CÂY CẦY CÔ HAI
(Viết cho Sáu Vống, Sáu Vân và các bạn ở Bửu An để nhớ một thời tuổi dại đã qua.)
Cây Cầy ai cũng biết, giống như cây xoài, nhưng lá nhỏ và trái nhỏ chừng như trái xoài rừng. Cây rất dẽo và dai thường dùng làm than, than cầy tốt lắm, đốt nóng ủi quần áo không sợ bi cháy vì nó không hề nổ như than của các loại cây khác.
Nhưng ít có người biết ở trái cầy, nhân bên trong của nó ăn rất bùi, ngon, thơm vô cùng. Khi mùa mưa bắt đầu, cầy trổ hoa và ra trái hết mùa mưa thì rụng xuống.
Người trong xóm đem thúng gánh ra lượm về lựa trái còn tươi tốt cho bò ăn, sau khi nuốt vào khoảng hai giờ con bò lại ói ra. Người ta nhặt và đem phơi khô rồi dùng búa hoặc chày đâm tiêu đập nó bể ra làm hai, hạt bên trong hình bầu dục, màu đỏ sẫm, tách vỏ lụa bên ngoài thì thấy phần bên trong trắng muốt. Đem rang cho vàng, bỏ vào cối giả nát, khi nguội nó sẽ kết dính lại với nhau thật cứng đem cất để dành ăn cơm, ngon không chê được chổ nào.
Cây Cầy với tôi thật có nhiều kỷ niệm trong tuổi còn xanh, đi đến đâu trong giây phút chạnh lòng khi chợt nghĩ về quê hương nghe xao xuyến, bùi ngùi nhớ đến các bạn cùng xóm thời niên thiếu, trong những ngày hè thường rủ nhau xuống Chùm Sao, dưới gốc cầy tìm hột để đập ăn, hoặc ra Rạch mò cua bắt ốc hay cùng chạy đua đi tắm ao dưới chân núi Bửu Long, một thời niên thiếu êm đềm đi qua trên Quê Hương không bao giờ phai nhạt được trong tâm hồn của tôi.
Cứ mỗi độ Xuân về, con đường quê nhỏ vừa đường xe bò đi, bỗng trở nên tấp nập, người ta từ Bình Hòa, Bến Cá, Tân Triều quảy gánh đi bộ ngang qua xóm đến thành phố Biên Hòa để xem chợ Tết rực rỡ và xinh đẹp như thế nào, nhưng đa phần là đi mua sắm để trang trí nhà cửa và thực phẩm để đón ba ngày Tết. Khi trở về, mọi người thường để gánh xuống, ngồi nghỉ dướì gốc cây Cầy gần cạnh xóm, vì cây rất to lớn, hai người ôm không hết, nên cho bóng mát tỏa khắp vùng xung quanh nó.
Chính tại dưới gốc cây đó, một vụ án mạng xảy ra mà mỗi người dân trong xóm đều biết, cũng chính vì vậy mà cây Cầy nầy mang tên: "CÂY CẦY CÔ HAI’
Người con gái độ khoảng đôi chín, mặc chiếc áo bà ba trắng, quần vải đen, một mình đứng nghỉ dưới bóng mát, bất thình lình có hai gã thanh niên nhảy ra từ trong bụi rậm, lôi nàng vào gốc cây, một người lấy khăn trên vai của cô gái xiết cổ, còn người kia lấy kim móc tai đâm vào cổ cho đến chết. Người con gái đó chống cự và kêu cứu vang rền, chú Bảy tôi (là người tôi đã kể " Chú Bảy cưới vợ" đăng trong báo Xuân năm 2013 ) vì ở gần đó, nên khi nghe la chú liền chạy đến nơi thì thấy hai thanh niên đang chạy về phía Chùm Sao, còn cô gái thì nằm bất động dưới gốc cầy. Chú liền kêu người đi báo Cảnh Sát và chính quyền xã Bửu Long. Cảnh Sát và dân vệ xã bao vây khu rừng nhỏ, đến chiều thì bắt được cả hai tên nầy.
Sau nầy mới biết được hai thanh niên đó là anh em ruột ở cùng xóm với cô gái. Vì hờn ghen và tức giận khi đến cầu hôn nhưng không được chấp nhận nên rấp tâm sát hại.
Từ đó, cứ mỗi lần Tòa Án Biên Hòa mở phiên xử, thì chú Bảy lại mặc áo dài khăn đống đi bộ xuống để làm nhân chứng. Đến khoảng năm 1963, thì Tòa tuyên án một người tử hình và một chung thân, kết thúc một vụ án tình đẫm máu và thương xót một đời con gái ngây thơ, tội nghiệp chết rất oan uổng, nàng có biết gì đâu, hồi xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Hai ba tháng sau vụ giết người dưới gốc Cầy, trong xóm tôi bắt đầu lo sợ vì mọi người đều thấy và thường thấy bóng một người con gái hay lãng vãng dưới gốc cây và xung quanh khu rừng chồi. Hồi đó, chúng tôi đi xem phim chiếu ngoài công trường Sông Phố thường rủ nhau đi rất đông vì sợ "Cô Hai". Tôi bị má cho ăn chổi lông gà mấy lần vì mê đá banh mà quên đón rước chị tôi đi làm phụ hồ về, chị là người rất sợ và mọi người đều ớn lạnh khi phải đi ngang qua cây Cầy nầy.
Khi tôi mười hai, mười ba tuổi, một buổi sáng nọ đi đến trường, vừa qua cuối sân banh Bửu An thì tôi nghe có tiếng của chị Hai Phước, con cô Năm em ba tôi (Tôi phải gọi chị vì lớn tuổi hơn tôi rất nhiều) đang đi qua cây Cầy Cô Hai, chỉ vừa đi vừa kêu thật to:
- Đậm ơi ! mầy chờ tao đi với.
Chị càng kêu thì tôi càng đi nhanh hơn, đầu không dám quay lại nhìn vì sợ biết đâu là Cô Hai thì sao, nghe người ta nói nếu ma kêu mà mình nhìn lại thì sẽ bị hốt hồn. Tôi cứ cúi đầu đi nhanh, đi như chạy bỏ mặc cho chị kêu réo om sòm phía sau. Khi đến Sở Cải tôi mới dám đứng và nhìn lại, bị chị hai Phước chưởi cho một trận. Đó là câu chuyện mà tôi luôn nhớ mãi trong lòng.
Trong xóm mọi người kể, khi mình đi từ xa vào trưa đứng bóng thường thấy Cô Hai phía trước như đang chờ đợi ai, lúc đó không ai nhận biết đó là Cô, nhưng khi đi ngang qua và nhìn coi người đó là ai thì bóng ấy đã biến mất đi từ lúc nào, lúc ấy mới hoãng hồn và chợt nhận ra rằng người ấy là Cô Hai, riêng tôi cũng bắt gặp một tình huống như vậy vào trưa đi học về.
Câu chuyện về cây Cầy Cô Hai mấy chục năm qua tưởng chừng như quên lãng, không còn ai nhắc đến nữa . Khi tôi cải tạo về, rừng chồi Chùm Sao đã bị nguời trong xóm và dân ngoài thành phố đốn làm củi, ngay cả đến khóm Sao sát xóm và gần hai mươi cây Cầy kể cả cây Cầy cô Hai cũng bị bị chặt đi mất tiêu, chỉ còn lại những nắm mộ chi chít ngổn ngang.
Năm 2004, tôi từ Mỹ trở về Biên Hòa, có ghé thăm bà con ở ấp Bửu An và nhà Bảy Xẹo. Chú năm Vẹn trong xóm có ba người con, hai gái, một trai, có tên thật là ngộ lắm: "Tròn, Méo, Xẹo ". Căn nhà bằng tường của Bảy Xẹo xây dựng cách đây hông lâu lắm, về phía Tây xa nhà chừng hai, ba chục mét có một cái miếu nhỏ, tôi thấy rất lạ nên hỏi :
- Hồi xưa đâu có cái miểu nầy, sao bây giờ ai dựng lên vậy?
Bảy Xẹo trả lời:
-Tôi mới vừa xây để thờ Cô Hai, vì hồi trước, ở đây hay bị cô quấy rối, thường gặp chuyện không may, làm ăn chẵng được gì. Từ ngày có miếu nầy gia đình tôi mới được yên ổn, phát đạt.
Đó là câu chuyện sau gần hơn năm mươi năm mà vẫn còn nghe đến, người không biết, chắc chắn không ai tin nổi chuyện nầy, nhưng dân trong xóm Bửu-An tất cả đều tin chuyện Cô Hai là có thật, vì mọi người đã từng khiếp sợ, từng ớn lạnh khi trông thấy dáng Cô trong bộ bà ba trắng, quần đen đang đứng xa xa phía trước và nhất là khi một mình phải lấy hết can đảm đi như nhanh như bay qua cây Cầy nầy, vì đây là con đường duy nhất dẫn đến chợ của nguời dân ở đây và đi học của bọn nhỏ chúng tôi mà nghe nổi da gà.
Cây Cầy giờ đây không còn nữa, xóm Bửu An cũng không còn, tất cả đã đi vào quên lãng, chỉ còn lại trong tôi một thời trẻ dại thật êm đềm thật tươi đẹp cùng với biết bao kỷ niệm đã đi qua nghe nuối tiếc, bâng khuâng.
NGUYỄN CẪM GIANG
11-25-2014