TIẾC NHỚ MỘT GIỌNG CA VÀNG
Thế là sau bao nhiêu hồi hộp, đồn đoán, tin về sự ra đi của ca sĩ Lệ Thu đã trở thành sự thật! Một giọng ca vàng sẽ không bao giờ tìm thấy lại nữa.
Thế hệ của tôi, trưởng thành tại miền Nam vào thập niên 1960, với cuộc sống tinh thần gắn chặt với 3 giọng ca vàng: Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. Đó là những giọng ca biết tìm cho mình một không gian âm nhạc lý tường phù hợp với chất giọng trời cho. Thái Thanh tìm đến Phạm Duy, với những bản tình ca sâu lắng, luyến láy những tình tự dân tộc và buồn mênh mang; Khánh Ly tìm đến Trịnh Công Sơn, một phù thủy của ngôn ngữ âm nhạc, mà từng giai điệu, từng lời ca tưởng như viết ra chỉ để dành riêng cho chất giọng liêu trai của chị.
Lệ Thu không tìm đến một không gian âm nhạc nào nhất định, song chị vượt trội hơn nhiều giọng ca cùng thời ở chỗ chọn đúng âm nhạc cho chất giọng sâu lắng, mượt mà của chị. Còn nhớ vào nửa đầu thập niên 1960, chị đã làm cho mọi người phải chú ý đến chị qua ca khúc Ngậm Ngùi (Phạm Duy phổ thơ Huy Cận):
Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu,
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi, hãy ngủ anh hầu quạt đây …
Sang đến bản Tình Khúc Thứ Nhất (Nhạc Vũ Thành An – lời Nguyễn Đình Toàn) thì giọng ca Lệ Thu đã cưa đổ hoàn toàn một gã con trai khó tính như tôi. Một giai điệu lạ lẫm, ngôn từ kỳ thú tưởng như chỉ có Lệ Thu là diễn tả được hết tất cả sự tinh tế của nó:
Tình vui trong phút giây thôi,
Ý sầu nuôi suốt đời,
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi, mấy tuổi xa người,
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi …
Thế rồi, đến những Hoài Cảm, Hương Xưa của Cung Tiến, Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa, Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển ….. giọng hát của Lệ Thu như chất vữa gắn kết những tâm hồn đồng điệu, tìm thấy ở âm nhạc chị thể hiện cái đẹp đích thực của nghệ thuật.
Tôi không thể nào quên một kỷ niệm về chị. Giữa năm 2008, tôi tình cờ ra Huế đúng vào lúc vừa diễn ra Festival, những ngày vui sắp tàn. May mắn sao, còn lại đêm nhạc ngày 22.6.2008 của chị với sự phụ họa của ca sĩ Hà Thành Mai Lan, một giọng ca nền nã, mượt mà không son phấn, không chạy theo thị hiếu của đám đông. Đêm “hát mộc” diễn ra trong thành nội, trên khoảnh sân rộng của một ngôi nhà cổ, hàng trăm người yêu giọng hát của chị ngồi trên những tấm chiếu trải trên nền xi-mãng. Chị và Mai Lan đã đứng cạnh mọi người, dung dị, thân tình, hát lên những ca khúc mà mọi người mong đợi nhất. Đến khi chị cất lên tiếng hát ca khúc Thuyền Viễn Xứ thì lần nào cũng vậy, trái tim tôi như ngừng đập. Tựa như Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An, khó mà tìm thấy một chất giọng nào thay thế nổi giọng hát Lệ Thu trong Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người….
Sáng nay, tin chị vĩnh viễn ra đi không quá bất ngờ, như một định mệnh được báo trước, song chắc hẳn tấm lòng của mỗi chúng ta vẫn trào dâng một niềm tiếc nhớ mênh mang. Chị đã sống một cuộc đời đáng sống, đã cống hiến cho đời những giá trị nghệ thuật đích thực, đã vượt lên trên những dung tục, bát nháo của đời thường để tìm cho mình một chỗ đứng xứng đáng nhất.
Sáng nay, có một khách ly hương bệnh hoạn, nhận tin buồn, chồm dậy, lắng nghe Tình Khúc Thứ Nhất, Hoài Cảm, Thuyền Viễn Xứ…. do chị hát, hai giọt nước mắt nóng hổi ứa ra từ những hốc mắt khô khốc. Sợ không còn đủ tỉnh táo để viết nên điều gì ra hồn, chỉ mong đây là những cảm nghĩ rất thật về một giọng hát mà người đời sẽ tiếc nhớ khôn nguôi
Lê Nguyễn (FB)
16.1.2021
16.1.2021
Gửi ý kiến của bạn