MƯA XUÂN- MỘT BÀI THƠ ĐẬM CHẤT NHÂN VĂN
Bữa nay… lất phất mưa xuân
Hoa xoan tím nở xa gần ngõ quê
Nhớ “Em ngày ấy” tôi về
Đầu trần thấm lạnh…tái tê dọc đường
Hình như… còn nhớ, còn thương
Dù yên mái phố, còn vương tơ làng
Hình như… còn chút dở dang
Trót trao nhau thuở vội vàng lên xe.
Lỡ thưa thớt mảnh trăng thề
Chiến tranh mà, nỡ trách chê làm gì?
Đời người bao nỗi vân vi
Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh
Nghe em hạnh phúc yên lành
Mừng thầm…trở bước, nhủ mình lặng xa
Mưa xuân… vẫn rắc mái nhà
Cây xoan vẫn đổ đầy hoa bên thềm…
(Lê Nhuệ Giang)
(Lê Nhuệ Giang)
Mưa xuân của Lê Nhuệ Giang viết về một chuyện tình dang dở thời chiến. Bài thơ có chút buồn, nhưng là nỗi buồn đẹp vị tha và đậm chất nhân văn. Ta hiểu trong chiến tranh, điều gì cũng có thể xảy đến. Bao người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Có người may mắn được trở về thì lời hẹn ước khi xưa đã không trọn vẹn. Câu chuyện tình buồn ấy, để lại trong lòng người về một nỗi day dứt khôn nguôi… Đó là là tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Mưa Xuân.
Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh mùa xuân, với mưa xuân lất phất bay và Hoa xoan tím nở xa gần ngõ quê. Hoa xoan và mưa xuân là hai hình ảnh quen thuộc của làng quê Bắc bộ vào mùa xuân. Hai hình ảnh này còn lặp lại ở cuối bài tạo nên một chỉnh thể nhất quán trong kết cấu bài thơ. Ấy là khi nhân vật trữ tình trở về làng thăm lại người xưa:“Nhớ“Em ngày ấy” tôi về/ Đầu trần thấm lạnh…tái tê dọc đường…” Trong tâm thế của người về, ta “đọc” được tâm trạng, nhớ nhung pha chút luyến tiếc. Từ láy tái tê vừa mang nghĩa đen chỉ cái lạnh của đất trời thấm vào da thịt, vừa mang nghĩa bóng chỉ nỗi buồn xót, có cả thất vọng về một tình yêu dang dở.
Khổ thơ thứ hai cụ thể hơn cái nguyên do trở về thăm “Em ngày ấy” của nhân vật trữ tình. Tổ hợp từ “Hình như” được lặp lại 2 lần, biểu thị ý phỏng đoán một cách dè dặt, dựa trên những gì người thơ trực tiếp cảm nhận. Nói ra như thế, để người về có lý do chính đáng đó thôi, chứ ta chắc người thơ vẫn còn nhớ thương và nặng lòng với những gì “Trót trao nhau thuở vội vàng lên xe”, mà anh gọi là chút dở dang, mặc dù giờ đây, anh đã “yên mái phố. Cho dù cô gái ấy đã “Lỡ thưa thớt mảnh trăng thề” và chuyện tình của họ thành dang dở, nhưng vì “Còn nhớ, còn thương” anh đã tìm về thăm lại người xưa.
Cả bài thơ không có từ ngữ nào diễn tả nỗi thất vọng của anh, nhưng ta hiểu anh vẫn nặng lòng với những lời đã trao gửi, và muốn biết cuộc sống hiện tại của “Người ấy” thế nào? Bởi hơn ai hết, anh hiểu lý do chuyện tình của mình dang dở. Lời giải thích và cũng là để tự an ủi mình: “Chiến tranh mà, nỡ trách chê làm gì?/ Đời người bao nỗi vân vi/ Yêu hương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh”.
Vâng, không một lời phàn nàn, oán trách, mà trái lại, là sự cảm thông, vị tha của nhân vật trữ tình. Rõ ràng, chiến tranh là nguyên nhân khiến cô gái không thể đợi chờ. Nhưng bên cạnh đó, cô còn phải đối mặt với bao nỗi trớ trêu của cuộc đời… Cho nên, dù “Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh” mà tất cả thành… dang dở. Từ “Chiến tranh” hai lần được nhắc đến trong một khổ thơ, có phải vì tác giả muốn chiêu tuyết cho Em đó chăng? Hiểu như thế, nên tâm trạng người trở về dường như đã nguôi ngoai hơn thì phải?
Vâng, không một lời phàn nàn, oán trách, mà trái lại, là sự cảm thông, vị tha của nhân vật trữ tình. Rõ ràng, chiến tranh là nguyên nhân khiến cô gái không thể đợi chờ. Nhưng bên cạnh đó, cô còn phải đối mặt với bao nỗi trớ trêu của cuộc đời… Cho nên, dù “Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh” mà tất cả thành… dang dở. Từ “Chiến tranh” hai lần được nhắc đến trong một khổ thơ, có phải vì tác giả muốn chiêu tuyết cho Em đó chăng? Hiểu như thế, nên tâm trạng người trở về dường như đã nguôi ngoai hơn thì phải?
Khổ thơ cuối bỗng nhẹ bẫng, ấy là khi: “Nghe em hạnh phúc yên lành/ Mừng thầm…trở bước, nhủ mình lặng xa. Ta hiểu nhân vật trữ tình tìm về không phải để níu kéo tình xưa, mà điều quan trọng nhất anh muốn biết về cuộc sống hiện tại của Em để yên tâm đó thôi. Nghe và biết Em hạnh phúc yên lành, đó cũng là hạnh phúc của anh. Vậy mà, rất mừng bởi cuộc sống hiện tại của Em, người thơ chỉ giấu kín trong lòng, chủ động lặng lẽ quan sát từ xa, chắc hẳn anh không muốn cuộc sống của Em xáo trộn nên: “Mừng thầm… trở bước, nhủ mình lặng xa”.Chỉ cần biết được cuộc sống của em an lành là đủ. Đó chẳng phải là cách hành xử cao thượng, vị tha của nhân vật trữ tình đó sao?
Hai câu thơ cuối, hình ảnh mưa xuân và hoa xoan được lặp lại, nhưng tính chất thì đã khác. Mưa xuân không còn lất phất nữa, mà dường như nặng hạt hơn thì phải? Và hoa xoancũng không còn nở tím ngõ quê nữa, mà đã “đổ đầy hoa bên thềm”. Điều đó nói lên rằng, nét làng từ khi nhân vật trữ tình trở về, đến khi trở bước quay lại phố đã có sự thay đổi. Phải chăng đó là một ẩn dụ để chỉ lời thề xưa đã đổi thay, tình yêu không trọn vẹn?
Với giọng lục bát ngọt ngào đằm thắm, ngôn ngữ và thi ảnh thơ giản dị, lắng sâu, bài Mưa xuân của Lê Nhuệ Giang là một bài thơ hay, ám ảnh về một chuyện tình dang dở bởi chiến tranh, giữa anh bộ đội và cô gái làng. Qua đó bài thơ gián tiếp nói về những tổn hại của chiến tranh và gửi gắm thông điệp đầy tính nhân văn từ một tình yêu không trọn vẹn…
Nguyễn Thị Bình
Gửi ý kiến của bạn