1.
Ngày xưa, những năm 70 nhiễu nhương của thế kỷ trước trúng vào thời sinh viên của bọn tôi ở Sài Gòn. Dù đa số anh em đều con nhà nghèo hay chỉ trung lưu nhưng được cái bọn tôi lại khá ‘phong lưu’ về khoản cà phê.
Quán quen thì lu bù. Khi có tiền thì ra cà phê Hân hay Duyên Anh trên đường Đinh Tiên Hoàng (Đakao), gần trường Văn Khoa nhất, hay cà phê Hồng ở đường Pasteur, Tân Định…Vào những ngày ‘cạn túi’ bọn tôi vẫn có thể ung dung đến một nơi tạm gọi là “cà phê lá me”. Nằm trong quận trung tâm thành phố là Quận Nhất, ngã ba Đồng Khởi (Tự Do/Catinat cũ) - Nguyễn Du cho đến ngày nay vẫn luôn là khu vực hào nhoáng bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ, có mặt toàn những khách sạn, nhà hàng, văn phòng thương mại, ngân hàng… nguy nga, sang trọng. Vậy mà thời đó, ở ngã ba này, trên một quãng vỉa hè chỉ là sàn xi măng thô, chỗ cao chỗ thấp thuộc đường Nguyễn Du, dưới tán lá những cây me già chợt xuất hiện một hàng cà phê lộ thiên, không bảng hiệu, thuộc hạng bình dân, xập xệ hết cỡ.
Tượng Đức Mẹ đứng giữa hoa viên phía trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, lúc nào đó liếc mắt sang phía phải, thấy cái quán nghèo mạt ở giữa khu phố quá giàu có, hẳn Mẹ không khỏi chép miệng thương xót: “Tội nghiệp, các con ở nhầm chỗ mất rồi!”. Quán nghèo, bàn ghế toàn gỗ tạp cũ mèm, vừa nhỏ vừa thấp. Thường thì bọn tôi hay gọi cái quán cóc nhưng pha cà phê vớ thiệt ngon này là “cà phê lá me”, “cà phê Nguyễn Du”, hú nhau thì vắn tắt “Ra lá me!”.
Cà phê lá me xập xệ, bần dân đến nổi bọn tôi ngầm chia sẻ nhau một điều kiêng kỵ, đó là không bao giờ rủ mấy nữ nhóm viên hiếm hoi trong nhóm đến quán. Con gái nhà người ta nết na đằm thắm, thanh tân hết mực. Cứ nhìn các nàng trong áo dài raglan kiêu sa, trang trọng là mình đã phải làm nghiêm, cố nói năng cho đúng mực đàng hoàng và tôn trọng, thì có rủ đi uống nước cũng phải lựa quán xá sang trọng cỡ La Pagode, Cafetaria, Hân, Duyên Anh, Bố Già… mới xứng. Làm sao có thể rủ con người ta đến cà phê lá me, ngồi lê lết lề đường như dân bụi đời? Vừa khó coi vừa mất giá tiểu thư!
2.
Dù sao mặc lòng, ngày giờ này đã nửa thế kỷ trôi qua, hễ ngồi nhắc với nhau về cà phê lá me ngày xưa là bọn tôi đã như sống lại với những kỷ niệm sâu lắng, những hình ảnh/chuyện đời vui buồn thời sinh viên. Đám bạn già có chung cảm nhận rằng những ngày được sống trong tâm thức lãng mạn, phóng dật của thời ‘Cà Phê Lá Me’ viết-hoa ấy mới quý giá và đáng sống làm sao!
Cái thời mà ở quán cóc lề đường Nguyễn Du, những buổi chiều gió hiu hiu vừa đủ làm rụng lá me, những chiếc lá nhỏ xíu bay lạc vào tách cà phê, tách trà bình dân, rẻ tiền của bọn sinh viên nghèo nhưng sống có lý tưởng. Chính vào những lúc tụ tập ở cà phê lá me, ngoài những tâm sự thậm thụt, tán dóc vu vơ, bọn tôi còn thường bàn đến những vấn đề nghiêm chỉnh về hoạt động chung của nhóm, cả về những định hướng tương lai sự nghiệp, như: nên học chuyên về triết Đông hay triết Tây, làm tiểu luận cao học đề tài nào, cùng đào sâu nghiên cứu tư tưởng triết gia nào, quyết định lập nhóm nghiên cứu và ra tờ báo, cần ghi danh thêm bên khoa luật hay khoa chính trị – kinh doanh, không nên nhận tiền tài trợ của tổ chức T.…
3.
Cà phê lá me còn ghi khắc cả những chuyện-tình-sinh-viên thật đẹp hoặc thật tội nghiệp. Như có một tên bạn thân, học cùng ban Triết đông với tôi. Năm đó, người trong mộng của hắn thay vì một tiểu thư yểu điệu thục nữ, áo dài tha thướt, trang trọng rất Á Đông như lời tình ca mượt mà “Hỡi người tình Văn khoa…” của Phạm Duy, đằng này lại là một cô nàng dân trường đầm, vô Văn Khoa ghi danh ban Anh văn, hay mặc jupe bó đùi rất gợi cảm.
Bên tách cà phê vớ ở cà phê lá me, gã thất tình bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia sẻ nỗi buồn riêng và hắn còn đặc biệt cám ơn bạn bè hơn nữa khi bọn tôi đã dẫn hắn ra cà phê lá me bình dân, rẻ tiền, thay vì là một quán sang trọng, mắc tiền khác. Lý do là, khi còn mê mãi theo đuổi người đẹp trường Tây, hắn từng phải tiện tặn từng đồng từng cắc, nhịn ăn nhịn uống để có tiền mời người đẹp đi uống nước và đã vài lần hắn chọn cà phê Hân cho gần trường. Rốt cuộc, anh sinh viên nghèo mạt, thật tội là chỉ đưa người đẹp đi uống nước ‘hạng sang’ có vài lần là đã đi đứt cả tháng lương dạy kèm, ăn mì gói thay cơm dài dài… Và đến khi an ủi hắn, bạn bè không đưa hắn đến cũng cà phê Hân hay một quán sang trọng nào khác là đã tránh cho hắn khỏi bị những nơi này gợi lại niềm đau của mối hận tình – cả nỗi tủi thân nữa.
PHẠM NGA ( PHẠM VIỆT HÙNG)
PHẠM NGA ( PHẠM VIỆT HÙNG)
Gửi ý kiến của bạn