MÓN
QUÀ TẠM BIỆT
Đây là lần đầu tiên con gái chúng tôi
xa nhà lâu như vậy và dù cố tỏ ra cứng rắn, tôi vẫn không khỏi hụt hẳng khi
nghĩ đến điều nầy. Khoảng cách giữa chúng tôi lúc nầy là 150 dặm mà
vợ chồng tôi vừa trở về từ trường đại học của con gái. Tôi nhìn sang
vợ, đôi mắt cô ấy ngân ngấn nước và có lẽ lúc nầy, cô ấy
cũng đang tự hỏi không biết những người cha, người mẹ khác sẽ sống ra sao
khi phần quan trọng nhứt trong cuộc đời của họ bỗng chốc không còn bên cạnh
nữa.
Những
kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về trong tâm trí tôi. Ngày xưa, khi bằng tuổi con
gái tôi bây giờ, tôi cũng trải buổi đầu vừa háo hức, vừa lo lắng ngồi trên
chiếc xe tải nhỏ của nông trại để cha tôi chở đến trường đại học. Tôi
cùng ngồi với cha trên “cabin”, sau thùng xe là một cái rương gổ nhỏ mà
tôi đã mua bằng tiền gặt cỏ cả mùa Hè năm đó. Mẹ chỉ tiễn cha con
tôi đến ngõ vì bà phải ở nhà trông coi đàn gia súc. Tôi
là đứa con thứ tư trong nhà, nhưng lại là đứa đầu
tiên được đi học đại học. Mẹ tôi khóc, tôi cũng rơm rớm nước
mắt. Khi chiếc xe chỉ vừa ra khỏi cánh cổng gỗ quen thuộc của nông trại, tôi
bắt đầu cảm thấy sợ hãi.
Cha tôi chạy xe chầm chậm trên
con đường quốc lộ trải nhựa mà tôi chưa từng đi qua, một cảm giác mới
mẻ xâm chiếm dần trong tôi. Tôi không muốn đến thành phố quá sớm. Đến
tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ khoảnh khắc lúc cha dừng xe cạnh dòng suối
bên đường, chúng tôi cùng ngồi ăn miếng bánh “sandwich” thơm ngon mà
mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn.
Ngày đầu tiên của con gái tôi khác
hẳn ngày xưa, tất nhiên rồi! Chúng tôi không cần chuẩn bị bánh
“sandwich” đem theo dọc đường, mà chỉ việc dừng lại ở các tiệm
“fast food”. Chỗ ở của sinh viên cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng
tôi chỉ cần đưa con mình đến trường, giao cho cô quản lý rồi an tâm
ra về. Thế nhưng không vì thế mà chúng tôi không lo lắng. Vợ tôi dành ra cả
tiếng đồng hồ, hết nói chuyện với cô quản lý đến dặn dò con gái không
biết đến lần thứ bao nhiêu. Khi cô ấy quay lại xe, tôi thấy đôi
mắt đỏ hoe vì nước mắt.
Tiếp
tục trên đường về, đến khi vợ chồng tôi đi đến thị trấn kế tiếp, tôi
mới phát giác ra là con gái mình để quên máy nghe nhạc ở băng ghế
sau. Nhìn chiếc máy bé xíu mà con bé luôn mang theo bên người, vợ tôi bỗng oà
khóc, tôi cũng cảm thấy sống mũi cay cay.
Cái
ngày đưa tôi đi học, lúc vào thành phố cha con tôi đã gặp ngay
một đám kẹt xe hỗn loạn. Vừa mệt vừa căng thẳng, cha con tôi không còn sức
nói với nhau một lời nào, lúc đó tôi chỉ mong sao mau chóng đến ký túc
xá để tôi được tắm rửa, nghỉ ngơi. Thế nhưng khi xe dừng lại ở
cổng trường, cảm giác hụt hẳng và lo lắng kéo đến, tôi cảm thấy lòng bất
an vô cùng. Tôi bắt tay với cha trong xe, sau đó cha nhìn tôi thật lâu
không một lời nào, nhưng tôi có cảm thể đọc được những gì ông đang
nghĩ. Cha tôi không thể nói gì cả, cuối cùng thì ông cũng mở lời:
- Cha chưa bao giờ đi
học đại học, các anh em của con cũng vậy. Thật tình cha không thể nói con
không được làm cái nầy, cái kia, bởi mọi thứ bây giờ đã khác xa
hồi đó. Cha thừa nhận là cha không được học cao như con, nên có lẽ
cũng không thể đưa ra lời khuyên bổ ích nào giúp con cả. Nhưng cha
tin là con có thể sống tốt, vì nền tảng giáo dục nhân cách vững chắc mà
con đã được hưởng từ gia đình mình. Rồi mọi chuyện sẽ tốt thôi
con ạ!
Cha tôi đưa cho một tập ngân phiếu
mới và bảo rằng:
- Nếu có chuyện gì khó khăn, hãy viết
một tờ ngân phiếu nhỏ, nhưng bất cứ khi nào con viết vào nó, đừng quên gởi
thư cho cha để cha biết những khó khăn của con, con đừng lo gì cả,
nhà chúng ta vẫn có vài thứ có thể bán được.
Trong vòng bốn năm, tổng số tiền tôi dùng từ
tập ngân phiếu của cha tôi chưa đầy bốn ngàn đô. Vừa học tôi vừa cố gắng
làm thêm để kiếm tiền, từ việc làm tài xế, trông nom thư viện, trông giữ
trẻ, đến cả việc tham gia đội quản lý tài chánh, công việc đã
giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của tôi sau nầy.
- Hãy luôn ý thức rõ mục tiêu của
mình, điều đó sẽ giúp con biết con cần làm những gì. Cha tôi tiếp
tục.
- Khi con có một việc làm, hãy làm
việc thật chăm chỉ và trung thực.
Tôi biết rằng đây chính là bước
ngoặt của cuộc đời mình, một bước sẽ dẫn tôi đến một cuộc đời sống
tươi sáng hơn sau nầy. Tôi đang háo hức với cuộc sống mới nhưng đồng
thời cũng lo lắng, sợ hãi. Tôi biết rồi cũng sẽ có lúc tôi cảm
thấy đơn độc trong thành phố rộng lớn nầy và sẽ nhớ về những
cánh đồng, những ngọn gió mát lạnh mơn man trên da thịt, về tuổi
thơ êm đềm đã qua.
Bỗng cha tôi đưa cho một cuốn
sách củ, cuốn sách về “nhân tâm” mà
cha tôi đã gìn giữ từ rất lâu như một báu vật của mình.
- Nó sẽ giúp ích con! Nếu con để nó giúp
con.
Ông nói rất đơn giản. Và cuốn
sách ấy đã thật sự giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Tôi đã
tốt nghiệp đại học mà không trở thành gánh nặng của gia đình,
tôi đã có một việc làm thu nhập ổn định. Ngày ra trường trả cuốn
sách lại cho cha tôi, ông chỉ mỉn cười.
- Rồi con của con cũng sẽ cần đến
nó!
Bây giờ chắc đã quá trể rồi. Sẽ hay
hơn nếu như tôi đã đưa cho con gái mình cuốn sách khi nó bước xuống xe. Nhưng
tôi đã không đưa. Mọi thứ giờ đây đều đã thay đổi.
Tôi đã được đi nhiều nơi và đời sống cũng dễ dàng hơn trước
nhiều. Tôi có thể cho con gái của mình bất cứ thứ gì nó muốn, một cuốn sách cũ
kỹ đã khiến cho tôi ngần ngại. Ở tuổi của nó, ở thời đại nầy còn có
thể đọc và hiểu một quyển sách “sống đẹp” như thế không ?
Không!
Vẫn còn kịp. Tôi nhìn qua gương chiếu hậu, tôi vẫn còn có thể quay lại trường
của con gái, tôi sẽ trao cho con tôi quyển sách mà ông nội nó đã gởi trọn
cả niềm tin yêu và hy vọng. Tôi cũng sẽ nói: “Cuốn sách nầy sẽ rất
bổ ích, nếu con để NÓ giúp con”.
Nguyễn Uyên Hưng
(Phỏng dịch)