thúy và nồng nàn:
Bông cúc nở trước sân, con bướm vàng nhận nhụy
Thấy
miệng em cười hữu ý anh thương
Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm
răng em trắng, miệng cười giòn anh
mê.
Tóc em dài em cài hoa thiên lý
Thấy
em cười hiền, anh để ý anh thương.
Con kiến vàng bò ngang đám bí
Thấy
miệng em cười ẩn ý, anh đở lo.
Cóc nghiến răng còn động lòng trời
Cũng
vì em có điệu cười mím chi
Bới tóc cánh tiên bỏ vòng lá liểu
Thấy
miệng em cười, trời biểu anh thương.
Chỉ một nụ cười của em thôi đã làm “động” tới lòng trời.
Tất cả mọi người chúng ta sống nơi xứ người, những nụ cười hạnh phúc thì thật quý giá vô cùng.
Hiện nay, rải rác khắp nơi trên thế giới như Đan Mạch, Ấn Độ, Canada…Đều có “Festival chỉ để cười” Tất cả mọi người đều cố tập cho mình một kiểu cười chẳng giống ai. Tuy nhiên có một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là hãy đem lại cho người khác những nụ cười lành mạnh!
Phong tục ngày đầu năm, gặp nhau ai cũng phải cười, cười cũng còn là một thần dược. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Trị được cả bịnh thể xác lẫn tâm hồn, cười làm ta cởi mở, bao dung và nhất là có một tinh thần lạc quan yêu đời. Tất cả các kiểu cười: Cười Mím, Cười Nụ, Cười Ra Tiếng, v.v. Đều làm cho khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn trong ngày đầu năm mới. Bởi vì chính những nụ cười này sẽ đem lại cho họ niềm vui, may mắn suốt năm.
Nụ Hôn Trong Ca Dao Miền Nam
Hầu hết mọi người từng ít nhất một lần hôn nhau để thực hiện tình cảm và cử chỉ thương yêu, hiện nay đặc biệt phổ biến. Một điều chắc chắn nụ hôn đồng hành cùng nhân loại từ lâu lắm.
Ở một phạm vi nào đó người ta vẫn cho rằng, nụ hôn đem lại niềm thích thú, do hai môi chạm nhau, sẽ tạo ra một dòng điện.
Nụ hôn, gần như món ăn không thể thiếu của những đôi uyên ương. Nhưng hôn như thế nào thì không phải ai cũng biết. Để biểu lộ tình yêu và khơi dậy cảm xúc nơi ngươì mình yêu và sẽ đặt đôi môi mềm mại của mình vào đâu? Đó là những vùng da nhạy cảm, mềm mại…
Phụ nữ thường thích được tặng quà quý nhất là những nụ hôn ngọt ngào…
Nụ hôn trong ca dao Miền Nam cũng không kém phần nóng bỏng và rất ư là mùi mẫn, gợi tình.
Người miền Nam thường dùng chữ Hun thay vì nói Hôn. Sau đây là những kiểu hun trong ca dao miền Nam:
Khi chưa yêu, các chàng trai làng mới liếc nhìn ai thấp thoáng qua rặng trâm bầu tà áo bà ba phất phới, chàng đứng trên cầu Ô Rô mà lòng đã thấy sụt sôi, bừng bừng lửa yêu rồi, nên chàng bạo dạn:
Bớ cô má lúm đồng tiền
Cho hun một chút đỡ ghiền khi xa
Chẳng lẽ các cô gái nghe vậy đưa má cho “cha căng chú kiết” nào hun sao?
Nhưng anh ta không sờn lòng nản chí mà nhỏ nhẹ kỳ kèo:
Đôi mình mới gặp ngày nay
Cho hun một
chút, em Hai đừng phiền.
Hay không bằng lì, ăn nhau ở nước bền, chàng cứ nài nỉ riết cũng có ngày nàng xiêu lòng nàng đáp:
Muốn hun thì hun cho liền
Đừng
làm thổ lộ xóm giềng cười em.
Tui hun mình dẫu có la làng
Thì tui ra xóm hai đàng chịu phạt chung
Tui hun mình dẫu có làm hung
Nhơn
cùng tất biến, tui chun xuống sàn.
Anh chàng này lợi dụng hun bạo quá. Nhưng nhờ cái tài lẻo mép, nên các nàng chỉ nhắm mắt thưởng thức mà đâu nỡ la. Cho nên có cô nàng cũng xoa dịu, xuống nước nhỏ, vì chưng trong lòng cũng thấy thích thích:
Phải chi em được ở chung
Thì đâu đến nỗi anh hun gối mòn.
Nghe nàng nói vậy anh chàng quá xúc động:
Thấy em gò má hồng hồng
Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun.
Bỗng trong lòng chàng nghe rạo rực nên sấn tới:
Trứng vịt đổ lộn trứng gà
Thấy em nhỏ thó anh đà muốn hun.
Anh thương nàng nhỏ thó, anh không ưng trứng vịt bự, mà ưng nhỏ nhỏ như trứng gà. Nghe anh nói vậy nàng chẳng những không mắc cỡ mà còn thách;
Hun trước một miếng mà chơi
Mâm
trầu hủ rượu kết đôi vợ chồng.
Trong thời gian đợi chờ, chàng phải tranh thủ hun một miếng:
Hun em anh hít lấy hơi
Lỡ
khi phòng vắng còn mùi của em.
Khi chưa thành vợ thành chồng thì thèm hun cho đỡ ghiền, còn muốn để dành hơi…
Đến khi cá đã cắn câu… trong lúc đang làm lễ vu qui, và đứng trước bàn thờ, hai người đang quì lại song thân, tạ ơn công sinh thành. Anh cảm động, khều nàng thỏ thẻ:
Trâm vàng giắt chặt tua rung
Em
ơi day mặt lại anh hun cho đỡ lòng.
Còn không bao lâu nữa đã đến chốn phòng loan, động phòng hoa chúc, hơn nữa đang lúc làm lễ từ đường, làm gì mà gấp vậy, nàng nhỏ nhẹ khất nợ:
Xung quanh cô bác giáp vòng
Anh
muốn hun về chốn loan phòng sẽ hun.
Lời khất của nàng làm chàng hết chịu nỗi:
Dao vàng tra cán gỗ mun
Thương
em bất tử muốn hun bây giờ!
Quay sang nàng bất kể bà con cô bác hai họ… chàng hun lia lịa. Cho thấy rằng người xưa cũng yêu nhau tình tứ và lãng mạn lắm…
Một nụ hôn như hàng nghìn đời nay đã có, quen thuộc và cũ rích. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đang hưởng một nụ hôn nhàm chán. Đôi khi cổ điển nhưng rất lãng mạn.
Một chàng trai có nụ hôn môi nồng nàn, quyến rũ dễ khiến cô gái say mê.
Bao đời nay, những người yêu nhau vẫn hôn môi, khác biệt là ở chỗ bạn có biết “thưởng thức” đôi môi bạn tình hay không? Nụ hôn nhẹ nhàng hôn phớt lên má, hay nụ hôn dữ dội “kiểu Pháp” đều đem lại những đam mê bất tận.
Có người cho rằng nước Nga là nơi đầu tiên đưa nụ hôn vào nghi thức đám cưới, như một cách cam kết lời hứa bên nhau trọn đời.
Người La Mã hôn thay lời chào. Hoàng đế La Mã cho phép người dân tỏ lòng sùng kính bằng cách hôn lên người của ông từ chân tới má.
Thế kỷ 16 ở nước Anh, nụ hôn bắt nguồn từ trái táo. Một trái táo được bổ ra thành nhiều miếng nhỏ và thiếu nữ sẽ đem những miếng táo đó ra hội chợ đi lòng vòng đến khi phát hiện ra một chàng trai đáng được cô hôn. Cô gái sẽ mời chàng trái táo, mỗi lần chàng ăn hết một miếng táo là họ trao nhau một nụ hôn, khi ăn hết cả quả táo, chàng trai lại chờ đợi một thiếu nữ khác đến để tiếp tục trò chơi.
Nụ hôn xóa nhòa tội lỗi và tha thứ mọi lỗi lầm, cũng như bản chất của nụ hôn là một thủ thuật đáng yêu, để chấm dứt cuộc nói chuyện khi từ ngữ trở nên thừa thài.
Những người bạn, dành cho nhau nụ hôn trên má,. Những người yêu nhau dành cho nhau nụ hôn trên môi. Những nụ hôn cho đi là cả những cảm xúc theo đó đến người nhận…
Cuối cùng dù bạn hôn và được hôn ở đâu thì chân thành
và nồng nàn vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Chính tình yêu của bạn sẽ giúp cho nụ
hôn của bạn trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Nhân dịp xuân Quý Tỵ về QH xin kính chúc Quý Bạn Hữu, Quý Đồng Hương và Gia Quyến những ngày Xuân Hạnh Phúc và Một Năm Mới An Lành, Thịnh Vượng
Hoàng Quỳnh Hương
(Xuân Quý Tỵ 2013)
(Tài liệu sưu tầm)